"Cuộc sống cứ đưa tôi leo lên một con thuyền rồi đẩy tôi ra khơi"

Lê Minh ,
Chia sẻ

Đó là lời tâm sự của người phụ nữ ba con vốn chỉ mong muốn thong dong đi uống cafe với bạn bè, cuối tuần mang con đi tắm biển nhưng lại có "cơ duyên" trở thành Giám đốc của một công ty có tới 50 nhân viên - chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết.


Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tuyết

Sinh năm 1981

Giám đốc công ty công nghệ sinh học, chuyên sản xuất rau củ quả nhiệt đới theo tiêu chuẩn Global GAP, 

và nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ cây cỏ Việt Nam

“Tôi đọc đâu đó rằng nếu muốn hạnh phúc thì phải biết trân trọng mình. Mình muốn con mình hạnh phúc thì trước tiên mình phải hạnh phúc. Vì thế tôi luôn tìm cách để cuộc sống của mình cân bằng và có thời gian riêng cho bản thân”.

Nữ thạc sĩ khổ với trái khổ qua

Tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học, trở thành thạc sĩ ngành Di truyền với những đề tài liên quan đến tai mũi họng, nhưng khổ qua mới chính là “mối duyên nợ” của Nguyễn Thị Ngọc Tuyết.“Chồng tôi làm về lai tạo giống khổ qua nên lúc nào hai vợ chồng cũng trò chuyện về khổ qua. Hồi tôi làm đề tài thạc sĩ bên ĐH Y Dược gặp cô bé cùng phòng cũng làm đề tài về khổ qua. Qua trò chuyện, tôi biết khổ qua có nhiều tác dụng đối với sức khỏe bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, giải độc gan hay ngừa ung thư… đều đã có các công trình nghiên cứu khoa học thế giới chứng minh. Từ đó trong đầu tôi đã ấp ủ những ý tưởng nghiên cứu về khổ qua”, Tuyết tâm sự.


Cuộc sống đi đâu cũng "đụng" khổ qua là tiền đề để những dự án về khổ qua của Tuyết ra đời (Ảnh: FBNV) 

Dự án đầu tiên về khổ qua của Tuyết ra đời: rượu khổ qua. Ý tưởng thành công, rượu khổ qua làm ra ngon nhưng sản phẩm không ổn định nên đến nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tại công ty. Thế nhưng chính trong thời gian mày mò tìm tài liệu liên quan đến khổ qua, Tuyết đã vô tình tìm được những bài báo khoa học nói về hàm lượng Charantin, một chất ổn định đường huyết, trong lá cao hơn gấp 3 lần trong trái khổ qua. “Phát hiện này với tôi rất có ý nghĩa vì đa số các sản phẩm khổ qua trên thị trường hiện tại đều làm từ trái khổ qua. Sản phẩm khổ qua từ trái và hạt có một số chất không tốt cho người dùng, nhất là người bị tiểu đường. Tôi nghĩ nếu mình phát triển một sản phẩm từ lá khổ qua sẽ loại bỏ hết những hợp chất không tốt cho cơ thể mà lại làm tăng hiệu quả chữa bệnh tiểu đường”,Tuyết chia sẻ.

Thế là dự án nghiên cứu trà khổ qua ra đời. Những ngày đầu tiên chưa có kinh nghiệm, Tuyết cứ đơn giản đem phơi, sấy lá khổ qua rồi pha nước sôi vào uống. Mẻ sản phẩm đầu tiên đắng không thể uống nổi. Tuyết lại bắt đầu lao vào tìm tài liệu, mua hàng chục mẫu trà khổ qua trên thị trường về nghiên cứu. Trải qua biết bao nhiêu thí nghiệm, nhiều lần từng nhăn mặt, vò đầu bứt tóc vì mùi vị trà vẫn chưa ưng ý, đến tháng 11/2013, sau hơn một năm ròng rã nghiên cứu, Tuyết và ê-kip nghiên cứu đã tìm ra một công thức kết hợp hoàn hảo giữa lá khổ qua, bạc hà và cỏ ngọt.


Ròng rã suốt hơn một năm mày mò nghiên cứu. làm thí nghiệm, cuối cùng Tuyết và ê-kip nghiên cứu đã tìm ra một công thức kết hợp hoàn hảo giữa lá khổ qua, bạc hà và cỏ ngọt. (Ảnh: NVCC)

“Vị trà khá ngon, có vị ngọt, vị đắng, thơm mùi bạc hà, uống vào rất sảng khoái và dễ chịu”,Tuyết hào hứng kể. Chị cho biết thêm, mình là người khó tính nhất trong cả ê kip làm việc nhưng cuối cùng đã chấp nhận vị trà mẫu này và đã quyết định thử nghiệm trên diện rộng.

Tận dụng lượng khách hàng có sẵn từ việc bán rau sạch trên Facebook, mỗi khi giao hàng, Tuyết đều tặng kèm một, hai gói trà mẫu để khách hàng uống thử. Cứ thế Tuyết đem tặng 20.000 gói trà mẫu rồi nhận phản hồi từ khách hàng. Đa phần khách uống trà khổ qua của Tuyết đều khen ngon, nhiều người cho biết, uống trà ngủ ngon, hạ đường huyết, tinh thần sảng khoái. Thời điểm ấy sản phẩm trà khổ qua của Tuyết chỉ mới là hàng mẫu, chưa có bao bì, chưa có cả tên… nhưng lại mang trong mình những cơ hội phát triển rất lớn.

Đưa trà khổ qua ra thế giới

Từ sự ủng hộ của những người đầu tiên nếm trà và khen ngon, Tuyết tự tin quyết định sản xuất đại trà. Tuyết thiết kế bao bì, đăng ký nhãn hiệu và giấy phép kinh doanh. Thế nhưng khó khăn lại tiếp tục theo đuổi người phụ nữ 33 tuổi này khi toàn bộ ê-kip sản xuất đều không phải là dân kinh tế mà chỉ là những người chuyên nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Tuyết đau đầu với bài toán làm sao đưa sản phẩm ra thị trường.


Trà khổ qua tròn vị lại được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã bước đầu chinh phục những thị trường khó tính như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản… (Ảnh: NVCC)

Cơ duyên đến từ những đối tác người nước ngoài trong các dự án nghiên cứu của công ty Tuyết. Họ uống trà rồi nhận thấy đây là một sản phẩm tốt, và bắt đầu đặt vấn đề mua bán với cô. Thế rồi những thùng hàng đầu tiên đã xuất được sang những thị trường khó tính như Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản… Tháng 11/2014 là tháng Tuyết nhận được những đồng tiền đầu tiên từ trà khổ qua, với doanh thu hơn 100 triệu đồng. Tháng 12, việc kinh doanh thuận lợi hơn, doanh thu đã tăng gấp đôi và công ty bắt đầu có những đại lý phân phối sản phẩm trực tuyến. Nhiều người tiêu dùng trong nước đã biết đến trà khổ qua của Tuyết thông qua các kênh truyền thông trực tuyến.

Rất ngược đời, trà khổ qua của Tuyết được thế giới biết đến trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng Việt Nam, nhưng với Tuyết đó là một bước đi đã được lên kế hoach trước. “Trước đây tôi từng làm việc cho một công ty giống cây trồng của Mỹ, nơi sản xuất ra những sản phẩm hiện đại, có thể phục vụ cho NASA. Tôi và bạn bè hay thảo luận với nhau rằng chúng tôi cũng có thể làm được những sản phẩm như thế. Và thế là tôi bắt đầu cuộc chơi. Ngay từ khi mới bắt đầu thành lập công ty, tôi đã mong muốn làm ra những sản phẩm xuất khẩu ra thế giới. Thế nên, ngay khi có sản phẩm đầu tiên, chúng tôi đã đăng ký giấy chứng nhận GlobalGAP để có thể xuất khẩu ra thế giới”.

Nhìn vào những thành quả đạt được, Tuyết khiêm tốn tự nhận mình chỉ ở đang những bước đầu khởi nghiệp. “Đến thời điểm này, gần 4 năm sau khi công ty thành lập, trà khổ qua là sản phẩm đầu tay của chúng tôi và đã có thể xuất khẩu ra thế giới dù chỉ mới ở bước thăm dò thị trường. Tôi cho rằng mình đang đi đúng hướng ban đầu mình đã vạch ra”.

“Tôi là một phụ nữ ba con, mơ ước mở một quán cà phê và spa”

Dù là người đứng đầu một công ty với 50 nhân viên, là chủ nhân của hàng loạt ý tưởng nghiên cứu táo bạo, nhưng Tuyết tự nhận mình là một phụ nữ không có tham vọng.“Tốt nghiệp đại học xong, tôi lấy chồng và sinh con. Sinh xong đứa con thứ hai tôi quyết định nghỉ việc, ở nhà nuôi con và phụ giúp công việc của chồng. Tôi chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường, có thời gian đi cà phê với bạn bè, cuối tuần dẫn con đi tắm biển. Sau này tôi muốn mở muốn quán cà phê và spa, mục tiêu đơn giản vậy thôi. Nhưng không hiểu sao mọi chuyện trong cuộc sống cứ đưa tôi leo lên một con thuyền rồi đẩy tôi ra khơi”.


Gia đình nhỏ hạnh phúc của Tuyết (Ảnh: FBNV)

Trên chiếc thuyền ra giữa biển lớn ấy, rất nhiều lần người phụ nữ 33 tuổi này đã định dừng cuộc chơi, bước xuống thuyền trở về nhà làm người phụ nữ của gia đình. Thế nhưng, mỗi lần ý nghĩ bỏ cuộc xuất hiện, cô lại ngồi hồi tâm về lý do vì sao mình bắt đầu. “Tôi có một người bạn vừa là cổ đông của công ty tôi ở nước ngoài, cậu ấy luôn hy vọng sau này công ty phát triển cậu sẽ về Việt Nam làm việc. Nếu tôi bỏ công ty, thì sao cậu ấy quay về được. Đồng thời sau lưng tôi còn có hơn 30 công nhân và 20 nhân viên nghiên cứu đang làm việc rất vất vả, lương không cao vì công ty chưa có nhiều lợi nhuận nhưng không ai than vãn, họ vẫn hăng say làm việc. Nghĩ cho cùng, nếu tôi bỏ cuộc thì chỉ có mình tôi cảm thấy thoải mái thôi”, Tuyết bộc bạch.

Vì thế, để vừa có thể lo cho công ty, vừa chu toàn việc nhà, Tuyết đã có phương pháp nuôi dạy con rất khoa học. “Tôi sinh con đầu xong được vài tháng lại mang thai, nên không thể bồng bế con suốt ngày được, vì thế tôi hiển nhiên nghĩ trong đầu “Con mình phải độc lập”, Tuyết chia sẻ.


Ba con của Tuyết đã được tập luyện để sống độc lập từ nhỏ để Tuyết có thể yên tâm dành thời gian cho công việc. Dù vậy, cô luôn dành thời gian trò chuyện, đi chơi cùng con. (Ảnh: FBNV) 

Để tập cho con mình độc lập, Tuyết đã đọc và ứng dụng rất nhiều tài liệu nuôi con. “Con lên 4 tháng tuổi, tôi đã cho ra ngủ riêng, sau 1 tuổi là tách phòng riêng. Việc ăn uống cũng theo kỷ luật. Mỗi bữa ăn chỉ kéo 30 phút, sau đó dù con không ăn hết tôi cũng không ép con ăn thêm. Việc ngủ cũng tạo thành nếp. Tôi mua cho con vài bộ đồ ngủ. Cứ đến 8 giờ tối là tôi cho con uống sữa, đánh răng và thay đúng những bộ đồ ấy cho con mặc ngủ. Em bé sau 6 tháng là đã nhận thức được hình ảnh, nên cứ thấy bộ đồ ngủ quen thuộc là nó biết đã đến giờ đi ngủ”.

Để có thể áp dụng giờ giấc kỷ luật như vậy, cả gia đình Tuyết, gồm vợ chồng Tuyết và 4 người em họ, cũng phải tuân thủ kỷ luật y như trẻ em. Cứ đến 9 giờ tối là cả nhà Tuyết tắt đèn, tắt tivi, người lớn về phòng người lớn, trẻ em về phòng trẻ em, cả nhà đi ngủ. Đứa con đầu tiên của Tuyết sinh hoạt theo nề nếp ăn ngủ khoa học, hai đứa con sau cứ thế học theo anh.

“Trẻ con thì chỉ có hai việc ăn và ngủ thôi, còn việc con khóc, con bệnh với tôi không thành vấn đề. Tôi từng ở trong bệnh viện 4 tuần khi con trai đầu mới sinh nhập viện vì lây bệnh viêm màng não, trong quãng thời gian đó tôi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm nuôi con và không quá lo lắng khi con có những triệu chứng như khóc, ói… Tôi rất bình tĩnh khi con đau bệnh vì biết tất cả các tình huống đều có thể xử lý được”, Tuyết chia sẻ.


Dù bận rộn với công việc và con cái, nhưng Tuyết vẫn dành thời gian đi chơi riêng với chồng trong những dịp kỷ niệm hay đơn giản là hai vợ chồng muốn có không gian riêng. (Ảnh: FBNV) 

Dù bận rộn với công việc và con cái, nhưng Tuyết rất cân bằng trong cuộc sống. Tuyết vẫn dành thời gian đi chơi riêng với chồng trong những dịp kỷ niệm hay đơn giản là hai vợ chồng muốn có không gian riêng. Hoặc nếu hai vợ chồng không thể thu xếp để đi chơi riêng thì Tuyết tổ chức cho đại gia đình cùng đi du lịch.“Lúc ấy đi chơi cũng giống như ở nhà. Mọi người có thể thay tôi chăm sóc con để hai vợ chồng có những khoảnh khắc riêng bên nhau. Bạn thấy đó, tôi ăn mặc rất bình thường vì tôi không dùng tiền để mua sắm quần áo đẹp mà đầu tư để mua thời gian chúng tôi được ở bên nhau”.

Chia sẻ