Gần 40 năm nuôi 3 con điên dại

,
Chia sẻ

Gần 40 năm tần tảo nuôi con, giờ hai vợ chồng sắp sức cùng lực kiệt, nhưng vẫn phải đầu tắt mặt tối, tằn tiện từng đồng để chữa bệnh cho 4 đứa con điên dại

Gần 40 năm tần tảo nuôi con, giờ hai vợ chồng sắp sức cùng lực kiệt, nhưng vẫn phải đầu tắt mặt tối, tằn tiện từng đồng để chữa bệnh cho 4 đứa con điên dại.

Vợ chồng ông Truyền với 3 người con điên dại. (Ảnh: TG)
 
Nỗi đau hết mức chịu đựng

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Truyền, 74 tuổi, vợ  Đinh Thị Định, 70 tuổi, ở xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, trong căn nhà tình thương do xã xây dựng. Đập vào mắt chúng tôi là căn phòng trống huơ trống hoác, không có vật dụng gì đáng giá. Giữa nhà là cái bàn tiếp khách với vài chiếc ghế cũ kỹ sắp mục nát. Dưới bàn la liệt mảnh bát vỡ mà thủ phạm là những đứa con không bình thường.

Khi chúng tôi đến, bà Định đang đi chợ bán những con ốc, con cua tối hôm  trước vừa mò được. Chỉ có ông Truyền và 3 đứa con ở nhà. Ông Truyền cho biết, ông từng chiến đấu ở phía Nam năm 1958, gần 10 năm sau thì phục viên. Về quê lấy vợ, sinh con. Nhưng những năm chiến đấu khốc liệt ở chiến trường, ông không may nhiễm chất độc da cam. Và để lại di chứng đến hôm nay, những đứa con ông bà sinh ra đều điên dại.

Ông nói: “Đứa đầu sinh năm 1969, là con gái. Vợ chồng tôi đặt tên là Nguyễn Thị Hoà. Lúc ra đời, Hoà rất bụ bẫm, xinh xắn, nhưng đến khi lên 8 tuổi, thân hình, chân tay tự nhiên teo tóp lại, trí não phát triển không bình thường”.

Hai vợ chồng cắn răng chịu đau đớn, cứ nghĩ là số phận đứa con đầu không may mắn, còn hy vọng vào những lần sinh sau. Nhưng rồi 3 đứa con nối tiếp nhau ra đời thì nỗi đau thương dường như đã hết sức chịu đựng. Hết Nguyễn Văn Bình (SN 1972) đến Nguyễn Thị Mài (SN1974), Nguyễn Thị Mại (SN 1977) đều điên điên, dại dại.

“Nhiều lần muốn chết cho xong”

Nhìn những đứa con đều đã ngoài 30 tuổi trên giường đang cười sằng sặc, giật tóc ú ớ kêu la, ông Truyền lắc đầu buồn bã nói trong nước mắt: “Cả mấy đứa có tuổi nhưng không có trí khôn điên điên, dại dại phá phách suốt ngày”.

Ông Truyền kể lại: “Cũng như Hoà, thằng Bình sinh ra trông rất khôi ngô tuấn tú. Rồi con Mài, con Mại nữa, đứa nào cũng trắng trẻo, xinh đẹp cả, nhưng khi lên 7 tuổi tất cả đều phát điên. Ngày xưa, hàng xóm dị nghị, nói chúng tôi ăn ở thất đức nên mới như vậy. Vợ chồng tôi đã có lúc nghĩ quẩn, muốn chết đi cho xong, nhưng nhìn các con như thế, chúng tôi không nỡ bỏ chúng ở lại trên đời”.

Mặc dù không bình thường, nhưng khi các con lớn lên, ông bà đều xin cho chúng đi học. Nhưng đến lớp, những đứa trẻ ngây ngô cứ la hét, đập phá đồ đạc, khiến nhà trường phải trả về cho gia đình. Càng lớn, bệnh của chúng càng nặng. Nuôi mấy miệng ăn trong nhà đã khó khăn, giờ lại lo tiền thuốc thang cho những đứa con điên dại khiến ông bà kiệt sức. Làm ruộng chỉ đủ ăn, để có tiền chữa bệnh, ông Truyền phải làm đủ thứ việc, còn bà Định ban đêm phải đi mò cua bắt ốc, sáng ra chợ bán kiếm thêm tiền thuốc thang cho các con.

Con đau ốm, tiền thuốc men không đủ nên cách đây 3 năm, đứa con gái đầu lòng đã qua đời. Ông Truyền nhớ lại: “Trước lúc chết, nhìn con đau vật vã, la hét tôi cũng muốn chết theo. Nó đi mà chẳng có gì ăn, đau mà chẳng có thuốc uống, tôi đau lắm!”.

Chúng tôi ngồi một lát thì bà Định đi chợ về. Bước vào nhà, một tay cầm rổ, một tay cầm tờ 10.000 đồng ướt sũng nước, bà nói đó là thành quả lao động cả đêm vất vả dầm nước mò cua bắt ốc. Bà Định cho biết, sức khoẻ của cả hai ngày càng yếu, ăn uống không được. Đặc biệt, những vết thương cũ của ông Truyền thường tái phát, nhiều khi phải nằm một chỗ.

 “Ông ấy tiết kiệm lắm, tôi mua thuốc ông không cho, bảo là dành tiền cho con. Từ ngày con Hoà mất, ông ấy đau ốm suốt, nghĩ ngợi nhiều. Hai vợ chồng già chúng tôi nuôi một đàn con lớn điên dại, chỉ thương chúng nó, nhỡ khi mình nằm xuống, các con sẽ bơ vơ”.

Theo Gia đình

Chia sẻ