Gặp “quái nhân” cao 2 mét tại Quảng Bình

,
Chia sẻ

Với chiều cao 2m, nặng 80kg, ông Nguyễn Văn Chính (SN 1955, trú thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được dân làng xem như một “quái nhân” vì thân hình quá khổ. Ông cũng là một trong những người cao nhất Việt Nam hiện đang còn sống.

Không xin được việc vì “khổng lồ”

Trong căn nhà không mấy khá giả, ông Chính sống cùng vợ trong điều kiện khá khó khăn. Gặp ông, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hình ảnh ông đứng thẳng sẽ ngang bằng với… cánh cửa ngôi nhà. Bàn chân và tay ông Chính to gấp đôi người thường, dáng đi vất vả, khó khăn. Vẻ mặt buồn buồn, ông kể về cuộc đời mình với nhiều trắc trở, một phần cũng vì thân hình quá khổ. Khi mới sinh ra ông cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Học xong phổ thông, năm 1972, ông vào học trường cơ điện tại Đồng Hới. Thế nhưng, cuộc đời ông đã thay đổi hoàn toàn từ năm 1975, khi ông tròn 20 tuổi.

“Lúc chuẩn bị tốt nghiệp trường cơ điện, một căn bệnh lạ ập đến khiến thân hình tôi đột nhiên cao lớn vùn vụt một cách bất thường khiến mọi người ai cũng khiếp sợ. Cuộc sống của tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Các vật dụng của tôi như áo quần, giày dép, giường ngủ… đều phải tự may hoặc chế lại cho phù hợp với kích cỡ vì không ai bán cả. Khi đó, tôi thật sự hoảng loạn với bản thân mình”, ông Chính buồn bã nói. Thế là trong vòng hơn 1 năm, ông Chính từ một người thanh niên bình thường đã trở thành “người khổng lồ” khi chiều cao đạt mức… 2m.

Và rồi, thật trớ trêu khi chỉ vì có thân hình quá cỡ dị thường mà không có cơ quan nào nhận ông vào làm vì… sợ. Ông kể, có đơn vị khi thấy bằng tốt nghiệp và hồ sơ đã nhận ông làm việc ngay, nhưng khi gặp trực tiếp thì họ lại… từ chối thẳng thừng vì… choáng. Trong khi bạn bè học cùng lớp ở trường cơ điện phần lớn đều có việc làm sau khi tốt nghiệp, ông đành lủi thủi về quê nghèo Pháp Kệ mưu sinh. Thấy ông như vậy, người dân trong làng đều nhìn với con mắt lạ lẫm, thậm chí trêu chọc làm ông ngại không muốn ra khỏi nhà.

Có mình ông là con trai duy nhất nên gia đình đã chạy vạy khắp nơi, đưa ông đến các bệnh viện thăm khám, nhưng các bác sĩ đều “bó tay” trước căn bệnh thừa hoócmôn tăng trưởng này. Không xin được việc, lại tự ti với thân hình quá khổ, ông đành kiếm sống bằng việc gánh gạch thuê cho lò gạch ở gần nhà. Sau khi lò gạch giải thể, ông dựa vào mấy sào ruộng của gia đình để sinh sống cho đến ngày nay. Gia đình ông sống được cũng nhờ một phần “trợ cấp tàn tật” hằng tháng của ông.

Gặp “quái nhân” cao 2 mét tại Quảng Bình 1
Bàn tay ông Chính (bên phải) to gấp đôi tay người bình thường.

Tình yêu của “người khổng lồ”

Có lẽ, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của ông là lấy được người yêu thương mình một cách thật lòng. Nói đến chuyện tình yêu của mình, ánh mắt ông sáng lên niềm tự hào khi nhìn vợ là bà Nguyễn Thị Hạnh.

Ông nhớ lại, thời mới về lại làng, bố mẹ ông đã tìm mọi cách để “kiếm vợ" cho thằng con trai độc nhất nhưng không có cô gái nào “dũng cảm” đáp lại tình yêu khi nhìn thân hình “khổng lồ” của ông. Nhiều lúc, ông đã có ý định “từ bỏ cuộc đời” vì số phận quá bi đát. Nhưng vì thương bố mẹ, ông gắng gượng và luôn mong mỏi có một gia đình như bao người khác. Thế rồi, cuộc đời ông một lần nữa lại thay đổi khi vào năm 1980, lúc ông vừa tròn 25 tuổi, một người con gái cùng tuổi ở làng bên đã đem lòng yêu ông. Rồi họ thành chồng thành vợ, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi cho đến ngày nay.

Bà Hạnh kể: “Tui được người quen giới thiệu và họ cũng nói về thân hình quá khổ của ông. Nói thật, khi gặp trực tiếp tui cũng thật sự bất ngờ vì thân hình ông to lớn quá. Nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, tui đã bị “chinh phục” bởi bản tính thật thà, mộc mạc của ông và sau đó đã đồng ý về làm vợ”. Bà Hạnh kể vui: “Ngày đám cưới, dân làng thấy chú rể như người khổng lồ bên cô dâu nhỏ bé, cao chưa đến nách, ai cũng cười, làm xôn xao cả một làng quê”.

Thế nhưng dần dần, sự chân thành, mộc mạc và sự vun đắp tình yêu của hai người đã vượt qua tất cả, xóa tan hết mọi điều tiếng của dư luận. Do không có con, nên ông bà đã xin một người con nuôi và gia đình sống êm ấm, hạnh phúc đến ngày hôm nay. Hiện người con gái đã đi lấy chồng, ông bà sống cùng bố mẹ nay đã ngoài 90 tuổi. Cuộc sống dẫu còn nhiều thiếu thốn vì gia đình ông là một trong những gia đình được xếp vào diện “hộ nghèo” của xã, nhưng chưa bao giờ hàng xóm thấy ông bà nặng lời mà luôn đùm bọc, sẻ chia với nhau những khó khăn trong cuộc sống.

Theo thống kê, trên thế giới có nhiều người đàn ông mắc chứng bệnh “người khổng lồ” do liên quan đến tuyến yên. Người cao nhất thế giới được ghi nhận là anh Sultan Kosen (SN 1982, người Thổ Nhĩ Kỳ) có chiều cao 2,51m. Tại Việt Nam, người mắc “bệnh khổng lồ” đầu tiên được ghi nhận vào năm 1960 có chiều cao 2,03m. Nhưng người cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm này là ông Trần Thành Phố (SN 1947), cao 2,3m, đã qua đời vào năm 2010.

Chia sẻ