Khi dân công sở “cắp sách” đến trường

Dean,
Chia sẻ

Khi dân công sở đã quen với văn phòng và những “giờ nghỉ giải lao dài hàng tiếng”, thì việc quay lại trường học quả thật là một điều đáng quý nhưng cũng thật “đáng nói”.

Học, tự nguyên hay ép buộc?

Kể ra đến mục đích đi học của dân công sở thì nhiều lắm, người muốn rèn kỹ năng, người muốn nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề nghiệp vụ. Nhưng mục đích học “tự nguyện” chiếm một phần rất nhỏ trong số những mục đích mà dân công sở tìm đến với các lớp học, mà chủ yếu do cơ quan yêu cầu, hay “cần cái bằng” để thăng tiến trong công việc.

Chị Phượng, nhân viên hành chính của một trung tâm làm dự án cho hay: “Bên cơ quan mình làm các dự án với nước ngoài, đáng nói là mình am hiểu công tác hành chính văn phòng chứ ngoại ngữ thì cũng chưa được khá lắm. Một phần vì công việc đòi hỏi, một phần do mình thấy e ngại vì sếp giao ngày càng nhiều việc cần ngoại ngữ, nên mình bố trí sau giờ làm tranh thủ đi học tiếng Anh, chứ bảo tự nhiên đi học chắc mình cũng ngại”.


Ảnh minh họa.

Với các lớp học yêu cầu trình độ cao hơn và phải thi như kì thi cao học trong các trường Đại học (ĐH) cho các chuyên ngành, mục đích học của dân công sở cũng gặp bởi nhiều “rào cản” khi ý thức rằng “thi là được mang tài liệu vào chép”. Một thực tế trong khoảng giữa tháng 9, tại điểm thi cao học của một trường ĐH tại quận Thanh Xuân, hơn chục trường hợp học viên tại Hải Phòng bị đình chỉ thi do mang tài liệu và sử dụng tài liệu trong khi thi.

Không biết những nếu những đứa con của các ông bố bà mẹ công sở này biết sự thực trên, liệu chúng còn tự ý thức “sẽ nghe lời bố mẹ nghiêm túc trong các kì thi” hay không? Người ta thấy công sở khăn gói quả mướp hồ hởi đi thi bằng xe công, sau những ngày thi mệt mỏi, các anh chị em cũng có dịp “đi xa”, tụ tập xả hơi “tránh cơ quan” một vài ngày. Quả thực nếu nói “đi học” là nặng nề với dân công sở, liệu có chăng là chưa chính xác?

Học, hay “cắp sách” đến trường

Chuyện dân công sở đi học thì muôn màu muôn vẻ, các lớp học dành cho khối văn phòng và công sở thường là vào các ca từ 17h đến 21h, sau khi kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi. Chính vì thế, tâm lý học của các công sở viên, văn phòng viên cũng không còn tập trung, bình thường soạn công văn giấy tờ chủ yếu bằng máy tính, bây giờ “dùng bút thay chuột”, thật uể oải lắm thay.


Tập trung được 20 phút đầu. (Ảnh minh họa)

Chị Hà, cán bộ học cao học tâm sự: “Mình chỉ tập trung được 20 phút đầu, sau thì kiến thức cứ thầy giảng, mình nghe. Lâu không ngồi cả tiếng ngồi nghe giảng, đầu óc lại quay cuồng với những việc cơ quan, cơm nước chồng con ở nhà, nên thú thật đi học mình cũng không được chăm chú lắm”.

Đấy là cánh chị em, với cánh đàn ông, thì những giờ giải lao luôn là dịp để anh chị em tụ tập trà đá, 10 phút nghỉ giải lao thường là “trên danh nghĩa”, thực tế dù biết vào lớp, các anh tự cho phép nghỉ thêm thậm chí đợi hết giờ để vào lấy đồ. Đi học khéo lại vui, gặp gỡ bạn bè cùng lớp từ thửa trước, biết thêm dăm ba thông tin công việc, từ những giờ giải lao trà đá vỉa hè, đến việc nói chuyện riêng trong lớp, dường như việc học của dân công sở chỉ còn đơn thuần với ý nghĩa” cắp sách” đến trường.

Nhiều trường ĐH dã dùng biện pháp “điểm danh” để dùng làm điều kiện thi, song cũng không hiệu quả. “Sau khi chờ điểm danh, gần nửa lớp len lén đi cửa sau trốn về sớm. Tâm lý giáo viên đi dạy tối đã mệt, các học trò “lớn” không tập trung là một lẽ, lại thêm “chiêu trốn học oái ăm” này, khiến giáo viên thật sự rất phiền lòng và chán nản”. Cô Vũ, giảng viên Triết của một trường ĐH nói.

Một thực trạng đáng nói về “kết quả học tập” của dân công sở còn phải kể đến những kỳ thi “tiền đi trước, người thi sau”. Tâm lý “nộp tiền” cho các thầy cô trước các kì thi nay cũng khiến chị Kim Oanh, nhân viên nhân sự đã bị giám thị “bé bằng đúng tuổi cháu mình” bắt tài liệu trong kì thi giữa kỳ một môn chuyên ngành. “Thực sự mình nghĩ lại còn cảm thấy xấu hổ”, chị Oanh nói.

Ảnh minh họa.

Hay Thu, chuyển tiếp sinh cao học tâm sự "một anh văn phòng mình quen trong lớp, “săn đón” mình rất nhiệt tình, những lúc nào kết thúc câu chuyện cũng là “Hôm nào thi nhớ nhắc anh nhé”, chả là anh ấy cùng tên T giống mình." Cũng rất nhiều các hình thức thi dành cho “dân công sở” cho ra kết quả “dở khóc dở cười”, với đề thi tiểu luận cho sẵn, các anh chị em vốn quen “google click” cắt ghép các bài tiểu luận làm sẵn, thay tên đổi họ, thêm vài gạch đầu dòng là hoàn thiện. Nhiều giảng viên cho hay, họ phải nhắm mắt cho qua với tình trạng trên, yêu cầu cao với những đối tượng công sở viên, văn phòng viên này quả thực rất khó.

Kết luận

“Học, học nữa, học mãi”, nhưng nếu học chỉ để “cắp sách đến trường”, học vì bằng cấp hay do ép buộc, thì học liệu có mang đến kết quả và chất lượng thực sự mong muốn? Vẫn biết vừa đi học, vừa đi làm với dân công sở quả thực cũng cần sự bố trí thời gian hợp lý, nhưng nếu ý thức được “việc học” một cách nghiêm túc hơn, chắc hẳn, công sở ta sẽ không mắc phải những trường hợp, những “hiện tượng đi học” đáng buồn kể trên.
Chia sẻ