Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh: "Không sợ tuổi 30"

Huyền Trang; Ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

“Cô gái vàng” của belly dance Việt Nam mải miết chạy theo đam mê, sắp chạm ngưỡng 30 vẫn lạc quan, yêu đời và tràn trề nhiệt huyết. Cô chia sẻ rất cởi mở về sự nghiệp và quan điểm về tình yêu.

Tên thật: Đỗ Hồng Hạnh
Nghệ danh: Hạnh Sadie
Năm sinh: 1984
Nguyên quán: Hải Phòng

Thành tích đã đạt được:

- Năm 2009, giải Kỹ Thuật xuất sắc ở hạng mục Profestional Solo, hạng quốc tế trong cuộc thi Asia-Pacific Open (International) Oriental Competition

- Năm 2010, giải Cúp bạc châu Á với nội dung Fusion Solo và giải Nghệ sỹ xuất sắc châu Á – Thái Bình Dương (Grand Dancer) tại Asia Bellydance Competition 2010

- Năm 2011, Đỗ Hồng Hạnh và nhóm múa Sadie giành 3 Cúp Cầu Pha lê tại tại cuộc thi Asia Global Bellydance

- Cũng trong năm đó, tại Global Bellydance Competition, giành hai giải cá nhân là Super Idol và Bình chọn của khán giả

- Tháng 5/2012, tại Global Bellydance Competition, đoàn Việt Nam do Đỗ Hồng Hạnh dẫn đầu đạt được 10 cúp và huy chương ở các nội dung thi đấu

- Tháng 12/2012, chị tiếp tục dẫn dắt đoàn Việt Nam tham gia Far East International Bellydance Competition và giành 1 cúp vàng, 2 cúp bạc ở cả hai nội dung Tribal Fusion và Egyption - Professional Tradition.

Hiện tại, chị vừa làm quản lý vùng của một hãng sữa nổi tiếng, vũ công, biên đạo và giáo viên phụ trách bộ môn Belly dance ở nhiều Cung văn hóa, CLB belly dance tại nhiều tỉnh, thành phố.


Tôi “chơi” chứ không “làm” belly dance


Xin chào chị Hồng Hạnh. Trên đấu trường belly dance quốc tế, chị giành được khá nhiều giải thưởng. Chắc chị theo đuổi bộ môn này đã lâu?


Hạnh mới chơi belly dance được 5 năm thôi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương (tháng 1/ 2008), Hạnh mới chính thức chơi chuyên nghiệp, được 1 năm thì tham gia thi đấu. Đến giờ, tính riêng giải thưởng cá nhân, Hạnh có 12 giải quốc tế và các giải thưởng chung với nhóm Hạnh Sadie (người lớn),  nhóm Ministar (các bé thiếu nhi); đứng trong top 10 biên đạo belly dance quốc tế. Thế có nhiều không nhỉ? (Cười)

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
Đến giờ, tính riêng giải thưởng cá nhân, Hồng Hạnh có 12 giải quốc tế...

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
... và các giải thưởng chung với nhóm Hạnh Sadie (người lớn)...

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
  ... cùng nhóm Ministar (các bé thiếu nhi).


Ai là “tôn sư” của chị?

Đó là cô Sadie – một trong những vũ công belly dance hàng đầu ở Mỹ theo phong cách truyền thống. Từ trước, Hạnh đã rất mê cô ấy. Cũng vì mê quá, Hạnh gọi điện sang Mỹ và được tin cô đi tour thế giới. Ở châu Á, cô sẽ dừng chân tại Singarpore. Hạnh lại liên hệ sang Singapore và đăng ký vào học lớp belly dance của cô. Học viên trong lớp toàn là các biên đạo và dancer chuyên nghiệp đến từ rất nhiều nước, chỉ có Hạnh là người non trẻ nhất.

Đó là bước ngoặt lớn, là cơ hội để định hướng con đường đưa tôi đến với nghệ thuật belly dance chuyên nghiệp. Trước đó, tôi tự tập luyện, có giao lưu cũng chỉ là với các bạn trong nước. Giờ ra nước ngoài, lại học cùng các vũ công có tên tuổi, tiếp xúc với các kỹ thuật khó, tôi đã thay đổi cách luyện tập, nghiên cứu và quyết định chơi belly dance chuyên nghiệp

Khi nào chị bén duyên với các cuộc thi quốc tế?


Một thành viên trong Liên đoàn belly dance châu Á nhìn thấy video của Hạnh trên Youtube và đã gửi thư mời tham gia thi đấu. Đó là năm 2009, lần đầu tiên một mình ra nước ngoài, lại sang Đài Loan, Hạnh như lọt thỏm trong môi trường nói tiếng Trung. Trước đó mình cứ nghĩ, nói tiếng Anh tốt rồi thì đi đâu cũng được.

Nhưng đó cũng là một cơ hội để khám phá, trải nghiệm bản thân. Trong thời gian đó, Hạnh làm quen với các Hiệp hội belly dance của các nước trong khu vực, quen biết nhiều ban giám khảo và nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế, tạo được ấn tượng tốt với họ. May mắn là ngay lần đầu thi đấu, Hạnh đã “ẵm” giải. Rồi giải thưởng này kéo theo các giải thưởng khác, vậy thôi. (Cười)

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
Lớp Belly dance của cô giáo Hồng Hạnh

Hằng năm, mỗi Hiệp hội belly dance quốc gia lại tổ chức giải đấu do Liên đoàn quốc tế đỡ đầu. Tôi có tên trong danh sách thí sinh thi đấu quốc tế và được mời tham gia, nhưng chỉ thu xếp thời gian để tham gia cũng như đưa các bạn Việt Nam đi thi một số giải lớn thôi. Đoàn Việt Nam tiến bộ qua mỗi năm và đóng góp những bài thi có chất lượng tốt, giành được nhiều giải thưởng. Belly dance Việt Nam cũng vì thế mà được thế giới đánh giá cao.

Ai là người biên đạo cho những bài múa của chị?

100% các bài tôi và các học sinh của tôi trình diễn là do tôi biên đạo. Với tôi, nghệ thuật là nguyên bản, không chấp nhận copy hay cover. Nếu chỉ lặp lại người khác, dù điêu luyện đến đâu, mình cũng không bao giờ làm tốt bằng họ. Mỗi tiết mục phải là một sự khác biệt, phải tìm cách dựng bài hay và lạ, lồng ghép những kỹ thuật cao, nâng cấp độ khó và sự tinh tế, thậm chí cả văn hóa vào bài diễn nữa, để người khác không thể bắt chước được.

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
100% các bài Hồng Hạnh và các học sinh của chij trình diễn là do chị biên đạo

Tôi luôn kiếm tìm sự sáng tạo và hạnh phúc thấy mình tiến bộ qua từng năm. Nếu cứ giữ mãi phong độ, điều ấy có nghĩa bạn đã chạm đỉnh, nhưng cũng có nghĩa bạn đã bị cũ mòn, không còn gì để khám phá nữa.

Chị có bị ảnh hưởng phong cách của Sadie không?

Ai đến với belly dance cũng phải đi qua truyền thống – phong cách mà cô Sadie theo đuổi. Phong cách truyền thống nghiêng về sexy, mê hoặc khán giả bằng cách phô diễn vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ, cử động uyển chuyển. còn phong cách tribal, nó quái hơn, cá tính hơn, diễn tả chiều sâu nội tâm. Tôi thi đấu cả hai, theo đuổi cả hai, nhưng có thế mạnh hơn với dòng tribal.

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:

Nếu diễn thành công dòng tribal, bạn sẽ rất dễ nổi bật. Belly dance Việt Nam khẳng định vị trí cao trên đấu trường quốc tế cũng là do tribal.
Có cảm giác dòng tribal dễ thu hút ban giám khảo quốc tế hơn vì nó hiếm, lạ, cầu kỳ, và quan trọng nhất là độc bản. Một bài trình diễn tribal thành công phải tìm được nền nhạc hấp dẫn, trang phục, cốt truyện phù hợp và phải diễn sao cho khán giả “đọc” ra được hương vị, diễn giải được nội dung. Đương nhiên, khán giả cũng phải có cảm nhận tinh tế, sâu sắc và nhạy cảm.

Ngoài cô Sadie, chị có học với vũ công quốc tế nào nữa không?

Ngoài tribal và truyền thống, tôi còn mê dòng múa trống nữa. Trống tapla là nhạc cụ đặc trưng của belly dance. Múa bụng giỏi mà còn hiểu biết về âm nhạc, đặc biệt là trống tapla nữa thì tuyệt. Một lần nữa, tôi lại trở lại Singapore “tầm sư học đạo”, và lần này, tôi học chơi trống tapla với một thầy giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi tự hào vì cho đến thời điểm này, tôi là nghệ sĩ belly dance duy nhất ở Việt Nam chơi được trống tapla. Tôi cũng đang đào tạo 7 bạn khác ở Hà Nội sử dụng nhạc cụ này.

Chơi được cả hai dòng chính, biên đạo, chơi trống tapla, là giáo viên belly dance và có trong tay rất nhiều giải thưởng quốc tế, ở Việt Nam, dường như chị là vũ công belly dance hàng đầu?


Tôi có những thành tích, có hình ảnh tốt và đóng góp cho belly dance trong nước, giúp đỡ các bạn trẻ ra nước ngoài thi đấu; nhắc đến belly dance Việt Nam, nhiều giám khảo và vũ công trong khu vực cũng như quốc tế sẽ nhớ tên tôi, nhưng đó tạm gọi là thành công trong thời điểm này thôi, ngày mai chưa biết thế nào.

Mọi thứ, nhất là nghệ thuật luôn biến đổi không ngừng. Nhân tài có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Đỉnh cao chỉ là một khái niệm nhất thời, rèn luyện và khám phá mới là vĩnh cửu. Tôi vẫn luyện tập hằng ngày và không ngừng khám phá mình.

Dường như belly dance là sự nghiệp của chị?

Không. Belly dance là niềm đam mê của tôi. Tôi không “làm” mà “chơi” belly dance. Tôi vẫn có sự nghiệp riêng (quản lý vùng của một công ty sữa nước ngoài – PV) bên cạnh belly dance. Công việc chính của tôi là việc kinh doanh, nhiều áp lực và khá bận rộn. Belly dance giúp tôi giải tỏa áp lực, đưa tôi đi rất nhiều nơi, cho tôi kinh nghiệm sống, niềm vui và tái tạo năng lượng sống để trở về với công việc chính.

Nhưng chơi cũng phải chơi cho chuyên nghiệp, cũng phải kiếm tìm giá trị nghệ thuật cao. Tôi không chấp nhận sự dễ dãi, dễ bắt chước hay nhái lại. Có lẽ điều đó đã khiến tôi thành công.

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
Hồng Hạnh làm Belly dance để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, và cả đam mê làm kinh tế...


Mặt khác, belly dance cũng giúp tôi thỏa mãn đam mê làm kinh tế. Từ khi chơi belly dance, tôi đã nghĩ ngay đến việc làm phong trào, vừa để quảng bá bộ môn này vừa kiếm thêm thu nhập.

Bây giờ, ban ngày tôi đi làm nghề tay phải, tối đi dạy và luyện tập belly dance.

Có vẻ như chị là người phụ nữ của công việc?

Có thể nói là như thế. Không biết có phải tôi bị nghiện làm việc không mà tôi không chịu nổi sự tĩnh lặng. Có những ngày căng thẳng, tôi nghỉ ở nhà, nhưng tối đó thể nào cũng ân hận vì cả ngày mình không làm việc gì cả. Ngày lễ, ngày Tết được nghỉ, tôi tranh thủ đi làm chương trình. Bạn nghĩ xem, người ta đổ xô đến các lễ hội, trả tiền để xem các chương trình còn tôi là người tạo ra các chương trình. Chẳng phải rất thú vị sao?  

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
"Người ta đổ xô đến các lễ hội, trả tiền để xem các chương trình còn tôi là người tạo ra các chương trình. Chẳng phải rất thú vị sao?"  

Chị không mệt ư?

Mệt thì mệt nhưng vẫn vui. Có lẽ công việc của tôi chưa căng thẳng đến mức tôi không chịu nổi. Nếu ai hỏi tôi hỏi thế nào là hạnh phúc, thì thế này là hạnh phúc đây! Đương nhiên là còn những hạnh phúc khác cao hơn mà phải kiếm tìm và hướng đến, nhưng phải đợi thời gian và duyên số thôi.

Trong tình yêu và hôn nhân, tôi là người truyền thống

Chờ đợi ư? Chắc chị nói đùa?

Không, tôi nói thật đấy! Nỗ lực làm việc, nỗ lực sáng tạo còn được, chuyện tình cảm không nỗ lực được! Trong nghệ thuật tôi phá cách, nhưng trong tình yêu, tôi truyền thống lắm, không bạo dạn “tấn công” ai được. Nghệ thuật là thế giới của mình, mình làm được, nhưng tình yêu là bước sang thế giới của người khác mất rồi!

Chị quá mải mê với sự nghiệp mà không chú ý đến tình yêu chăng?

Không chỉ riêng tôi mà tôi có cả một nhóm bạn quá tập trung vào sự nghiệp mà chẳng yêu đương gì, đến mức bố mẹ tôi lo lắng, muốn tách chúng tôi ra, không cho chơi cùng nhau nữa!

Thời sinh viên tôi cũng có những mối tình, nó ngây thơ và bay bổng, bây giờ khó tìm được tình cảm như thế lắm! Tôi và họ vẫn giữ tình cảm tốt đẹp về nhau đến bây giờ, và chẳng hiểu sao, họ cũng giống tôi, đứng yên một chỗ. (Cười)

Tìm kiếm tình yêu khi ta đã trưởng thành, dường như khó khăn hơn?

Đúng là tôi cẩn trọng hơn, không còn cứ thế lao vào tình yêu mà không cần biết ngày mai ra sao. Nhưng tôi nghĩ ngay cả khi ta chín chắn hơn, cảm xúc trong tình yêu vẫn luôn dồi dào, chân thật, vẫn sẽ thăng hoa và lãng mạn, có điều theo một kiểu khác đi. Tình yêu rất mong manh và không thể gượng ép được. Đôi khi cẩn trọng và khó khăn sẽ làm người ta trân trọng tình yêu hơn.

Khi người ta, đặc biệt là phụ nữ, có sự nghiệp riêng, độc lập và đảm bảo được kinh tế, hình như người ta không muốn ràng buộc thì phải?

Không đâu. Tình yêu không phải là sự ràng buộc. Nó là một cái đích mà ai cũng tìm kiếm. Nhưng số phận mỗi người mỗi khác, nhiều người đến với hạnh phúc gia đình rất nhanh, cũng có những người mải lo công việc nên lửng lơ. Tôi toàn chơi với hội lửng lơ ấy!

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
Theo đuổi Belly dance, nhưng Hồng Hạnh vẫn mang tính cách của người phụ nữ truyền thống

Cũng có những người tôi quen, thuộc lứa hơn tôi 4, 5 tuổi, rất thành đạt nhưng không thích lập gia đình mà chỉ thích yêu đương thôi. Tôi cũng chơi với họ, nhưng không thích giống họ, tôi vẫn là người truyền thống.

Sống đơn thân, theo tôi, dù sao cũng không tốt, với cả phụ nữ lẫn đàn ông. Đó là một cuộc sống không cân bằng; mà chỉ khi cân bằng, người ta mới phát triển được. Một người phụ nữ, dù thành đạt, xung quanh có bạn bè, có người tình nhưng tối về nhà không có ai chờ đón, việc lớn việc nhỏ cũng đến tay mình, thật cô đơn! Chắc chỉ những người bản lĩnh cao mới cảm thấy ổn khi sống như thế. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là điểm 7 thôi, phải hướng đến điểm 9 cơ!

Bố mẹ chị có lo lắng không?

Bố mẹ tôi rất tâm lý, đặc biệt là mẹ, vì chậm mà chắc cũng được, không cần vội vã. Nhiều bạn bè tôi làm trong ngành luật pháp cho biết trong mấy năm đầu chung sống thì 85% cặp đôi ly hôn, thế nên nhanh chưa chắc đã hay.

Con số đó có làm chị sợ?

Không. Nó làm tôi cảnh giác hơn thôi.

Chị có sốt ruột không?

Nếu không quá bận rộn với những công việc mình yêu thích, lại là việc có ích cho xã hội, chắc tôi cũng sốt ruột. Hơn thế, có rất nhiều người muốn để lại ấn tượng, hình ảnh của mình trong cuộc đời nhưng chỉ số ít làm được, mà tôi là một trong số ít ấy, dù tôi không phải người nổi tiếng. Tôi vừa có sự nghiệp, vừa được theo đuổi đam mê, đâu còn thời gian trống để buồn nữa!

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
"Tôi vừa có sự nghiệp, vừa được theo đuổi đam mê, đâu còn thời gian trống để buồn nữa!"

Một người đàn ông như thế nào sẽ hấp dẫn chị?

Đầu tiên phải là là tử tế và tính cách đàn ông. Tiếp nữa là có nền tảng tri thức tốt. Tôi đã nhìn thấy những cặp vợ chồng chênh lệch về nhận thức, cách nhìn nhận cuộc sống mà phải ở cùng nhau, rất khổ. Quan trọng nhất là hai người phải hiểu và hỗ trợ, nhường nhịn nhau để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
Hồng Hạnh mong muốn chồng tương lai có nền tảng sự nghiệp vững chắc và có thể chơi nghệ thuật

Tôi thích chồng tương lai của tôi có nền tảng vững chắc như công việc tay phải của tôi và chơi nghệ thuật nữa thì càng hay. Nói vậy thôi, kiếm tìm một người như thế đâu có dễ, vẫn phải để ông trời quyết định hộ thôi!

Chị cho rằng một người đàn ông thế nào là thành đạt?

Thành đạt có nhiều nghĩa lắm. Thường thì người ta coi đàn ông thành đạt khi anh ta có sự nghiệp, ổn định về tài chính, nhưng đó mới chỉ là một nửa. Thành đạt tròn vẹn là khi người ta có một gia đình vững chắc và lựa chọn bạn đời một cách khôn ngoan. Ở trường hợp lý tưởng, đó là một cô gái có văn hóa, có tri thức, hiểu và hỗ trợ tốt cho người đàn ông trên con đường sự nghiệp.

Tương tự, một người phụ nữ thành đạt cũng thế. Như tôi, nếu theo tiêu chí ấy, vẫn chỉ đang thành đạt một nửa thôi, còn nửa kia vẫn đang khuyết! (Cười lớn)

Với trường hợp người vợ thành đạt hơn chồng thì sao?

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam ngày càng độc lập, có tri thức, tài năng và cá tính mạnh, nhu cầu khẳng định cái Tôi rất cao, nên “nguy cơ” đàn ông bị lép vế hơn vợ là có thể.

Phản ứng của con người khi gặp chuyện không bằng lòng thường là đổ tội cho người khác trước khi nhìn lại mình. Tôi cho rằng không nên có chữ coi thường trong hôn nhân và gia đình, nếu còn muốn duy trì nó. Tôi đánh giá cao sự hòa hợp.

Dầu sao, người vợ cũng không nên vì chồng không kiếm được tiền mà đay nghiến, chỉ trích. Tuy nhiên, một đàn ông an phận, không chịu vươn lên thì sớm muộn cũng không hấp dẫn được vợ nữa.

Đang mấp mé ở cái tuổi mà như các cụ bảo “đã toan về già”, chị có sợ không?

Người ta sợ ngưỡng 30 vì người ta sợ tuổi già, nhưng với tôi, đó chỉ là con số. Có người mới 20 nhưng tư tưởng già nua như một “bà cô”, chưa cần 30, cô ấy đã già. Còn với tôi, sống và làm việc, tự tạo niềm vui cho mình, tham gia các chương trình xã hội, làm từ thiện, đóng góp cho cuộc đời càng nhiều càng tốt, đó là khi ta trẻ. Tôi đã để lại trong cuộc đời những dấu ấn, sống lành mạnh và bổ ích, không ân hận. Việc gì tôi phải sợ tuổi 30 nhỉ?

Vũ công belly dance Đỗ Hồng Hạnh:
Hồng Hạnh sẽ lạ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, và chắc chắn sẽ luôn trẻ trung xinh đẹp

Giờ tôi 28 tuổi, có người bảo tôi trẻ hơn hồi 25. Đến 30 tuổi, tôi sẽ lạ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, và sẽ xuất hiện trước các bạn như một Hồng Hạnh khác, và chắc chắn là trẻ hơn bây giờ nữa!

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Chia sẻ