Hàng Tết "lởm": Nói đi nói lại vẫn... không thừa

,
Chia sẻ

Hàng Tết "lởm" cứ cuối năm lại được cảnh báo ra rả trên mọi phương tiện thông tin đại chúng nhưng chẳng bao giờ là thừa bởi nó liên quan đến sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng Việt.

Hoa quả tươi đẹp trong… 90 ngày

Thực tế nhiều nơi cho thấy, nguy cơ phải nhập viện trong những ngày tết là khá cao do ăn phải thực phẩm, bánh kẹo, bia rượu, kém phẩm chất. Những sản phẩm này đôi khi lại không phải là hàng trôi nổi, nó được bán trong những siêu thị lớn, những nhà hàng sang trọng…

Trước hết là bánh kẹo, bên cạnh những sản phẩm của các hãng danh tiếng tung ra thị trường còn có vô số những chủng loại hàng không rõ nguồn gốc được nhập lại từ Trung Quốc hoặc các cơ sở gia công nhỏ lẻ. Những sản phẩm này được bán công khai tại chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, phố Hàng Buồm, Nguyễn Siêu…

Đa số những mặt hàng này không có hạn sử dụng, không có nhãn mác hoặc nếu có cũng chỉ toàn là những thứ tiếng nước ngoài, như đánh đố người tiêu dùng. Loại bánh, kẹo nào cũng có nhiều mức giá khác nhau, tùy vào chất lượng sản phẩm. Với mẫu mã phong phú, bắt mắt, giá rẻ nên chẳng mấy ai quan tâm tới việc chúng có an toàn hay không.

Hàng khô cũng tiềm ẩn những mối nguy hại không kém. Cũng tại các khu chợ trên, các bao tải hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương các loại chất từng đống. Nhiều bao đã mốc xanh, mốc đỏ nhưng vẫn được các chủ hàng “tận dụng”, trộn lẫn với những bao còn tốt để đem rang, đóng gói bán cho người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn, không một chủ hàng nào dám khẳng định sản phẩm của mình không sử dụng phẩm màu công nghiệp.

Người tiêu dùng luôn ám ảnh nỗi lo hàng lởm.


Gần tết cũng là lúc các loại hoa quả từ Trung Quốc được nhập ồ ạt về Việt Nam. Để thu được lợi nhuận cao, người ta phải nhập hàng càng trước tết càng tốt vì khi đó giá rẻ. Để bảo quản hoa quả hàng chục ngày, hầu hết các chủ hàng lớn đều phải “nhờ” đến chất bảo quản nhập. Theo tiết  lộ của một người trong nghề, khi đã được phun tẩm hóa chất, các loại nho, lê, táo, cam, dưa hấu… có thể tươi đẹp được đến 90 ngày(?!)

Một trong những món ăn truyền thống, không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt là bánh chưng. Món ăn này đã không còn an toàn khi cách đây vài năm người ta phát hiện một số kẻ vô lương tâm đã cho pin vào nồi luộc bánh chưng để sản phẩm nhuyễn, mau chín và có màu đẹp. Khi ăn bánh chưng loại này, những chất độc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể con người, gây ra các bệnh cực kỳ nguy hiểm như viêm thận, ung thư…

Đối với những gia đình có điều kiện, việc sử dụng những chai rượu ngoại có giá tương đương vài tấn thóc đã là chuyện quá bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết phân biệt được rượu xin hay rượu rởm. Rượu ngoại được bán tràn lan ở khắp nơi, đặc biệt là ở khu chợ Hàng Da với rất nhiều mức giá khác nhau (cùng một loại rượu), tùy vào chất lượng.

Vì muốn “sành điệu, không ít người đã mua phải sản phẩm rởm với giá cắt cổ. Ngay cả những người mua được rượu đi biếu đôi khi cũng mù tịt về chất lượng nên cứ phải thanh minh với người được biếu: “Rượu này em gửi mua từ nước ngoài (hoặc từ cửa hàng miễn thuế), xịn lắm”(?!)

Thận trọng không bao giờ thừa

Nếu ai có quan niệm, hàng rởm, hàng kém chất lượng không có chỗ trong siêu thị, nhà hàng sang trọng thì quả là sai lầm. Với thủ đoạn tinh vi, một số siêu thị đã cho nhập hàng trôi nổi, chất lượng kém rồi cho đóng gói, in mác của những sản phẩm nổi tiếng để bán kiếm lời. Nguy hiểm hơn, một số siêu thị còn sửa chữa hạn sử dụng hoặc cố tình bán các sản phẩm”hết đát” cho người tiêu dùng. Điều này đã xảy ra tại các siêu thị nổi tiếng ở Hà Nội như Big C, Hapro…

Mặt hàng rượu ngoại bị làm giả rất nhiều. Một cán bộ quản lí thị trường nhận định, không loại trừ nó có bán trong siêu thị vì với công nghệ in ấn bây giờ, việc làm giả tem rượu nhập ngoại không phải là chuyện quá khó. Nên năm nào các cơ quan chức năng cũng phát hiện và bắt giữ hàng trăm chai rượu “tây Việt Nam”.

Đa số các “chuyên gia” rượu rởm đều sản xuất rượu tây bằng rượu gạo, cao cấp hơn là rượu vodka pha với phẩm màu và một phần nhỏ rượu ngoại… Mặc dù chất lượng “tả pí lù” như vậy nhưng không thấy mấy ai kêu đã uống phải rượu rởm vì có nhiều người không biết thế nào là rượu xịn. Gần đây, một số đối tượng còn tinh vi dùng xi lanh hút rượu xịn (khoảng 1/2 chai) ra rồi bơm rượu “cuốc lủi” vào…

Việc tăng cường kiểm tra, kiểm tra thường xuyên những khu vực bán nhiều mặt hàng phục vụ tết của các cơ quan chức năng là rất quan trọng trong việc hạn chế hàng rởm, hàng kém phẩm chất.

Để việc kiểm tra này thật sự có chất lượng, các cơ quan chức năng như y tế, quản lý thị trường… cần kiểm soát chặt những đầu mối sản xuất, đóng gói hàng tết để ngăn chặn, xử lý nghiêm sai phạm từ gốc. Nếu chỉ kiểm tra các cửa hàng bán lẻ thì dù có được bổ sung lực lượng gấp vài chục lần hiện nay cũng vẫn không đủ người để thực hiện nhiệm vụ.

Theo PLXH
Chia sẻ