Gửi con ở đâu khi trường mầm non là ổ dịch tiềm ẩn?

,
Chia sẻ

Cha mẹ "trăm sự nhờ vào cả... trường mầm non" vậy mà đó lại là nơi cảnh báo dễ trở thành ổ dịch bệnh tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, sởi, rubela... với trẻ.

Môi trường ô nhiễm, bảo mẫu thiếu kỹ năng

Trường mầm non (MN) H.C. (đường Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú, TP.HCM) nằm sát bên cổng phụ của chợ Phường 18, Q.Tân Bình cũ. Nơi đây có nhiều điểm buôn bán, giết mổ gia cầm, gia súc... nên hàng ngày thầy và trò của trường đều phải "sống chung" với ô nhiễm: từ mùi phân, mùi rác đến các mùi xú uế ở chợ "sộc" vào.

Gọi là "trường" nhưng thực chất cơ sở này chỉ là một ngôi nhà cấp bốn không hơn không kém. Sàn nhà, nơi các bé lăn lê bò toài, trông rất bẩn, nền gạch xỉn màu. Sân chơi, nơi những bé lớn chơi xích đu, cưỡi ngựa... thì đầy rác rưởi, giấy lộn. Điều kiện vệ sinh và cơ sở vật chất như vậy, nhưng tất cả trẻ ở đây đều được phép nằm lăn ra sàn nhà, tự do ra vào sân không cần mang giày dép; đồ chơi của các bé cũng vứt lăn lóc khắp các xó xỉnh.

Trường mầm non H.H.H (Q.Tân Phú) nằm cạnh mặt đường Lê Cao Lang - Văn Cao, bên dưới lại bán trà sữa trân châu nên các trẻ ngóng ra đường, hít phải rất nhiều bụi

Quan sát vào thời điểm cho uống sữa ở trường MN tư thục H.M. (Q.Tân Phú, TP.HCM), chúng tôi thấy bảo mẫu bê một nồi sữa khoảng năm lít đặt ngay trước cửa lớp. Sau đó, cô dùng một cái ly lớn và vục tay vào múc sữa ra các ly nhỏ cho trẻ uống. Thậm chí, nồi sữa cứ "đầu trần" mà không cần che đậy, được cô bảo mẫu dịch chuyển hết cửa phòng học này đến cửa phòng học khác.

Vào giờ chơi của trường mầm non B.N. (Q.3), chúng tôi thấy các bé khoảng ba tuổi đang tranh nhau cướp đồ chơi. Các loại đồ chơi được "chuyền" từ miệng bé này sang bé khác mà cô bảo mẫu "vô tư” không hề quan tâm... Tình trạng để cho các trẻ chơi chung đồ chơi và ngậm đồ chơi thường diễn ra khá phổ biến ở các trường MN. Tại một trường MN ở quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh, TP.HCM), chỉ một con chó nhựa nhỏ nhưng hết bé này giật ngậm đến bé khác ngậm; còn tại trường MN B.S. (Q.Thủ Đức) thì hàng loạt đồ chơi được bày ra sàn nhà, các bé chơi chán, ngậm chán thì vứt xuống và bé khác tiếp tục chơi, rồi đưa lên miệng ngậm.

Không hiểu vì thiếu kiến thức nuôi dạy trẻ hay vì làm cho xong việc, một số bảo mẫu cứ "vô tư” cho các bé dùng chung các dụng cụ sinh hoạt cá nhân. Chị Nguyễn Thị Trà My (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM), bức xúc: "Rất nhiều lần tôi chứng kiến các cô ở trường MN H. chùi nước mũi cho bé này đến bé khác chỉ bằng một chiếc khăn".

Dễ thành ổ dịch!

Khảo sát trên 15 trường MN ở các quận 1, 3, 6, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức cho thấy,
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: Hiện nay, TP có hơn 1.000 trường MN nhưng chỉ mới có khoảng 100 trường có cán bộ phụ trách y tế. Khối tiểu học, THCS và THPT cũng đang rất thiếu cán bộ y tế học đường. Các trường MN bắt buộc phải có nơi để cách ly trẻ bệnh. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế, kiểm tra điều kiện phòng chống dịch bệnh ở các trường MN để kịp thời chấn chỉnh.
các trường này đều không có cán bộ phụ trách y tế, thiếu phòng để cách ly trẻ bệnh. Đã vậy, do công việc quá nhiều, các cô bảo mẫu lại thiếu kiến thức về vệ sinh nên trường MN rất dễ trở thành ổ dịch.

BS Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM,  thừa nhận nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các trường MN rất cao, việc vệ sinh cá nhân cho các bé chưa được đảm bảo.

BS Nghiệm cảnh báo, các trường MN dễ trở thành ổ dịch với các dịch bệnh tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy, sởi, rubela. Mới đây, tại một vài trường MN của Q.Thủ Đức cũng đã xuất hiện dịch bệnh sởi nhưng may mắn đã được ngăn chặn kịp thời. Vừa qua, Sở Y tế đã cấp 10 tấn cloramin cho Sở GD-ĐT để phân phát cho các trường, trong đó chú trọng đến trường MN và yêu cầu nhà trường phải vệ sinh hàng ngày. Đối với các loại đồ chơi, tùy vào loại mà rửa, phơi nắng... Ngành y tế đã tập huấn cho các trường về y học thường thức, nhưng trên thực tế, một số cơ sở dạy trẻ MN vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế.

Theo Nhật Phương
PNO
Chia sẻ