Khắc khoải trước trái tim lỗi nhịp của cậu bé 7 tuổi

Theo Dân trí,
Chia sẻ

Bế con trai ra khỏi cổng bệnh viện, người mẹ nghèo cất bước nặng trĩu. Con chị bị tim bẩm sinh và mức phí để chụp hình mạch máu, chưa kể phẫu thuật, lúc bấy giờ là 310 USD.

Chị Lan bế con đi thật nhanh... Thấm thoắt đã gần 7 năm trời...

Cùng gắng với con từng hơi thở

Trái tim nhỏ bé của cậu con trai mới vài tháng tuổi vừa phải gánh chịu những cơn đau đầu đời, lại thêm chứng hẹp khí quản, buộc em ngay trong những ngày đầu đời non đã phải gồng mình chịu đựng đến mệt nhoài. Mẹ đi giúp việc cho những gia đình ở thành phố chật ních người này, nhưng rồi có gia đình nào chịu được cảnh cứ một tháng thì hết ba tuần chị Lan ra vào bệnh viện, lúc nào cũng âu lo cho con trai yêu của mình. Thế là chị cứ làm, rồi nghỉ, rồi lại chuyển sang giúp việc ở gia đình khác ngần ấy năm trời.
 
Tìm đến căn nhà nhỏ ấm cúng nơi chị Lan vừa được nhận làm giúp việc, có thể cảm nhận được cái âu lo trong chị vẫn còn nhưng đã bớt được phần nào. Bé được lui đến chỗ mẹ làm, để mẹ có thể chăm lo tốt cho con. Bế bé Duy trên tay, chị Lan chậm bước ra sân chỉ về phía xa.
 
Đó là một xóm nhỏ nằm dọc theo hướng Ung Văn Khiêm, D1... ở Bình Thạnh, nơi có một căn nhà mái tôn nằm khuất trong góc hẻm. Chị kể rằng đó là nơi gia đình chị đang nương náu cùng với đại gia đình 10 anh chị em nhà chồng, và một người mẹ đã ngoài 80 tuổi thường hay đau yếu. Vợ chồng chị Lan được dành cho một khoảng gác nhỏ, nhưng mà có mấy khi cả nhà an giấc vì cứ nửa đêm Duy lại khó thở, ho, ba mẹ phải đỡ lên, vuốt lưng, cùng con cố gắng từng hơi thở.
 
Nỗi buồn của người mẹ trước đứa con trai mang bệnh tim bẩm sinh suốt 7 năm trời
 
“Anh làm xe ôm, rồi ai kêu gì cũng làm, cốt để gom góp tiền chạy thuốc cho con từng ngày. Hai vợ chồng cùng làm, mà công việc cứ bấp bênh, chẳng ổn định. Có bao nhiêu cả hai đều dồn vào cho con khỏe, còn ăn uống thì mình chịu khổ cũng quen rồi!,”  chị Lan kể.

Khi được hỏi: “Tại sao không đưa con vào bệnh viện luôn, mà cứ phải đi lên đi xuống hoài cực vậy?”, chị ôm con vào lòng, lặng nhìn con một chặp rồi mới sẽ sàng nói: “Đưa con vào Nhi Đồng 2 khám thì chắc chắn họ sẽ bắt bé nhập viện, vì bệnh tim của bé đã nặng đến chừng vầy. Con vào viện, thì ba mẹ không lo nổi, rồi ai mà dám nhận mình làm việc kiếm tiền nữa!”

Cuộc trò chuyện giữa buổi trưa nóng của chúng tôi với chị không liền mạch, chốc chốc lại rơi vào những khoảng lặng, xen lẫn tiếng ho và tiếng thở khò khè của bé.

“Siêu nhân” của ba mẹ

Con đi học gần nhà, ba mẹ thay nhau lãnh nhiệm vụ đưa đón. Con đi khám bệnh ở xa, mẹ lại...không biết đi xe. Thế là nếu ba không chở được thì mẹ con lúc xe đạp, lúc đi nhờ xe, khi đi xe buýt để đến bệnh viện. Vậy mà riết rồi những buổi trưa  nắng nóng và bụi bặm của đất Sài Gòn đã trở thành quá quen thuộc với hai mẹ con rồi.

Duy đi học bán trú, cậu bé 7 tuổi bỗng dưng “hơn” các bạn cùng lớp ở nhiều mặt: thấp hơn, gầy hơn, yếu hơn, nhưng có một điều mà ai cũng phải nể, Duy học giỏi hơn các bạn. Buổi trưa không ngủ được trên lớp vì những cơn đau, cậu bé chỉ biết học, rồi ngồi trước hành lang nhìn bạn bè chơi đùa. Đạt học sinh giỏi cả hai học kỳ, chị Lan nhìn con khoe chuyện học hành mà cười nói đầy tự hào:

“Duy xỉu ngay lúc nó đang đi thi học kỳ, tôi hết hồn khi cô giáo gọi lên để đón cháu về. Tất bật chạy đến nơi thì thấy bé ngồi dậy, nhất quyết không chịu về, mà vào lớp lại để làm cho xong bài thi môn chính tả. Cô giáo giải quyết cho bé về sớm. Lúc đó Duy mới yên tâm và gục lên lưng mẹ thở hổn hển. Tôi vừa phục vừa thương con rơi nước mắt!”

Người mẹ mong đến ngày con trai sẽ được phẫu thuật tim để cứu mạng sống.

Khi được hỏi về ước mơ của con trong tương lai, cậu bé Bùi Tiến Duy 7 tuổi không ngần ngại nhỏ nhẻ đáp: “Con sẽ làm công an!”. “Nhưng con yếu quá sao mà làm công an được?.” “Con sẽ nhờ ba dạy con bơi, con khỏe lắm đó, chú không biết đâu!”
Nghe con cứng cỏi nói đến đó, chị Lan ứa nước mắt ôm chầm lấy Duy...
 
Mèo ú có thật không con?

Lần khám bệnh gần nhất tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh nhi Bùi Tiến Duy được bác sĩ chẩn đoán chứng hẹp khí quản đã lên đến 70%, ảnh hưởng sang đến phổi và nhiều bộ phận khác. Theo các bác sĩ, bệnh tim bẩm sinh của bé đáng lẽ đã khả quan hơn nếu như 7 năm trước được phẫu thuật. Chị Lan như thấy họng mình nghẹn đắng trong nỗi tủi thân, chỉ vì gia cảnh quá cái eo hẹp mà đã không giúp con có được sức khỏe tốt như các bạn.
 
Hiện giờ, cứ mỗi tháng hai mẹ con phải đi khám, mua thuốc giữ sức khỏe tương đối cho Duy. Nhưng cũng chỉ được chừng một, hai tuần rồi lại phải mua thuốc. Chị cầm tay con, nhìn hai cánh tay nhỏ xíu gầy gò và đôi môi thâm tím của bé mà lòng mẹ lại xót xa.
 
Chị đã nghe bác sĩ nói rằng phẫu thuật là cách duy nhất để cứu sống bé, chứ không thể duy trì bằng thuốc lâu dài, phải mất tới 90 triệu để mổ rồi sau đó là hàng tháng trời thuốc men và túc trực bên con. Chưa kể đến công việc bị gián đoạn, những lần tái khám và siêu âm để theo dõi, ngót nghét cũng gần 150 triệu đồng để bé trở lại bình thường...

Chị Lan ôm con thật chặt, nước mắt tuôn trào không còn kìm nén được nữa. Buổi trưa oi bức,  chỉ tiếng quạt quay đều đều, không gian cũng như bị dồn nén đặc quánh lại, chỉ còn tiếng nấc của mẹ và ánh mắt trẻ thơ long lanh của con trai.
 
Nếu sáu năm trước mẹ có tiền, thì đã đâu để con như vầy...
 

Bạn đọc có thể chia sẻ khó khăn với chị Nguyễn Thị Thu Lan, sinh năm 1974 (tên thường gọi là chị Huệ) qua số điện thoại 0903 705 253.

Chia sẻ