Phải mua chỗ ngồi nơi... công cộng

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Muốn có một chỗ ngồi chơi ở vườn hoa, ven hồ, thì phải trả tiền uống nước. Thực trạng vô lý này đang diễn ra tại khá nhiều con đường, công viên trên địa bàn thành phố.

Mua chỗ ngồi chơi nơi công cộng

Buổi tối cuối tuần, đường ven hồ Tây, hồ Trúc Bạch quán nước mọc lên như nấm. Bất cứ một khoảng không gian nào, cũng được tận dụng xếp bàn ghế, hàng quán để tranh giành khách. Bất cứ ai muốn hóng gió mát từ hồ, cũng đều phải ngồi uống nước, nếu không, bị đuổi... ráng chịu!

Vẫn bức xúc sau lần bị chủ quán nước quát mắng trước mặt cô bạn gái, anh Quang Minh (Tây Sơn, HN) kể lại: “hôm đó mới chỉ là chiều muộn, tôi đưa bạn gái lên hồ Trúc Bạch hóng gió. Mới là buổi chiều, nhưng hàng quán xếp san sát, khó mà len nổi một chỗ trống để đứng hóng gió trời. Tìm mãi mới được một khoảng không ở gần cuối đường, tôi phóng xe lên vỉa hè.
 
Mới chỉ cởi được mũ bảo hiểm, xuống xe, thì chủ quán nước gần đó chạy ra đon đả: “uống gì em?”, tôi nhẹ nhàng bảo: “không uống gì, em chỉ đứng hóng gió một lúc thôi”. “Thế thì mày đi chỗ khác mà hóng, chỗ người ta bán hàng. Mới mở hàng mà đã gặp bọn hâm”. Tôi ức chế liền nói lại chị ta mấy câu, thì nhận lại là những lời mắng chửi té tát. Hai đứa xấu hổ quá vì người đi đường cứ ngoái lại nhìn, nên âm thầm rút lui cho xong chuyện”.
 
 
Hàng quán mọc lên như nấm, lấn chiếm nơi công cộng.

Thậm chí, tại nhiều nơi công cộng, còn tận dụng cả ghế đá vỉa hè làm chỗ ngồi bán nước. Trên đoạn đường ven hồ Tây dài hơn 500 m đã có tới gần 20 quán trà đá và nước giải khát. Tại hồ Giảng Võ, ngay đoạn đối diện Trường THCS Giảng Võ, có nhiều quán bán hàng giải khát bành trướng lên các ghế đá ven hồ.
 
Không những thế, các chủ quán còn kê bàn ghế nhựa để phục vụ khách trên thảm cỏ và ngay trên lối đi dành cho người dân đi dạo ven hồ. Khách muốn ngồi ghế đá hóng gió thì phải kiêm… trả tiền uống nước, ăn quà.

Không biết về... luật bán hàng tại nơi công cộng, nên chị Thu Hương (Trung Liệt, HN) cùng bạn đỗ xe gần ghế đá ngồi hóng mát. Bỗng đâu thấy người bán nước từ phía xa chạy lại hỏi uống gì, chị từ chối. Bà chủ quán liền nổi cơn thịnh nộ: “không uống thì biến đi cho tao còn bán quán”.
 
Tôi cự nự: “ghế đá công cộng chứ có phải quán bán nước của chị đâu?”.
 
Bà ấy chống nạnh đáp: "cả cái khu ven hồ này, centimet nào cũng là... quán tao cả, cả cái ghế đá này, không uống thì biến đi cho tao còn bán hàng”.
 
Nghe xong mà hốt hoảng, thời bây giờ, muốn ngồi ghế đá công cộng thì... phải kèm tiền nước”, chị Hương bức xúc nói.
 
Ghế đá trống cũng không được ngồi.

Sự vô lý này còn xảy ra ở một số nơi vỉa hè ven hồ Giảng Võ, Công viên Thủ Lệ, vườn hoa trước ĐH Thủy Lợi… Tương tự, tại Công viên Thủ Lệ, có khá nhiều hàng quán “làm mưa làm gió” ven đường Kim Mã. Thật tiện lợi cho các hàng rong bán ở đây, luôn có ngay ghế đá được “đặt chỗ” cho khách ngồi. Thủ đoạn biến ghế đá thành “của nhà” mà các chủ quán hay dùng là đặt lên trên ghế đá một bình nước, chiếc ghế nhựa...
 
Người nào vừa ngồi xuống sẽ được chủ quán tới mời mua một thứ gì đó. Nếu không mua, khách sẽ bị đuổi đi ngay. Dẫu thấy vô lý và bực mình, nhưng trước thái độ và những lời lẽ “chợ búa” của quán người bán hàng, nhiều người thường đứng lên đi chỗ khác kiếm cho mình một chốn bình an.
 
Uống nước với giá... trên trời
 
Không những kinh doanh vô lý trên ghế đá, các hàng quán kiểu này còn chặt chém khách vô tội vạ. Giá cả được các chủ quán đưa ra mức tùy đối tượng. Nếu gặp phải các đôi tình nhân hay khách là người nước ngoài, giá tiền sẽ được hét gấp 3-4 lần so với giá trị thực.

Trung bình, mỗi cốc trà đá, rót gần đầy cốc nhựa nhỏ có giá 15.000 – 20.000 đồng/cốc, nếu là khách Tây, có thể sẽ đội lên thành 30.000 đồng/cốc. “Bi thương nhất là lần tôi đi tập thể dục ven hồ, mỏi chân rủ bạn vào uống trà đá. Cứ nghĩ đơn giản, cốc trà đá nhiều lắm cũng chỉ 5.000 đồng. Lúc đứng dậy trả tiền, chủ quán hét 65.000 đồng. Lúc này tôi mới ngớ người. Hóa ra 15.000 đồng/cốc trà đá, và 50.000 đồng/nước dừa. Đúng là giá... trên trời. Thế nhưng uống rồi vẫn đành ngậm ngùi rút tiền mà trả. Ai cũng cứ tưởng trà đá rẻ, thì mỗi ngày quán nước ven hồ này lãi to”, anh Hùng (Quán Thánh, HN) cho hay.
 
Đôi bạn trẻ nếu muốn tâm sự, hóng mát nơi công cộng thì phải trả tiền nước.

Hoảng sợ vì bị chém đẹp sau nhiều lần ngồi uống nước ở ven hồ, anh Linh (Đống Đa, HN) đúc rút kinh nghiệm: “nếu muốn đứng hóng gió chả còn cách nào khác là phải uống nước. Nếu không muốn tốn kém, thì chỉ có lượn trên đường, ngắm hồ, hít gió trời. Len vào vỉa hè mà đứng, không uống nước, sẽ lập tức biết ngay... hậu quả”.
 
Mỗi cốc trà đá sẽ có giá... trên trời, uống xong đứng dậy trả tiền,
khách hàng chỉ méo mặt.

Thậm chí, tại nhiều ghế đá trong công viên, nếu không uống nước, các bạn trẻ cũng chỉ còn cách ngậm ngùi... ngồi dưới đất nhìn ghế đá bị chiếm dụng thành nơi bán hàng. “Chẳng còn chỗ nào để ngồi cho đỡ bụi, mà ghế đá lại bị chủ hàng để lọ nước "giữ chỗ". Nên hai đứa mình đành kê dép, ngồi dưới đất nói chuyện phiếm. Ghế đá trống thì cũng chẳng có dám ngồi”, Mai Linh, cô sinh viên ĐH Thủy Lợi ngậm ngùi cho biết.

Vẫn biết rằng có sự vô lý, quy định cấm bán hàng rong cũng đã được ban hành, nhưng thực trạng chiếm dụng nơi công cộng bán hàng vẫn tiếp diễn. Người dân dù bức xúc, cũng chỉ biết bỏ qua cho đỡ mệt đầu...
Chia sẻ