Đổi tên căn cước công dân thành thẻ căn cước từ 1/7/2024, người dân có cần làm lại theo mẫu mới?

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước, thống nhất đổi tên thành thẻ căn cước.

Sáng 27/11 đã diễn ra Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), tại phiên họp này Quốc hội đã thông qua dự án Luật Căn cước với 87,25% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Trước đó, Thường trực UBQPAN cho biết, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của thẻ căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số, với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong thẻ căn cước và hình thức, phương thức quản lý số tính khoa học, đại chúng, giúp cho Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi, phù hợp với môi trường số, xã hội số.

Đổi tên căn cước công dân thành thẻ căn cước từ 1/7/2024, người dân có cần làm lại theo mẫu mới?- Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội khóa XV), sáng 27/11

Do thay đổi tên gọi từ luật CCCD thành luật Căn cước, để tương thích, thẻ CCCD sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.

Không chỉ tên gọi, một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước cũng được đổi mới so với thẻ CCCD.

Cụ thể, về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Điều 18 trong luật quy định thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy; Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; Dòng chữ "CĂN CƯỚC"; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; Nơi cấp: Bộ Công an.

Ngoài ra, Điều 22 của Luật quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Thẻ căn cước sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo mật cao, chống làm giả

Theo báo cáo của Cơ quan soạn thảo, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.

Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập và truy xuất dữ liệu.

Đổi tên căn cước công dân thành thẻ căn cước từ 1/7/2024, người dân có cần làm lại theo mẫu mới?- Ảnh 2.

Bên cạnh đó, để khai thác được các thông tin trong chip phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật (ISD KEY) để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin. 

Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật (ISD KEY).

Tuy nhiên sau khi Luật Căn cước được thông qua, nhiều người dân thắc mắc, lo ngại về việc những thay đổi này sẽ khiến người dân phải làm CCCD mới, trong khi chỉ mới cách đây 1-2 năm, người dân đã phải thay đổi CCCD/CMND vốn có thành CCCD gắn chip.

Vậy người dân có tiếp tục phải đổi Căn cước công dân mẫu mới?

Đổi tên căn cước công dân thành thẻ căn cước từ 1/7/2024, người dân có cần làm lại theo mẫu mới?- Ảnh 3.

Người dân có tiếp tục phải đổi Căn cước công dân mẫu mới?

Có phải làm lại CCCD theo mẫu mới sửa đổi?

Tính đến thời điểm này người dân có thể sử dụng 4 loại giấy tờ tùy thân, với giá trị pháp lý như nhau gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân thực hiện một số giao dịch liên quan đến chứng minh nhân dân trong giai đoạn chuyển tiếp, luật quy định chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Ngoài ra, luật cũng quy định thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Chia sẻ