Nơi "thợ" cắt tóc mặc blouse trắng

Chí Toàn - Huyền Trang,
Chia sẻ

Hàng tuần, mái tóc của những bệnh nhân Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đều được tân trang bởi chính các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện.

"Cửa hàng tóc" trong bệnh viện

Mỗi chiều thứ năm, khu vực hành lang tại Khoa điều trị hóa chất, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương lại nhộn nhịp hơn hẳn bởi nhiều bệnh nhân tập trung để được cắt tóc. Ở một góc, hai chiếc gương được gắn vào tường, đối diện nhau khiến hành lang bệnh viện giống như một cửa hàng cắt tóc giản dị bên hè phố. Chỉ khác là những "khách hàng" đến tân trang cho mái tóc là bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và "thợ" cắt tóc chính là các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Thời gian "cửa hàng" hoạt động là từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30 thứ 5 hàng tuần.

Nơi
Thứ 5 hàng tuần, góc hành lang này lại biến thành "cửa hàng tóc".

Nơi
Một bệnh nhân đang đăng ký cắt tóc.

Nơi
Điều dưỡng Trần Thị Hằng kiểm tra danh sách…

Nơi
…và đẩy tủ dụng cụ ra, chuẩn bị "mở hàng".

Khá chuyên nghiệp, những người "thợ" của bệnh viện hỏi ý "khách hàng" rồi thành thục tra dầu bảo dưỡng, lắp các lưỡi dao vào tông-đơ. Các cách tạo kiểu tóc đơn giản, cạo trọc hay húi cua đều được các bác sĩ, điều dưỡng thực hiện không mấy khó khăn. Điều đặc biệt là họ đều làm công việc này với tấm lòng thiện nguyện, hoàn toàn miễn phí, chỉ cần trước giờ "mở hàng", các bệnh nhân đến đăng ký tên vào sổ cắt tóc.

Nơi
Dụng cụ luôn được kiểm tra kỹ trước và sau khi cắt tóc…

Nơi
…nhất là độ sắc của tông-đơ.

Hôm chúng tôi đến, hai điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng và Trần Thị Hằng là người sẽ thực hiện việc cắt tóc cho các bệnh nhân. Họ đều rất trẻ, mới 22, 23 tuổi nhưng đã có thâm niên làm "nghề cắt tóc" trong bệnh viện được hơn 1 năm.

Nơi
Họ luôn chân luôn tay phục vụ "khách hàng" bệnh nhân.

Nơi
Chờ đợi…

Nơi
...sốt ruột mong tới lượt mình.

Điều dưỡng Trần Thị Hằng chia sẻ: "Trước kia, em chưa từng cắt tóc cho ai bao giờ, và cũng không tưởng tượng được là mình sẽ làm được. Ngày đầu tiên cầm tông-đơ, tay em run cầm cập, cả nửa tiếng mới cắt xong tóc cho bệnh nhân vì chỉ sợ nhỡ tay cạo phạm vào da đầu họ. Nhưng giờ thì em quen rồi, có thể tạo được cả tóc 'kiểu' nữa, không chỉ là cắt ngắn hay cạo trọc đâu!"

Nơi
Họ có thể tạo kiểu tóc theo yêu cầu của bệnh nhân.

Nơi
Công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ…

Nơi
…vì bệnh nhân ở đây rất dễ chảy máu…

Nơi
Một nữ điều dưỡng trẻ nhiệt tình vừa cắt tóc vừa trò chuyện với bệnh nhân.
 
Hằng khoe, cô có cả những "khách hàng" quen, gần đến ngày thứ năm là háo hức, ríu rít hỏi thăm "Tuần này các cô có cắt tóc không đấy?". Có những bệnh nhân đặc biệt gây ấn tượng mạnh, như một bệnh nhi rất xinh xắn ở Khoa Nhi – một trong những khách hàng đầu tiên của Hằng chẳng hạn. Cô bé được điều dưỡng Khoa đưa đến. Hằng kể, cô bé có ánh mắt trong veo và rất lễ phép. Sau khi được Hằng cắt tóc, cô bé đứng dậy ngắm nghía mình trong gương một lúc, gật gù rồi hỏi: "Cô có điện thoại không, cô chụp ảnh chung với con một tấm nhé!". Cả tối hôm ấy, Hằng cứ thấy vui vui trong lòng.

Nơi
Cắt tóc tưởng dễ…

Nơi
…vậy mà cũng khiến họ toát mồ hôi.

Cô không nhớ nổi mình đã "tân trang" cho bao nhiêu bệnh nhân nữa, chỉ nhớ những ánh mắt rạng lên niềm hạnh phúc vì được chăm sóc, những nụ cười và những lời cảm ơn mà bệnh nhân dành tặng mình sau khi công việc hoàn tất.

Nơi
Niềm vui của một bệnh nhân đã được "tân trang".

Đau lòng nhìn cuộc sống bệnh nhân "rụng" xuống bàn tay

Có lẽ, với những bác sĩ, điều dưỡng tham gia cắt tóc cho bệnh nhân, điều khiến họ suy tư, xúc động nhiều nhất là khi cắt tóc cho người bệnh Khoa điều trị hóa chất. Đó hầu hết đều là những bệnh nhân ung thư, phải điều trị bền bỉ. Kiểu tóc thông dụng nhất của các bệnh nhân này là cạo trọc. Đã có những bệnh nhân chỉ đến cắt tóc vài lần, xen giữa những đợt truyền hóa chất rồi không trở lại nữa…

Với điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng, trong gần 2 năm chăm sóc "góc con người" cho các bệnh nhân, cô đã trải qua nhiều khoảnh khắc buồn khi cắt tóc cho những bệnh nhân ung thư có tuổi đời còn trẻ. "Khách hàng" của Hằng hôm nay có một anh chàng bằng tuổi cô.

Nơi
"Khách hàng" của Hằng 22 tuổi, bằng tuổi cô.

Cười toe, anh chàng bệnh nhân khoe rằng: "Ở Khoa này, các cô điều dưỡng sàn sàn tuổi em nhiều lắm. Họ đều là bạn của em cả". Hằng vừa mỉm cười, vừa động viên: “Khi tóc mới mọc ra sẽ đẹp hơn nhiều". Nhưng trong đáy mắt của cô, có chút gì buồn xa xăm.

Nơi
Một bệnh nhân khác vừa xạ trị vài ngày trước cũng đứng chờ được cắt tóc.

Nơi
Anh là khách hàng thân thiết của "cửa hàng tóc" trong viện.

Nơi
Hạnh phúc với "đầu" mới.


Các bác sĩ, điều dưỡng tham gia chăm sóc "một góc con người" cho bệnh nhân nói đùa, giờ cắt tóc là nghề tay trái của mình và "bật mí", chính Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Quang Hưng, Phó trưởng Khoa Điều trị hóa chất là "thầy dạy nghề" của mình. Bác sĩ Hưng cho biết, ý tưởng cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được thực hiện từ năm 2011, kinh phí mua sắm dụng cụ cắt tóc được Ban lãnh đạo và Đoàn thanh niên Viện đầu tư.

Trầm ngâm, bác sĩ Hưng trải lòng: "Chăm sóc bệnh nhân hằng ngày, chứng kiến cảnh bệnh nhân bị rụng tóc sau khi truyền thuốc, chúng tôi không kìm nổi nước mắt. Các bệnh nhân ít có điều kiện ra ngoài cắt tóc, phần vì họ không thông thuộc đường xá, phần nữa là vì mặc cảm với mái tóc đang bị rụng, chỗ dày chỗ mỏng nham nhở. Hơn nữa, với đặc thù các bệnh nhân của Viện có bệnh về máu, nhất là các bệnh nhân ung thư, da dễ tổn thương, dễ dị ứng, bị rách, dễ chảy máu và máu khó đông, không dễ để các hiệu cắt tóc bên ngoài phục vụ họ. Trong khi đó, việc cắt tóc cho những bệnh nhân này rất quan trọng, vừa giúp họ giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh nhiễm trùng do không tắm gội thường xuyên được. Vì thế, chúng tôi nảy ra ý định cắt tóc miễn phí cho các bệnh nhân".

Nơi
Một nữ bệnh nhân cắt bỏ lọn tóc dài trước khi xạ trị.


Bác sĩ Hưng cho biết, các bệnh nhân rất hưởng ứng ý tưởng đó. Ngay từ ngày đầu "khai trương" đã có người đến đăng ký cắt tóc và không tuần nào không có "khách hàng". Cao điểm, các bác sĩ, điều dưỡng cắt tóc cho 22 người bệnh. Ban đầu, chỉ có một vài bác sĩ có thể cắt tóc cho bệnh nhân, nhưng giờ, ở Khoa Điều trị hóa chất đã có gần chục điều dưỡng xung phong và được "đào tạo" để làm công việc này.

Nơi
Khi tóc đã rụng, ít bệnh nhân còn tươi cười.


Nơi
Họ thường xuất hiện với chiếc khẩu trang.


Anh nói thêm: “Những bệnh nhân ung thư cực kỳ nhạy cảm. Việc cắt bớt tóc hoặc cạo trọc trước khi tóc của họ rụng không chỉ vì lý do vệ sinh, mà còn giảm bớt gánh nặng tâm lý của bệnh nhân. Chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân rất xinh đẹp, tóc dài thướt tha sau khi truyền hóa chất, bần thần đưa tay lên vuốt tóc rồi nhìn ngắm từng chùm tóc rụng xuống bàn tay, chúng tôi đau đớn vô cùng…"

Nơi
Kết thúc buổi cắt tóc, các nữ điều dưỡng kiểm tra lại dụng cụ…

Nơi
…chuẩn bị trở về với cuộc sống đời thường, để lại sau lưng những "góc con người" của bệnh nhân.

Chẳng riêng gì các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp cắt tóc cho bệnh nhân, chúng tôi – những người ngoài cuộc – khi nhìn những nhát tông-đơ xén đi những mảng tóc bên bết còn sót lại hoặc miết trên khoảng da đầu trắng xanh lơ thơ vài sợi tóc con vừa mọc trên đầu nữ bệnh nhân, thấy mắt họ ướt nhoèn, hoặc cố nhìn vào gương như muốn ghi lại hình ảnh của mình khi còn tóc, hoặc cúi xuống, nhắm nghiền mắt như hãi sợ chính mình cũng không thể ngăn sống mũi cay xè.

Chia sẻ