Làm thế nào để sống sót trong sóng thần?

Ross,
Chia sẻ

Thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 và tại Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua cho thấy, thảm họa này giờ đây sẽ còn xuất hiện với sức tàn phá ngày càng khủng khiếp.

Lí do là những trận động đất thời gian qua đã gây ra những vệt đứt gãy lớn trong lớp vỏ trái đất, tạo ra sự biến đổi lớn về địa chất.

Theo Giáo sư Kerry thuộc Trung tâm quan sát kiến tạo - Viện Công nghệ California (Mỹ),  ở những khu vực đứt gãy đang xuất hiện một áp lực căng khổng lồ. Sự bùng nổ của áp lực này có thể giải phóng để gây sự đứt gãy mới trong tương lai gần. Và khi đó, những trận động đất mới có cường độ lớn gây sóng thần như tại Nhật Bản là điều không nằm ngoài dự đoán.

Vậy thì khi đó, khả năng sống sót của con người trong sóng thần phụ thuộc rất nhiều vào sự phòng bị và kiến thức ứng phó với sóng thần.


 

Bước 1: “Đánh giá tình huống”

Trước hết, cần phải tìm hiểu rõ ràng về mức độ nguy hiểm. Có thể là nguy hiểm nếu nhà bạn, trường học hay công sở nằm ngay ven biển. Và sẽ là nguy hiểm nữa nếu độ cao của những công trình này ngang bằng hoặc không cao so với mực nước biển.

Bước 2: “Chuẩn bị trước”

Nếu đã xác định nằm trong vùng nguy hiểm, thì ngay lập tức chuẩn bị kế hoạch sơ tán và đồ nhu yếu phẩm mang theo người. Những thứ mang theo cần phải có đồ ăn, nước uống, túi sơ cứu và những thứ thật cần thiết.

Bước 3: “Lập kế hoạch sơ tán”

Cùng lúc này, mỗi người cũng nghĩ ngay phương án sơ tán cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Luôn hợp tác cùng mọi người trong việc chia sẻ sáng kiến và phối hợp với nhà chức trách trong việc sơ tán.

Bước 4: “Lưu ý những cảnh báo”

Luôn lưu ý về những dấu hiệu cảnh báo sóng thần sắp đến, mà động đất là cảnh báo đầu tiên. Dấu hiệu nữa là sự tăng giảm bất thường của mực nước biến. Nếu nước biển bỗng dưng rút ra xa rất nhanh, để lại bờ trơ trọi thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho thấy sắp sửa có những trận sóng khổng lồ ập vào đất liền.

Ngay cả hành vi thay đổi của các loài vật cũng là dấu hiệu phải quan tâm như chúng rời khỏi khu vực, hay co cụm lại với nhau tìm chỗ ẩn náu.

Còn đối với những cảnh báo của nhà chức trách, chúng ta cũng cần nhớ luôn lưu ý và thông báo kịp thời cho người thân, bạn bè và cộng đồng.

Bước 5: Hành động

Nếu sóng thần đang ập vào đất liền, chúng ta cần phải phản ứng ngay lập tức. Hãy di dời sâu vào đất liền và lên những chỗ cao ráo, như trèo lên đồi, núi. Đặc biệt, cần rời xa ngay lập tức những khu vực gần nguồn nước như hồ, ao, sông, ven biển. Trong trường hợp bạn bị kẹt không thể sơ tán, lựa chọn tốt nhất bây giờ chọn một tòa nhà cao, vững chãi và leo lên nóc.

Bước 6: Phản ứng trong dòng nước

Hãy phản ứng nhanh chóng nếu bạn bị cuốn trong dòng nước. Cách tốt nhất là bám vào những vật nổi được như cánh cửa, khúc gỗ… để không bị nước nhấn chìm.

Bước 7: Bỏ lại của cải

Hãy bỏ lại mọi tư trang, vì mạng sống của bạn trong dòng nước sóng thần giờ đây quan trọng nhất.

 

Bước 8: Trú ẩn an toàn

Sau khi đã thoát khỏi cơn sóng dữ, cần trú ẩn ở nơi an toàn nhất, vì những đợt sóng thần sẽ kéo dài đến vài giờ, sóng sau mạnh hơn sóng trước. Phải kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi nhận được thông tin qua đài báo về tình hình an toàn.

Bước 8: Ứng phó với hậu quả 

Sau khi sóng thần qua đi, nỗi lo lớn vẫn còn, đó là tình trạng thiếu lương thực, nước uống, thuốc men. Và đây là những gì mà những nạn nhân sóng thần Nhật Bản hiện đang phải đối mặt. Chỉ có lòng can đảm, sự kiên nhẫn và tình đoàn kết, những người còn sống sau thảm họa khủng khiếp này mới có thể đối phó được với những khó khăn đó và tiếp tục tồn tại.

Chia sẻ