Khi hành lang bệnh viện trở thành chung cư
Hành lang, góc cầu thang của dãy C, bệnh viện Ung Bướu TP.HCM từ nhiều năm nay đã thành “chung cư” của những bệnh nhân điều trị ngoại trú nghèo khó từ tỉnh lên.
Bà Phạm Thị Năm - bệnh nhân bị ung thư trực tràng 63 tuổi, quê ở xã Tân Long Hậu, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long - là một trong số đó. Bà điều trị bệnh được 3 năm và cũng sống trong "chung cư" này từng ấy thời gian.
Hành lang, cầu thang, nơi nào trống là thành nhà
Về không tiện…
Bà Năm sống đơn thân, không chồng con. Hơn 3 năm trước bà nhận thấy có triệu chứng bất thường về tiêu hóa. Nhưng vì đang chăm sóc ba mẹ già yếu (người 90, người 92 tuổi), bà “lơ” chuyện khó ở trong người đi. Tám tháng sau, sức khỏe bà càng diễn biến nặng hơn. Bà đi khám và được chẩn đoán ung thư trực tràng ác tính. Sau đó bà mổ cấp cứu tại bệnh viện bình dân do tắt ruột cấp. Sau ca phẫu thuật, bà đã được cắt bỏ hậu môn, mở ổ bụng, đặt ống dẫn và đeo túi nilon để chứa chất bài tiết.
Hai tuần sau, bà có đợt truyền hóa chất đầu tiên tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM theo hình thức điều trị ngoại trú. Như những bệnh nhân khác, bà gặp phải trạng thái mơ hồ, choáng váng, nôn ói sau khi tiếp nhận hóa chất. Thân già, sức yếu, mọi bài tiết đều mất kiểm soát, giờ lại càng khó khăn hơn khi ngồi xe đò trở về quê trong trạng thái vật vờ. Bà thấy quá hoảng sợ nếu mỗi tháng phải đi - về xạ trị, hóa trị 1- 2 lần.
Ba năm nay, ba và mẹ của bà cũng đã lần lượt ra đi. Bà bùi ngùi nói: “Về nhà nhìn cái võng, cái giường trống trơn, tôi thấy nhớ ba mẹ quá. Nên thôi, chờ giỗ tết thì về một lần, không thì tôi ở lại đây luôn cho rồi”. Đó là những lí do bà quyết định chọn bệnh viện là nhà, nằm chờ những đợt hóa trị và xạ trị sau.
Điều may mắn duy nhất với bà Năm là với ung thư trực tràng, hóa trị và xạ trị không gây rụng tóc.
…Ở cũng không xong
Chỗ nghỉ của bà Năm sau cơn mưa
Ba năm nay, cuộc sống nơi “chung cư” có quá nhiều bất tiện. Cầu thang, hành lang, hễ nơi nào trống là những bệnh nhân như bà sẽ trải chiếu, giăng tấm nilon che mưa để làm nhà. Lâu lâu bảo vệ lại đi kiểm tra, yêu cầu bệnh nhân thu dọn vật dụng tránh làm mất mĩ quan bệnh viện và cản trở lối đi. Chỉ ra khoảng sân trước mặt, bà Năm kể: “Mỗi khi có thanh tra sở tới là chúng tôi phải cuốn chiếu màn ra để ngoài đó. Họ về thì lại mang trở vào”.
Những ngày mưa gió vừa qua khiến bà vô cùng vất vả: phải căng chiếu, rèm che để không bị ướt. Giọng bà nghèn nghẹn: “Tối nằm nghe mưa rỉ rả, gió lùa, lạnh thì ít mà buồn thì nhiều”. Ngày mưa khổ là một lẽ, ngày nắng bà cũng không sướng hơn. Bà Năm xót xa kể: “Có hôm tôi mệt quá, ngủ quên, nắng chiếu vào mặt. Khi tỉnh dậy đầu đau như bị ai đánh đập, phải lần mò vào trong nhờ chút quạt máy cho tỉnh người lại”.
Gia đình bà Năm nhà có 6 anh chị em, nhưng kinh tế ai cũng khó khăn, thiếu thốn. Tiền trợ cấp từ các đơn vị hảo tâm cũng chỉ phần nào giúp bà đỡ chi phí điều trị. Thi thoảng, anh chị em và các cháu cũng ghé qua viện thăm bà. Phần lớn thời gian trong ngày bà đi nhặt ve chai, bán kiếm tiền mua túi nilon, băng dán để giải quyết vấn đề bài tiết qua ống thông ở ổ bụng.
Ngoài bà Năm, tại hành lang khu C, còn có nhiều người như bà Trần Thị Mai (quê Đồng Tháp), chị Dương Thị Thắm, Phạm Thị Gạch (cùng quê An Giang). Cũng vì thiếu tiền đi lại, sức khỏe kém nên họ phải sống vật vờ ở “chung cư” này chờ lượt hóa trị tiếp theo.
Chị Phạm Thị Gạch (27 tuổi quê ở Đồng Tháp) - đang nằm - vì tóc đã rụng hết nên che mặt lại không muốn tiếp xúc với ai.
Chị Trần Thị Mai và bà Dương Thị Thắm
Những người thân nuôi bệnh tại lầu 2, khu C.
Bữa cơm chiều đạm bạc trên manh chiếu của người cha bệnh tật và cô con gái