"Vật vã" tìm việc và dạy con về nguồn cội

,
Chia sẻ

Ngoài “bán than” về việc làm, các mẹ Việt Nam ở nước ngoài còn rất “vật vã” để tìm ra cách dạy con về tiếng mẹ đẻ, về văn hóa Việt, về nguồn cội như thế nào.

3 bằng Đại học vẫn thất nghiệp

Sống ở nước ngoài, điều mà các mẹ Việt Nam phải trăn trở nhất, “bán than” (nghĩa là than thở theo ngôn từ của các mẹ) nhất là làm gì, học gì khi theo chồng sang nơi xứ người.

Nhiều mẹ đến Mỹ trong thời buổi khủng hoảng, rất khó tìm kiếm việc. Ở nước Mỹ, dân bản xứ còn thất nghiệp đầy ra. Không phải các mẹ không cố gắng hay quyết tâm chờ đợi xin việc. Mà chỉ bởi câu đầu tiên của người tuyển dụng thường là: “Tao thích hồ sơ của mày”. Nhưng câu thứ hai đã chuyển sang: “Mày có phải là công dân Mỹ không?”. Nếu không, thì hãy tạm biệt việc làm. Rất nhiều mẹ đành chọn học và theo nghề nurse (y tá) hay làm nail (móng tay) vì dễ kiếm sống hơn cả.

Có mẹ sang Mỹ với ba bằng ĐH ở Việt Nam nhưng vẫn phải loay hoay lựa chọn. Muốn học cái mình thích thì khó kiếm việc, lương thấp. Phân vân, trễ nải, đẻ con, nuôi con và vẫn trong vòng quay thất nghiệp. Có nhiều mẹ lại chọn giải pháp: “Nếu sang bên này mà chưa biết học gì, cứ học tiếng Anh cho tốt đã”.

Các mẹ ở châu Âu thì dường như “thiệt thòi” hơn trong khoản tìm việc. Vì ngoài nước Anh ra, ở châu Âu, không có nước nào nói tiếng Anh. Mẹ Macse cho biết: “Những mẹ ở đây phải học cả tiếng bản xứ. Những người ở dạng phụ thuộc thì không được phép đi làm. Mình nghĩ, đối với nhiều mẹ, đã mất nhiều công học hành, sang tới nơi không kiếm được việc, chịu hy sinh ở nhà chăm sóc gia đình, con cái... thì rất “vật”. Nếu các mẹ không nói thành thục 3 thứ tiếng thì đừng nghĩ đến chuyện cạnh tranh với dân bản xứ”.

Mẹ Madam Toét sống ở Đức lâu năm đã từng có cảm giác như bị vứt bên lề cuộc sống: “Suốt ngày quanh quẩn ra vào căn hộ bé tẹo, lên mạng cả ngày và lo nấu ăn tối. Tự thấy là người thừa, vô dụng, trong khi công ty ở Việt Nam đang rất cần sự có mặt của mình”.
 
Mẹ AmsterdamFriend tâm sự: “Gần 12 năm trước đây, mình đã từ bỏ sự nghiệp, cha mẹ, cuộc sống vật chất đầy đủ để bắt đầu từ con số 0. 3 năm đầu tiên mình khó khăn và mệt mỏi và luôn tự hỏi: “Mình thực sự muốn gì và cần gì? Thời gian đó mình cũng chỉ đi học và đẻ con, không làm ra tiền nên cuộc sống thật là buồn tẻ”.

Khoảng thời gian tìm việc làm - đó là giai đoạn stress khủng khiếp nhất của các mẹ Việt gặp phải khi ở nước ngoài xa bố mẹ, lạc lõng trong xã hội, vất vả và thêm chút mặc cảm, tự ti. Nhưng cũng chính những gì khó khăn, stress nhất lại là đòn bẩy giúp các mẹ Việt Nam khẳng định vị trí của mình ở nơi xứ người.

Mẹ Memiu (ở Bỉ) đã từng mất hết nhuệ khí khi nộp khoảng 30 đơn xin việc và đều bị từ chối. Chị quyết tâm học và thích nghi cuộc sống nơi đây. Lần sau, chị gửi 6 đơn xin việc, có đến 3 nơi phỏng vấn và mời chị đi làm luôn trong lúc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Mẹ Cunhip (ở Anh) có chồng đã làm kiểm toán cho 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu nước Anh. Hai vợ chồng xác định: “Nếu vợ không xin được việc thì cả hai cùng về Việt Nam”. Chị không muốn để lỡ cơ hội của chồng.
 
Đi phỏng vấn, đi thi ở rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tài chính. Thi đến 5-6 vòng, đến vòng mặc cả lương còn trượt. Đã có lúc, chị nản vô cùng. Những cơ hội công việc ở nhà hấp dẫn, dễ dàng khiến chị muốn buông xuôi. Nhưng cuối cùng, chị cũng thi đỗ vào một ngân hàng đứng thứ hai ở Anh.


“Vật vã” vì dạy con về nguồn cội

Ngoài “bán than” về việc làm, các mẹ Việt Nam ở nước ngoài còn rất “vật vã” chưa tìm ra cách dạy con về tiếng mẹ đẻ, về văn hóa Việt như thế nào. Một người bố sống ở Nga không dạy tiếng Việt cho con nhiều, mong muốn giúp con hòa nhập vào môi trường hiện tại tốt hơn. Dần dà, các con của người bố đó đã hoàn toàn như người Nga. Người bố đó thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình với cảm giác bị mất con.

Mẹ Ổi (ở Nhật) cũng luôn luôn lo lắng khi lớn lên, bé con sẽ trở thành người thế nào? Con sẽ trở thành một người mang văn hóa Nhật hay văn hóa Việt… Chị dạy con biết đọc, biết viết tiếng Việt thành thạo, vốn từ Việt rộng. Nhưng thường trực trong chị là nỗi băn khoăn không biết điều đó có thực sự tốt cho con không? Con chị chưa về nhà yêu cầu mẹ đặt cho con cái tên Nhật như rất nhiều bạn bè khác. Nhưng bé đã vài lần gặp phiền toái vì có cái tên lạ.
 
Mẹ Halethuy đã tiết lộ một kinh nghiệm: “Nên cho bé học ở Việt Nam đến lớp 2 rồi mới đưa sang nước ngoài. Bé đã thành thạo tiếng Việt một chút và các mẹ không còn lo lắng về tiếng mẹ đẻ của các con. Sau này biết 2 ngoại ngữ cũng tốt cho bé”.
 
Các bé sinh ra và lớn lên ở nước ngoài sẽ có khả năng hòa nhập và thích nghi cao hơn bố mẹ rất nhiều. Nhưng ngược lại, cũng cần phải dạy bé về “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”. Rất nhiều bố mẹ đã gợi mở cho con sự tò mò về văn hóa Việt Nam để bé thấy hứng thú tìm hiểu. Đôi khi, chỉ nghĩa của một từ thôi cũng đủ trở thành trò chơi.
 
Khi con bắt đầu hỏi về nguồn cội, mẹ Kiki (ở Thụy Điển) đã rất thông minh trả lời rằng: “Mẹ biết con muốn giống tất cả các bạn khác từ màu tóc, màu mắt, trò chơi, đến ngôn ngữ, suy tư. Mẹ biết con có nỗi buồn của một người luôn ở phe thiểu số. Điều đó khiến con dám "hi sinh" mọi thứ kể cả cái tôi của mình để được chấp nhận, để được hòa đồng với các bạn. Nhưng con thấy không, các bạn yêu quý con vì con rất khác biệt, vì con vui nhộn và nhường nhịn, vì con học giỏi và chơi lego cũng giỏi, vì con nói tiếng Thụy Điển buồn cười. Các bạn luôn muốn con chỉ là con vì nếu con là bạn thì có gì đặc biệt chứ? Hôm nay mẹ rất vui vì con được mời đi dự tiệc sinh nhật ở nhà Johannes. Anh David và em Sara của bạn ấy cũng đến từ nước khác - từ Hàn Quốc. Người ta có thể khác nhau mọi thứ nhưng có chung niềm yêu thương là có thể sống chung cùng một mái nhà con ạ”.

Các bé ở Melbourne được bố mẹ giáo dục tính đoàn kết của dân tộc Việt Nam

Trên thực tế, rất nhiều bé người Việt ở nước ngoài nói tiếng Việt rất giỏi, thậm chí còn biết cả tiếng lóng, hiểu những giá trị truyền thống và rành văn hóa Việt. Mặc dù các bé học ở những trường nổi tiếng như Stanford, John Hopkins (Mỹ)…
 
Mẹ Zoe khẳng định: “Tụi trẻ ăn đồ Tây rất giỏi, nhưng cũng thích phở, bún, mắm tôm, cà cuống. Chúng đợi cuối tuần để ăn ngô luộc. Đối với chúng, Việt Nam ở xa nhưng rất gần gũi và có nhiều điều thú vị. Mình nhớ nhất một lần đưa con đến bác sỹ nhi. Bà ấy vừa khám vừa thủ thỉ với nó là: “Cháu may mắn lắm. Người bình thường chỉ có một đất nước thôi, còn cháu có đến hai” làm cu cậu khoái trí lắm”.

Có thể thấy, các con có “mất gốc” hay không phụ thuộc chủ yếu vào cách dạy dỗ của bố mẹ mà thôi. Vấn đề lo lắng của các mẹ Việt Nam không biết con mình thuộc về nước nào chỉ nên trả lời một cách tích cực rằng: Các con sẽ có một lúc hai nền văn hóa, có khả năng hòa nhập và thích nghi tốt cuộc sống khắp nơi trên thế giới. Hòa nhập đến đâu là tùy thuộc tố chất từng bé và môi trường nuôi dưỡng tạo ra sự tự tin của bé.

Thu Hằng

Chia sẻ