Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử

Chí Toàn, Hà Hương,
Chia sẻ

Trận lũ lịch sử tại Lạng Sơn vừa qua đã cuốn trôi đi tất cả đồ đạc trong nhà, đã làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh tan hoang, màn trời chiếu đất.

Hoàn lưu bão Rammasun hôm 19/7 gây mưa lớn trên diện rộng, biến thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) thành biển nước, có nơi lũ dâng gần nóc nhà. Tính tới thời điểm này, số người bị thiệt mạng tại Lạng Sơn là 5 người, mưa lũ cũng khiến 6.000 nhà bị ngập sâu, trong đó khoảng 200 bị hư hỏng nặng và hư hỏng hoàn toàn; trên 2.000 ha lúa bị ngập và cuốn trôi. 

Trung tâm thành phố Lạng Sơn - phố Phai Vệ, phường Đông Kinh ngập sâu trong nước. Nhiều khu vực bị ngập sâu 3 m, anh Nhiên – người dân ở khu phố Phai Vệ cho biết, nước bắt đầu dâng cao từ 13h chiều ngày 20/7, đến tối thì rút nhưng rút rất chậm. Hiện tại, nhiều tuyến đường ở Lạng Sơn vẫn trong tình trạng ngập nặng, người dân phải di chuyển bằng thùng xốp đựng hoa quả, phao tắm trẻ em và xô chậu.

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 1

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 2

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 3

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 4

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 5
Nhiều nơi tại TP. Lạng Sơn nước vẫn ngập khá sâu, người dân trắng đêm dọn dẹp, canh chừng nước lũ

Hiện nước sông Kỳ Cùng vẫn còn cao, nước rút chậm. Chiếc cầu Na Sầm nối khu 1 (thị trấn Na Sầm sang xã Tân Lang, huyện Văn Lãng) chìm trong biển nước. Nói đến thiệt hại thì những nhà nằm ngay đầu cầu bị hư hại nhiều nhất. Gia đình bác Hoàn cho biết, ngôi nhà mà hiện cả tứ đại đồng đường nhà bác đang sinh sống đã chìm 2/3 trong biển nước.

Cứ khi nào mùa lũ về, gia đình bác vô cùng khó khăn khi luôn phải di tản đồ đạc, thành viên trong gia đình đi nơi khác để tránh lũ. Ngôi nhà đông người ở, ở nhiều năm nhưng luôn trong tình trạng rách nát vì “hễ cứ xây sửa xong nhà tôi lại ‘hứng’ lũ, tường lại mục nát, đồ đạc lại trôi nổi”. Tính đến thời điểm hiện tại, bác Hoàn cũng không nhớ rõ đã bao lần sửa chữa nhà để ở. 

Dù nhà ở vị trí cao hơn so với nhiều hộ dân ven sông song cứ nhắc tới nhà, vợ chồng chị Hằng – anh Miễn lại thở dài thườn thượt: “Chúng tôi mới cưới, gom góp mãi mới được chút tiền để sửa nhà. Nhà tôi vừa mới sửa xong còn thơm mùi sơn, đồ đạc trong nhà cũng vừa mua được vài món thì giờ… cơn lũ đã cuốn phăng đi tất cả. Trong nhà còn đúng cái giường gỗ ngấm nước mục nát, ngôi nhà tan hoang bọng nước”. 

Một số hộ dân xã Tân Lang đối diện thị trấn Na Sầm cũng bị ngập nặng. Gia đình bác Tảo trú tại xã Tân Lang cho biết, bao nhiêu hecta hoa mầu của gia đình bác bị ngập nặng, úa nát. Không những thế, hiện cả gia đình đình bác và vài gia đình xung quanh đang chịu nguồn nước ô nhiễm do nước lũ xâm nhập vào giếng nước của hộ. 

Nếu đi ngang qua các khu phố lớn nhỏ của Lạng Sơn, không khó để bắt gặp cảnh cả gia đình ai nấy đều tất bật lo tu bổ, che chắn lại nhà cửa, biết bao gương mặt buồn bã tiếc rẻ đồ đạc, ngôi nhà bị hư hỏng do bị nước lũ cuốn trôi.



Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 6

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 7

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 8

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 9

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 10

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 11

Người dân Lạng Sơn trắng tay sau đợt lũ lịch sử 12
Nước rút đi để lại cảnh hoang tàn, người dân tranh thủ dọn dẹp rác rưởi, quét dọn nhà cửa.

Chị Nông Thị Mây, người dân sinh sống tại Mai Pha cho hay, cả gia đình chị đang không biết phải làm sao, ai cũng điêu đứng, buồn rầu vì hoa màu, ruộng lúa hiện đã ngập úng. Hai hôm nay, gia đình chị chịu cảnh mất điện, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn, di chuyển phải bằng chiếc phao tắm của bé. 

Chuyên gia khí tượng nhận định, đây là một trong 3 trận lũ lịch sử ở Lạng Sơn. Trước đó địa phương từng gánh chịu trận lũ lớn vào năm 1986 (gần 260 m) và năm 2008 (257,80 m). 

Phường Tam Thanh là địa bàn trũng, nên tính tới thời điểm hiện tại, nước vẫn chưa thoát kịp nên đã xảy ra hiện tượng ngập úng. Các thành viên gia đình chị Trâm hiện đang sơ tán đồ đạc lên cao hơn, dùng xô tát nước ra khỏi nhà. 

Một số gia đình nằm ngay sát sông Kỳ Cùng và cầu Na Sầm vẫn còn chìm trong nước. Nhà cửa bị thiệt hại nặng nề, mái nhà bị gió thổi bay, đồ đạc bị dòng nước cuốn trôi hết. Gia đình ông bà Trí (huyện Văn Lãng), nhà nằm ngay sát với sông Kỳ Cùng và ngay đầu cầu Na Sầm, nhà ông bà bị nước lũ nhấn chìm nửa nhà, toàn bộ ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Hiện ông bà đang được di tản tới địa điểm cao hơn, nhìn sang nhà mình từ đằng xa, ông bà chỉ biết khóc nhìn nhau vì “đồ đạc mất hết rồi mình ơi”.

Tới ngày hôm nay, nhà anh Bắc ở Tam Thanh nước đã rút chỉ còn khoảng 30cm, anh cùng các thành viên khác trong gia đình đang tranh thủ lau dọn nhà cửa, hiện tầng 1 nhà anh rất nhiều bùn đất, nhiều bộ bàn ghế hư hỏng. 
Chia sẻ