Những thiên thần tiệc cưới

,
Chia sẻ

Đó là những chàng trai, cô gái trẻ đẹp trong trang phục lịch sự đứng đón khách cùng cô dâu chú rể.

Học đứng và học cười
 
Khách đến dự tiệc thường gọi họ là những thiên thần vì cách ăn mặc như bước ra từ truyện cổ tích. Nhìn họ đứng một chỗ, gật đầu và tươi cười đón khách, ai cũng nghĩ công việc dễ dàng và nhàn hạ nhưng kỳ thật rất khó khăn.

Với 4 năm trong nghề, P.T.T.H, sinh viên trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, làm việc tại nhà hàng ở Q.2, TP.HCM, nhớ lại: “Ngày đầu tiên học việc là mình học cách đứng để đón khách. Do không quen đứng một chỗ và trên đầu đội thêm khăn đóng nặng đến 1,5 kg nên mới đứng khoảng 5 phút là mỏi chân, lưng cứng đờ, chóng mặt, thậm chí có nhiều bạn chịu không nổi ngất xỉu tại chỗ. Phải sau 2 tháng làm việc, mình mới quen dần với việc đứng”.

Không phải kiểu đứng của các nhân viên bán hàng trong siêu thị hay nhà sách mà họ phải đứng nghiêm như những anh lính gác cổng Hoàng gia Anh trong suốt 2 giờ liền. Đến lúc làm nghi thức lễ, các bạn chia công việc ra: một nhóm sẽ hướng dẫn nghi thức lễ trên sân khấu, một nhóm mặc áo thiên thần rước cô dâu chú rể và nhóm còn lại trực sảnh, trực cầu thang máy chờ hướng dẫn cho những vị khách đến trễ.
 
Đứng không vẫn chưa đủ, các bạn phải học cười, học nói chuyện, học cúi chào, học chờ đợi… “Thiên thần tiệc cưới không phải là những pho tượng trang trí, bạn phải thể hiện được tâm trạng tươi vui, niềm nở khi khách đến dự tiệc. Đồng thời, bạn phải hướng dẫn khách đi như thế nào để tránh đi nhầm tiệc, bỏ nhầm tiền mừng” - Đ.H.G, sinh viên trường CĐ Hàng hải TP.HCM tâm sự.

Nghề không ai đào tạo

Tất cả đều là kinh nghiệm, nghề truyền nghề vì ngay đến việc định danh nghề này cũng không có sự rõ ràng huống chi là có trường lớp đào tạo. Đến hỏi các trung tâm dạy nghề, các trường nghiệp vụ khách sạn và nhà hàng trong TP.HCM cũng không hề có chương trình đào tạo công việc này. Trong khi đó, số lượng nhà hàng tiệc cưới, khách sạn tiệc cưới, hoa viên tiệc cưới… thì mọc lên như nấm.

Đ.T.V, quản lý nhiều đội “thiên thần” ở các khách sạn, nhà hàng lớn ở TP.HCM, với kinh nghiệm 7 năm trong nghề, cho rằng: “Tuyển người làm được công việc này thật sự rất khó. Trước hết, nghề này không cần bạn phải xinh đẹp hay “chuẩn” như người mẫu nhưng phải dễ nhìn, tươi vui, nhìn vào khuôn mặt phải thấy được thiện cảm. Thứ hai, bạn phải có ngoại hình tương đối, trung bình 1m55 đến 1m65 đối với nữ và 1m70 đến 1m80 đối với nam. Và phải có kiến thức, biết ngoại ngữ, biết cách làm việc nhóm, nhanh nhạy xử lý tình huống phát sinh, biết lắng nghe, quan tâm đến mọi người, sức chịu đựng cao và lòng kiên nhẫn”.

Một ca làm việc khoảng 4 giờ. Có mặt trước 30 phút trang điểm, sau đó các bạn chia thành từng nhóm nhỏ đến các sảnh tiệc xếp khăn ăn, trang trí cổng hoa, bàn ký tên, gói quà tặng cô dâu chú rể, trực thang máy, phục vụ thức ăn, nước uống cho cô dâu chú rể… hay các yêu cầu khác từ chủ tiệc. Thời gian làm việc dài, trong khi mức lương chỉ khoảng 60.000 đồng/người/2 giờ, nhưng các bạn phải tự trang bị quần áo...

Làm việc vất vả, các “thiên thần” dần trưởng thành hơn trong giao tiếp, nói năng, đi đứng dịu dàng, tế nhị hơn. T.T.M.D, sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM bộc bạch: “Tôi hay gật đầu chào và cười rất nhiều với mọi người, thậm chí cả những người mà tôi không quen biết. Tôi nghĩ đến mọi người xung quanh nhiều hơn, nhất là những người già. Mỗi lần nhìn thấy họ bước lên cầu thang một cách nặng nề, khó nhọc, lòng tôi cũng như các bạn cảm thấy không yên nên lúc nào chúng tôi cũng quan sát họ thật kỹ, thay phiên nhau dìu họ”.

 
Theo Tuyết Vân
Thanh niên
Chia sẻ