Những bóng hồng theo người tình ra vành móng ngựa

,
Chia sẻ

Chốn pháp đình, tôi đã gặp những phận con gái dại khờ, chỉ biết cháy hết mình cho tình yêu mà không hề suy tính xem điều đó có xứng đáng hay không?

Đến khi nhận ra trái tim trao nhầm người cũng là lúc họ cùng người tình bước vào trại giam và đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật.

1. Hoàng Thị Yến (24 tuổi, quê ở Đông Triều, Quảng Ninh) trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa là một cô gái như vậy. Với Yến, Nghĩa là mối tình đầu - một mối tình đi cùng cô suốt ba năm sinh viên nhiều mộng đẹp. Với Yến, lúc nào Nghĩa cũng quan tâm chu đáo, hết lòng. Cũng vì vậy, cô đã hết lòng tin tưởng Nghĩa, đã nhiều lần đưa Nghĩa về thăm gia đình và trao xe máy, chìa khóa nhà cho anh ta.

Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, cô cũng nhờ Nghĩa trông nhà mà không hề hay người yêu sau đó đã rủ người tình cũ đến đây, sau đó gây tội ác... Đợt nghỉ kết thúc, Nghĩa còn về tận Quảng Ninh đón cô lên Hà Nội tiếp tục đi học. Do anh ta không có biểu hiện gì lạ nên Yến không mảy may nghi ngờ.

Hoàng Thị Yến

Chỉ đến khi các sự việc lạ lùng dồn dập diễn ra: phát hiện trong nhà có nhiều dấu vết khả nghi, phát hiện xác chết cô gái lõa thể không đầu trên tầng thượng của chung cư (ngày 17/5), công an đến “hỏi thăm”, cô gái này mới bắt đầu nghi ngờ.

Sau khi chat với người yêu và nghe anh ta thú nhận tội ác, cô bàng hoàng nửa tin nửa ngờ. Và chính trái tim yêu mù quáng đã mách bảo cô tự nguyện che giấu hành vi phạm tội của anh ta, dẫu biết thế là phạm tội.

Dù biết rằng ngay cả khi hai người còn đang mặn nồng, ngay cả khi cô trao cả đời con gái, cả gia sản của mình cho Nghĩa mà không mảy may suy tính vẫn bị anh ta phản bội, dù biết rằng vì anh ta mà cô - vốn được ba mẹ coi như lá ngọc cành vàng - đã phải nếm trải những ngày tù tội... thì Yến vẫn cứ yêu.

Còn nhớ lần tôi gặp Yến ở giai đoạn điều tra vụ án, cô bảo cô vẫn yêu Nghĩa và không ân hận vì điều đó. Tôi hiểu, mặc cho người đời có quyền phán xét và lên án nhưng trái tim vẫn có những lý lẽ riêng.

Hôm đó, Yến nói vẫn hy vọng pháp luật mở cho Nghĩa một con đường sống, thì dù có phải chờ đợi bao lâu chăng nữa cô cũng gắng chờ. Cô tin rằng tình cảm chân thành của mình sẽ cảm hóa được Nghĩa, đánh thức phần thiên lương để anh ta trở thành người tốt. Nghe những lời thống thiết của cô hôm đó, tôi không nỡ nói với cô rằng điều đó vĩnh viễn chỉ là ước mơ...

Nhưng tại phiên tòa này, khi Tòa hỏi: “Cô còn yêu Nghĩa nữa không?” thì Yến lặng im và hai hàng nước mắt tuôn rơi. Có lẽ giờ đây cô mới thấy xót xa, ân hận... Và khi Nghĩa quay sang xin lỗi cô, nói rằng vì anh ta mà cô bị liên lụy thì Yến òa lên nức nở. Chẳng biết chút tình cảm thành thật của chàng người yêu trong giờ phút mà anh ta biết chắc sẽ phải lãnh án tử có an ủi, vỗ về phần nào trái tim quá nhiều đau đớn, tổn thương của cô gái nhỏ bé này không?

Nhìn Yến lầm lũi ra về đầy cô độc sau khi lãnh án 15 tháng tù treo, ai cũng xót xa. Sân Tòa đang đông đúc, ồn ã bỗng có phút yên lặng hiếm hoi để nghe lời một bài hát từ chiếc điện thoại di động của ai đó như nói hộ tâm trạng cô gái trẻ: “Đời người con gái, ước mơ đã nhiều, trời cho không được mấy, chỉ còn lại một mối tình mang theo...”.

2. Bi kịch lụy tình mà theo người tình vào vòng lao lý của Hoàng Thị Yến khiến tôi nhớ đến chuyện tình của cô gái 19 tuổi Trần Thị Thọ (ở quận 6, TP.Hồ Chí Minh) trong phiên Tòa xét xử vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” một năm về trước. “Mặc dù vậy, em vẫn yêu anh ấy vô cùng. Ảnh cũng thương em lắm!”, những lời tràn ngập yêu thương của Thọ dành cho Hà Công Nam - bị cáo đã bị TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh tuyên y án tử hình về hai tội “Giết người”, “Cướp tài sản” - khiến người ta vừa thương cảm, vừa đau xót.

Trần Thị Thọ

Hai năm trước, Thọ gặp Nam trong một buổi tối buồn vắng khách tại tiệm cà phê mà Thọ là tiếp viên. Cô gái trẻ có dáng người rất chuẩn, gương mặt khả ái với mái tóc dài thướt tha khiến Nam say đắm. Nhưng thực tình lúc đó Nam đâu dám mơ rằng sẽ được Thọ yêu, bởi Nam chỉ là một chàng trai nghèo vào Nam làm thuê làm mướn qua ngày, trong khi vây quanh Thọ lúc nào cũng có nhiều người đàn ông giàu có săn đón.

Nhưng Thọ thương Nam, càng thương hơn khi biết Nam đã từng trải qua những tháng ngày đầy cay đắng, đau buồn. Sau ngày bố mẹ chia tay, Nam bỏ vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, những mong sẽ quên đi những ký ức buồn.

Rồi một ngày Thọ mất việc tại tiệm cà phê do xô xát với ông chủ. Trong lúc cô buồn chán vì chưa kiếm được chỗ làm mới, thiếu tiền tiêu thì Nam thường xuyên đến an ủi, chở người yêu đi chơi. Nhưng cứ đi mua sắm, cà phê, rồi cơm tiệm thì dẫu có tiền núi cũng hết, chứ nói chi đến khoản lương công nhân của chàng trai tỉnh lẻ vốn đã rất eo hẹp! Chính trong cơn túng quẫn, Nam đã nảy sinh ý định ngông cuồng...

Đêm 8/5/2008, Nam chở Thọ đến tiệm internet Đức Phương trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP.Hồ Chí Minh). Đợi đến khuya, khách chơi về hết, họ mới gọi chủ tiệm đến tính tiền. Trong lúc Thọ lấy tiền ra trả thì Nam từ phía sau lao tới dùng búa đập liên tiếp vào đầu bà lão chủ tiệm.

Quá bất ngờ và hoảng sợ, Thọ chạy ra lấy xe trước. Lát sau, Nam tắt điện, khóa trái cửa tiệm và cùng người yêu chạy trốn. Do không chứng kiến tất cả, Thọ không biết Nam đã cướp đi 6 sợi dây chuyền và nhiều tài sản trị giá gần 60 triệu đồng.

Với hành vi giết người, cướp tài sản tàn độc nêu trên, Hà Công Nam đã bị TAND TP.Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 20/3/2009. Trần Thị Thọ cũng lĩnh 12 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”. Sau đó Nam kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng Tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm.

“Em yêu anh ấy, em muốn được vào trại gặp ảnh lần cuối cho trọn nghĩa vẹn tình...”. Nghe những lời tâm sự của Thọ hôm đó, không ai nỡ nói với cô rằng, điều mong muốn tưởng chừng như đơn giản ấy giờ đây là một việc bất khả thi.

Theo Pháp luật

Chia sẻ