Xăng tăng trước, giá xe ôm, thực phẩm "lao" theo

Theo Eva,
Chia sẻ

Trên thị trường những dịch vụ thiết yếu, hàng ăn uống đã được các tiểu thương điều chỉnh tức thì.

Hiện nhiều ngành vận tải đang bàn tính chuyện tăng giá cước sau khi giá xăng tăng, nhưng một số dịch vụ vẫn tải bình dân như: xe lôi, xe tải nhỏ, xe ôm... đã tăng giá trước. Bác An, chủ xe lôi đang hoạt động tại địa phận Cầu Giấy, cho biết, "cứ tăng giá xăng là các chủ xe lôi lại tự động tăng giá, chẳng ai phải bảo ai".

Theo bác An, giá cước vận chuyển bằng xe lôi thường tùy thuộc vào hàng hóa và khoảng cách. Tuy nhiên, sau khi giá xăng tăng, giá cước vận chuyển thông dụng nhất từ 17.000-18.000 đồng/km, nếu hàng hóa cồng kềnh cộng với đường xa (khoảng 25 km trở lên) sẽ được tính với mức giá 21.000/km.

Tại bến xe Nam Thăng Long, bến xe Mỹ  Đình, nhiều người hành nghề xe ôm cho biết, ngay khi có thông tin tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít, giá cước xe ôm cũng tăng theo. Anh Lê Văn Nhất làm nghề xe ôm ở bến xe Mỹ Đình, cho hay, dạo trước giá cước xe ôm thường từ 7.000-10.000 đồng/km, nay do giá xăng tăng lên anh em ở đây cũng tự động tăng thêm 1.000 đồng/km.


Ngay khi có thông tin tăng giá xăng thêm 900 đồng/lít, giá cước xe ôm cũng tăng theo.
Ảnh minh họa.

Một số chủ xe tải loại trọng tải nhỏ thường xuyên chạy hợp đồng cho một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa ở Hà Nội khẳng định cước vận chuyển chắc chắn sẽ tăng khi giá xăng dầu tăng. Ông Thái - một chủ tổ hợp vận tải cho biết, sau khi giá xăng tăng, ông đã phải điện báo cho từng khách hàng về việc tăng giá cước và áp dụng giá cước mới ngay ngày hôm sau. Theo đó, cước vận chuyển sẽ được tính thêm 1.000 đồng/km.

Trong khi đó, theo tiểu thương tại các chợ ở Hà Nội như: Cổ Nhuế, Dịch Vọng, Phùng Khoang, Ngã Tư Sở... mấy ngày gần đây lượng tiêu thụ thực phẩm không tăng nhưng giá các loại thực phẩm tươi sống đang có xu hướng tăng theo giá xăng dầu.

Khảo sát giá thực phẩm tại các chợ cho thấy hầu hết các loại thực phẩm rau xanh đều tăng giá từ 500- 2.000 đồng tùy loại so với tuần trước. Hiện, rau muống có giá 3.000-4.000 đồng/bó, tăng 500 đồng/bó; rau bắp cải giá 2.500-3.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg; su su quả giá 4.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg; rau su su giá 6.000 đồng/bó, tăng 2.000 đồng/bó, đỗ xanh giá 7.000 đồng/kg tăng 1.000 đồng/kg...

Bên cạnh đó, một số loại rau xanh vẫn giữ giá ổn định như: cải thảo giá 6.000 đồng/kg, rau dền giá 1.500 đồng/bó, cà chua giá 11.000- 13.000 đồng/kg, khoai tây giá 6.000-7.000 đồng/kg tùy loại.


Hầu hết các loại thực phẩm rau xanh đều tăng giá (ảnh minh họa)

Chị Hòa, chủ sạp rau ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân) cho biết: "Nguyên nhân có lẽ do giá xăng tăng". Một số loại rau xanh lấy từ các huyện lân cận ở Hà Nội tăng nhẹ còn các loại thực phẩm lấy từ các tỉnh khác do vận chuyển xa lên tăng giá mạnh hơn, chị cho hay.

Anh Thọ chủ sạp rau ở Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết: "Ngay sau khi xăng tăng giá, một số người chở thuê rau quả cho các tiểu thương ở chợ cũng đòi tăng cước vận chuyển. Người đòi tăng ít cũng phải 50.000 đồng, người đòi tăng nhiều phải lên trên 100.000 đồng tùy vào khoảng cách gần xa". Theo anh, giá thực phẩm rau xanh tăng ngoài lý do tăng theo giá xăng dầu thì một số loại rau xanh do vào thời điểm cuối vụ, hàng khan hiếm nên cũng đội giá lên theo.

Ghi nhận từ các tiểu thương, nhiều loại thực phẩm khác như: thịt lợn, thịt gà, thủy sản... vẫn không có biểu hiện tăng giá tuy bị ảnh hưởng bởi giá vận chuyển tăng. "Thịt lợn đang là loại thực phẩm ế ẩm, khó bán, nếu tiếp tục tăng giá theo giá xăng dầu thì càng khó bán hơn", anh Tuyền bán thịt lợn tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) cho hay.
Chia sẻ