Phản cảm những lời đồn Cá tháng Tư độc địa

Huyền Trang ,
Chia sẻ

Có những lời đồn khiến người nghe cười đau bụng, nhưng cũng có những trò lố thiếu văn hóa và ý thức trong ngày Cá tháng Tư.

Trước kia, ngày Cá tháng Tư vẫn chưa phổ biến lắm ở nước ta. Thế nhưng trong một vài năm gần đây, nó rộ lên như ngày để người ta có quyền nói khoác mà không sợ người kia giận dữ. Trong số đó, giới công sở, ngồi máy tính, có phương tiện truyền tin nhanh, không tốn chi phí, đôi khi lại nhàn rỗi nên hàng loạt chuyện vui buồn diễn ra trong giới công sở vào ngày này.

Sáng nay, khi vừa vào văn phòng, chị Văn Thanh (38 tuổi) ngã ngửa khi nghe nói nhân viên của mình té vỡ đầu. Chị còn nghe kể lại rằng tình trạng đang cấp cứu nhưng rất nguy kịch vì hôn mê bất tỉnh. Sốt sắng, quan tâm đến nhân viên, chị vội vã đi mua quà cáp, chuẩn bị tiền nong và email thông báo kêu gọi hảo tâm của mọi người. Không chỉ thế, chị còn gọi đến gia đình chia buồn và loan tin khắp nơi. Gia đình “nạn nhân” cũng vô cùng bất ngờ và lo lắng.

Đến khi cao trào, chị Thanh mới nghe “chủ nhân của trò đùa” xin lỗi. Vì chị quá nhiệt tình, nên người kia không biết lựa lúc nào nói cho đặng. Quả thật, nhân viên của chị có bị đụng xe, vỡ nón bảo hiểm và phải đi vào bệnh viện kiểm tra. Thế nhưng tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường. Sau khi khám có thể lên công ty làm việc. Lúc biết mình bị lừa vố đau chị Thanh tím mặt. Không chỉ vì cảm thấy mình thành trò cười, mà còn bởi chị đã thông báo đến quá nhiều người, giờ không biết ăn nói ra sao.

Không khác hoàn cảnh của chị Thanh là bao, nhiều người bị ăn những quả lừa tương tự. Nhất là khi sử dụng công nghệ số, thì tốc độ lan truyền tin tức lại càng nhanh. Mà càng nhiều người biết tin, thì mức độ thực hư lại càng ở dấu chấm hỏi. Nào thì: xăng tăng, lương tăng. Nào thì cháy nhà, mất của... Có cái cũng khiến người bị chọc cười vỡ bụng. Nhưng đôi khi thái quá, nó khiến người khác lo lắng, xây xẩm mặt mày.

Những lời đồn vô văn hóa, vô ý thức

Không chỉ dừng lại ở những trò đùa miệng, hay những chuyện nói khoác trong phạm vi nhỏ. Nhiều người còn thiếu ý thức đến mức gây ảnh hưởng đến tinh thần, suy nghĩ và cảm xúc của người khác trong phạm vi cộng đồng. Thông qua các forum, các mạng xã hội, nhiều tin tức được lan truyền và mức độ ảnh hưởng của nó chẳng hề nhỏ chút nào.

Việc thiếu ý thức và gây ảnh hưởng đến tính nhân văn này, xuất hiện trên mạng, gây chú ý cho không ít người. Cụ thể như tin đồn “Giẫm đạp kinh hoàng tại đền Hùng, hơn 200 người thiệt mạng”, hay “Hầm cầu bộ Thăng Long bị sập 103 người chết”. Thêm nữa là hàng loạt tên tuổi ngôi sao, ca sĩ, bị những tin đồn sai sự thật, nào là tin đồn có con, nào là tin đồn tai nạn...

Những tin đồn này không chỉ khiến cư dân mạng xôn xao, thậm chí, nó còn khiến người ta lao đao và lo lắng. Những nạn nhân của trò đùa thì tha hồ điêu đứng. Nhiều người phải tắt điện thoại, trốn biệt tích, không thì cũng phải giải thích “mỏi mồm” mà vẫn không cách nào ngăn chặn được tin. Có một thành mười, có mười thành trăm, mức độ lan truyền ngày càng lớn và hậu quả kèm theo cũng cứ thế tỉ lệ thuận.

Anh Quân (29 tuổi) chia sẻ: “Tôi ở Hà Nội, vừa vào Sài Gòn công tác được mấy ngày. Suốt ngày lu bu công việc, tôi nào có biết hôm nay là ngày Quốc Tế nói dối. Sáng nay, tôi đọc tin: “Hầm cầu bộ Thăng Long bị sập 103 người chết” mà tái xanh mặt mày, không còn bình tĩnh. Bởi nhà tôi gần đó, vợ và các con tôi thường ra đó chơi. Tôi như đứng không vững, định mua vé bay về ngay. Mãi đến một tiếng sau tôi mới dũng cảm lấy điện thoại gọi về nhà. Lúc bấy giờ, vợ tôi cười phá lên, tôi mới bớt run và hoảng hốt...”

Thực tế, không phải ai cũng quan tâm đến những trò đùa để cảnh giác. Số khác, họ không nghĩ, người khác có thể tạo ra những trò đùa thái quá, và thiếu ý thức đến vậy. Thế nên khi gặp chuyện, ít ai đủ bình tĩnh để xem xét thực hư. Không chỉ thế, khi trò đùa ngày càng đi xa, thì dù chủ nhân của nó có muốn dừng lại, cũng không dám dũng cảm đứng lên thừa nhận lỗi của mình.

Thay lời kết

Cá tháng Tư được định nghĩa là ngày hội nói dối vui vẻ của mọi người. Thế nhưng, nhiều người lại hiểu sai, thái quá, và lợi dụng nó để tạo những trò đùa thiếu ý thức, thiếu văn hóa. Dẫu cho ngày nói dối là dịp để mang lại cho nhau tiếng cười vui vẻ, một điều thú vị với tất cả mọi người, thì cũng cần đùa có chừng mực. Đừng biến nụ cười của mình thành sự lo lắng và nỗi buồn của người khác.

Chia sẻ