Tình cha con đẹp tuyệt giữa doanh nhân trẻ và cô con gái nuôi có HIV

Nhã Đan, ảnh: Virginie Bourque,
Chia sẻ

Cường Vũ nói, người mẹ mang bầu 9 tháng thì anh đi xin con mất những 2 năm trời.

Cường Vũ trong mắt nhiều người là 1 người cha trẻ tuổi có tấm lòng cao cả khi nhận nuôi một bé gái có HIV mặc cho những lời dị nghị của người thân và những người xung quanh.

Anh độc thân và sống với cô con gái nuôi trong căn hộ của mình tại một khu đô thị mới ở Hà Nội. Khi thấy hai cha con chơi đùa, âu yếm nhau, nhiều người tưởng họ là cha con ruột.

Thành đạt bởi đam mê công việc và trân trọng cuộc sống

Cường Vũ – sinh năm 1984, ngoài nói tiếng Anh cực đỉnh, anh còn nói tốt tiếng Thuỵ Điển. Hiện anh đang là một doanh nhân thành đạt. Anh quản lý một công ty chuyên tư vấn phát triển kinh doanh. Với lợi nhuận từ công ty, anh cũng sáng lập ra một quỹ dành riêng cho các hoạt động phát triển đặc biệt với trẻ em có HIV và nhóm người người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Trong con mắt của nhiều người, Cường Vũ là một người đàn ông đặc biệt. Anh đặc biệt bởi suy nghĩ và tính cách độc lập, sự quyết tâm nói là làm của mình. 

18 tuổi, anh đã bắt đầu tự lập trong cuộc sống, chịu trách nhiệm trước những hành động của mình. 20 tuổi, anh xách vali lên, cộng với khát khao, lý tưởng sống của mình sang Thụy Điển du học. Ngành học mà anh theo là Quan hệ quốc tế và nhân Quyền nhưng với anh, nghề nghiệp là duyên số, anh đến với kinh doanh ngay sau khi về Việt Nam. 

Đối với chàng trai này, nhiệt huyết chính là chìa khóa thành công để vượt qua được bản thân mình. Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh có thiên hướng tham gia các hoạt động xã hội để trao đổi kiến thức, thử thách bản thân chứ không tập trung quá vào việc học hành cũng như cố gắng đậu đại học. Nói về ước mơ, anh cho biết: “Ước mơ lớn nhất của tôi đó chính là làm tốt nhất được niềm đam mê cộng sở thích của mình”.

Tình cha con đẹp tuyệt giữa doanh nhân trẻ và cô con gái nuôi có HIV 1

"Tôi lựa chọn và tôi chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình"

Cường Vũ cũng là một cái tên gắn liền với hình ảnh về một người bố nhận một em bé có HIV làm con nuôi  được cộng đồng mạng hết sức chú ý. Nuôi một đứa trẻ mạnh khỏe cho thành nhân cũng đã vất vả, huống hồ lại là em bé mang trong mình một căn bệnh vẫn được coi là đại dịch thế kỷ. Nhìn bé Nhia xinh xắn, đáng yêu, hồng hào chẳng ai nghĩ bé dương tính với HIV.  

Anh bảo hành trình đi tìm con của anh cũng rất vất vả, khó khăn. Nếu người mẹ mang bầu 9 tháng thì anh đi xin con mất những 2 năm trời. Cường Vũ đã nung nấu mong muốn được làm cha ngay từ khi còn là sinh viên theo học trường đại học ở Thụy Điển.

Trước đó, mọi người luôn luôn nói với anh rằng, muốn có con thì phải có vợ tuy nhiên sau khi gặp những người bạn đi trước cũng như ra quyết định từ chính mình, anh lại đặt câu hỏi: “Tại sao muốn có con lại phải có vợ ?" "Nhận con nuôi, sống độc thân là một khả năng không nên loại bỏ?”  Trong suy nghĩ của anh, trẻ em là một khái niệm chung chỉ những con người trong độ tuổi dưới 16, chứ anh không hề phân biệt con mình, con anh, hoặc con mắc bệnh này bệnh nọ.

Tình cha con đẹp tuyệt giữa doanh nhân trẻ và cô con gái nuôi có HIV 2

Về nước, anh dành thời gian tìm hiểu, đi qua nhiều trung tâm bảo trợ xã hội. Với vẻ ngoài bùi bụi, lại độc thân, anh gặp phải khá nhiều khó khăn trong thủ tục. Đi đâu người ta cũng đặt câu hỏi: “Tại sao một người đàn ông độc thân, đầy hình xăm trên tay lại quyết định xin con nuôi?”

Anh tâm sự, để người khác hiểu được suy nghĩ, tình yêu thương, khát khao của mình quả thật không hề dễ dàng. Nhưng rồi hi vọng mở ra khi anh tìm tới trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).

Từ đó, cứ hàng tháng vài ngày, anh lại bay vào miền Nam thăm và gặp gỡ các bé. Lúc đầu, Nhia được biết đến là một trong những cô bé vẫn có gia đình, nhưng một dịp tình cờ nói chuyện với các mẹ đang chăm bé, anh được biết Nhia chưa có gia đình, không còn người nhà.

Ngay lúc đó, anh tìm lại hồ sơ và được biết đúng là bé chưa có gia đình nào nhận nuôi. Đọc văn bản tường trình, tim anh dường như có ai bóp nghẹt khi anh biết, hình ảnh bé trong con mắt của các mẹ lúc bấy giờ đó là một cô bé 2 tuổi gầy ốm, bị ai đó xua vào trại trẻ, bé cứ ngồi khóc mếu máo suốt…

Suốt 2 năm với ý định xin con ròng rã, trong đó một năm anh bỏ bê việc kinh doanh để làm việc với mức lương rất thấp cho Khoa Truyền Nhiễm tại 1 bệnh viện lớn ở Hà Nội, Cường Vũ đọc rất nhiều tài liệu về HIV, về cách chăm sóc con, tâm sinh lý của trẻ.

Anh lại có rất nhiều người bạn là bác sĩ chuyên khoa về HIV nên anh càng có cơ hội tìm hiểu được kỹ hơn về bệnh này. Nhia là cái tên ở nhà của bé Vũ Lê Nhi. Và đó cũng là cái tên anh đặt, anh Cường nhớ lại, lúc nhìn vào giấy khai sinh của bé, anh thấy thương cảm vô cùng vì ngoài cái tên Nhi chẳng còn bất cứ một thông tin nào khác. 

Cuộc sống mới của hai ba con

1 ngày của hai ba con anh rất đơn giản. 7 giờ hai bố con ngủ dậy, cùng nhau nấu đồ ăn sáng, 8 giờ anh đưa bé tới trường, anh làm việc tới 5 giờ chiều về đón con. Hai ba con lại cùng nhau đi chợ, chế biến đồ ăn. Anh kèm con học bài, nếu còn sớm thì hai ba con xem tivi, rồi Nhia đi ngủ lúc 10 giờ. Anh làm việc đến 12 giờ rồi đi ngủ. 

Trước khi có Nhia, anh suốt ngày bận rộn với công việc và công việc, thi thoảng lại tụ tập bạn bè. Nhưng giờ, dù bận tới đâu, anh luôn dành thời gian cho con gái. Anh không muốn thuê giúp việc bởi anh muốn con phải học tính độc lập như kiểu ăn xong biết xếp bát sau khi ba rửa, ba dọn nhà, con quét nhà. 

Tình cha con đẹp tuyệt giữa doanh nhân trẻ và cô con gái nuôi có HIV 3

Anh bảo: "Mình thay đổi cũng khá nhiều nhưng mình lựa chọn sự thay đổi này". 2 năm học hỏi kiến thức làm bố, 2 năm học hỏi cách chăm sóc con từ nhiều người mẹ, từng là phụ bếp trong khách sạn 5 sao của Thụy Điển, anh tự tin mình có thể là một ông bố và cũng là  một bà mẹ tốt 

Anh nhớ lại, lần đầu bé về với anh, chính thức trở thành thành viên trong gia đình, sự hòa nhập của bé với cuộc sống mới, người ba mới không quá khó khăn bởi trước đó, hai ba con đã có dịp tìm hiểu, gặp gỡ nhau gần 1 năm trời. Thời gian đầu chủ yếu bé chỉ bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường.

Trước đang quen sống tập thể, sinh hoạt cùng hơn 30 bé khác, nay sống trong ngôi nhà mới, có ba mới, phòng mới, cuộc sống mới, ban đầu bé cũng thấy lạ và sợ, đặc biệt là khi tiếp xúc với xã hội, bạn bè mới. Tuy nhiên, nhờ giúp đỡ của nhiều người, khả năng thích ứng của bé rất tốt và bé đã có những tiến bộ xã hội vượt bậc. 

Tình cha con đẹp tuyệt giữa doanh nhân trẻ và cô con gái nuôi có HIV 4

Anh tâm sự, thời này, làm cha mẹ đơn thuần thì không đủ, muốn con cái phát triển tốt thì cha mẹ nên làm bạn với con cái mình nữa. Điều này có nghĩa là ngoài việc xây dựng một môi trường vật chất tốt nhất cho con, việc dành thời gian tâm sự, chia sẻ khó khăn của chính mình cũng như lắng nghe, ghi nhận nỗi sợ hãi của con mình, qua đó biết được nỗi ám ảnh của mình là rất cần thiết. Nếu biết con cái sợ hãi gì, điều tốt nhất không phải là bao bọc, che chở như trước mà nên cùng trải nghiệm và cùng tìm ra cách giải quyết với con cái mình.

Có lần, biết Nhia sợ bị lạc, anh đã chủ động trốn Nhia một lúc tại một khu mua sắm nhìn Nhia khóc lóc và cầu cứu mọi người. Trong lòng, anh cũng rất lo, tuy nhiên sau khi gặp trở lại, anh giải thích rõ cho con việc cần thiết là nhớ số điện thoại của ba, nhớ địa chỉ nhà của mình. Kết quả là hiện tại Nhia thoải mái tìm về nhà nếu bị lạc và có thể tự tin khám phá khu đô thị mà gia đình đang sống mà không lo lạc đường.

Theo anh, việc cùng vượt qua sợ hãi, khó khăn là rất cần thiết trong quá trình phát triển của các bé "cần sự trợ giúp đặc biệt" như Nhia, những kỹ năng này rất quan trọng tại Việt Nam trong hoàn cảnh nhận thức về bệnh lý cũng như kỳ thị, phân biệt xã hội từ gia đình, trường học và xã hội với Nhia còn rất cao, trên một khía cạnh nào đó chưa có tiến triển gì.

Tình cha con đẹp tuyệt giữa doanh nhân trẻ và cô con gái nuôi có HIV 5

Ngoài việc mang trong mình một căn bệnh, Nhia hoàn toàn là một cô bé bình thường, ngoan ngoãn, hiếu động, thông minh, và được chăm sóc rất kỹ. Với bé khác khám sức khỏe một năm hai lần thì Nhia cần một tháng khám một lần. Anh luôn tạo điều kiện cho con tự chăm sóc chính mình, uống thuốc đúng giờ, ăn ngủ đúng bữa.

Anh bảo, bé có thể quên điều gì khác, nhưng không bao giờ được xao lãng việc uống thuốc đúng giờ vào sáng và tối. Bên cạnh việc uống thuốc đúng giờ, ăn đồ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, anh chú ý tới việc tập thể dục vận động, phát triển tinh thần và đặc biệt nuôi dưỡng sở thích của con … cùng con nhằm bảo đảm sức khỏe tốt nhất cũng như xây đắp đam mê của mình thành xây đắp đam mê của con.

 Đó là lý do tại sao Nhia khỏe mạnh, không ốm đau và rất hạnh phúc. Mới 6 tuổi nhưng anh luôn luôn giúp con cố gắng giải quyết vấn đề xảy ra. Đặc biệt, anh kể, "Một lần Nhia hỏi ba: “Ba à, sao ngày nào con cũng phải uống thuốc trong khi các bạn cùng lớp thì không?”

Mình bảo: “À, đơn giản là vì con uống thuốc như các bạn uống sữa thôi, nếu con uống thuốc đều, các bạn uống sữa đều, không ai đi bệnh viện gặp bác sĩ cả, không bạn nào muốn đi gặp bác sĩ đúng không?"

Rồi có lúc bé hỏi: “Tại sao con không có mẹ hả ba?”

Mình bảo: “Có những gia đình có một ba một mẹ, có gia đình lại có hai mẹ, có gia đình có hai ba, có gia đình chỉ có một người ba và cũng có gia đình chỉ có 1 người mẹ, không ai giống ai con ạ”.

Sau khi nói vậy, dường như con bé con cũng tạm thời chấp nhận và không thắc mắc thêm”.

Tình cha con đẹp tuyệt giữa doanh nhân trẻ và cô con gái nuôi có HIV 6

Đã có thời điểm anh muốn giấu cả thế giới này về việc em bé dương tính với HIV bởi anh thấy xót xa khi nhiều người không dám sờ vào tay bé, người ta nhìn bé bằng ánh mắt sợ hãi, thương hại, nhiều người sợ con họ lây bệnh của bé.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, anh lại cho rằng không nên giấu, giấu giếm quả là mệt mỏi, phải bịa đặt ra hàng loạt câu chuyện và điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mình, mà ba không khỏe thì Nhia sao có thể khỏe được. 

Khi được hỏi anh có sợ rằng bé Nhia không được nhận vào bất cứ trường lớp nào sau khi bị đình chỉ học không có lý do tại trường mẫu giáo song ngữ Nhia đã theo học. Anh nói, "Sợ thì có sợ nhưng chắc 10 phút là hết à, sau đó là nhận thức vỡ ra làm cho mình cảm thấy may mắn".

Thay vì kích thích học sinh tìm tòi, học hỏi và trân trọng sự đa dạng, khác biệt của nhau mà giáo dục cho học sinh sợ sệt, xa lánh, kì thị nhau thì chắc mình cũng nên tránh xa mấy trung tâm giáo dục đó. Trách nhiệm thuộc về họ - những người làm giáo dục.

Anh Cường cũng không ngần ngại nói về việc nếu bố mẹ đẻ của Nhia có đến tìm và "đòi" bé về: "Nếu thực sự họ yêu Nhia và chứng minh được tất cả các yếu tố như khi mình phải chứng minh với pháp luật khi nhận nuôi Nhia, tôi sẽ dành sự lựa chọn cho Nhia, tôi tôn trọng bé. Tôi sẽ tạo điều kiện cho họ hòa nhập với con, sẽ làm mọi điều miễn sao bé thấy hạnh phúc".

Cuối cùng, anh muốn gửi thông điệp đến các phụ huynh khác, em bé nên nhìn là em bé chứ không nên nhìn nhận vấn đề là em bé có HIV hoặc các bệnh tâm lý, xã hội khác. Nhắc đến HIV là mọi người nghĩ ngay tới đầu lâu xương chéo, điều đó có thể đúng khoảng 15 năm trước.

Bây giờ là thời đại thông tin, internet, nếu là phụ huynh, vì định kiến, tự ý thức lựa chọn việc không cập nhật, học hỏi các kiến thức phát triển khoa học, xã hội thì không nên giao phó cho các cơ sở giáo dục, hoặc bắt ép con cái mình theo học các phương pháp giáo dục cập nhật này qua Tiếng Anh, Tiếng Pháp v.v.

"Tự mình là phụ huynh thì nên là gương học tập cho con mình, chứ tự bắt ép hoặc giao phó cho các trung tâm, trường học kém chất lượng này thì chỉ tội nghiệp cho các em thôi...", Anh Cường có nhấn mạnh thêm.
Chia sẻ