Chuyện về "hội" các mẹ Việt ở nước ngoài

,
Chia sẻ

Đi học, đi làm hoặc theo chồng sinh sống ở xứ người. Họ rủ nhau lập "hội", để hỏi các kinh nghiệm, học nấu ăn, tìm trường cho con hay đơn giản là "buôn" cho đỡ nhớ nhà.

Cộng đồng các bà mẹ trẻ người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn online thường xuyên trên các Diễn đàn Webtretho, Lamchame, TTVNOL… aFamily sẽ có loạt bài về cuộc sống của họ ở nước ngoài và chia sẻ những nỗi niềm, khó khăn mà họ gặp phải khi xa quê.


Góc chia sẻ ấm áp và hữu ích của các mẹ người Việt xa xứ
 
Kỳ 1: Tết Dương đến, nhớ Việt Nam se sắt cõi lòng

Chỉ còn vỏn vẹn vài giờ nữa thôi là bước sang một năm mới. Tuy không phải là Tết cổ truyền của Việt Nam nhưng lại là thời khắc chuyển giao đầy mới mẻ. Xa bố mẹ, xa người thân, các bà mẹ Việt ở nước ngoài đang đau đáu một nỗi lòng mong được về với quê hương…

“Make-up” cuộc sống đầy hương vị Việt

Sống ở nước ngoài, điều kiện đủ đầy hơn, nhưng nhịp sống khác, món ăn khác, không phải ai cũng thích nghi được hoàn toàn. Chuyện ăn uống, nuôi dạy con cái là những thứ được các mẹ quan tâm nhất.

Ở góc dành cho các mẹ Việt Nam ở nước ngoài trên Web trẻ thơ, các chia sẻ về cách nấu các món Việt trong điều kiện “hiếm vô cùng” thực phẩm, gia vị Việt Nam được bàn rất xôm. Chuyện tìm trường, dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho con được người trước chỉ bảo cho người sau rất tận tình.

Các mẹ thành viên của diễn đàn, người bận rộn với việc đi học, đi làm; người chỉ ở nhà chăm con, nấu ăn cho chồng… nhưng tất cả họ đều đang nỗ lực để mình và chồng con (người Việt) được cảm thấy ấm áp (gần) như ở quê nhà; hoặc các ông chồng Tây, chồng Nhật thêm yêu văn hóa của Việt Nam.

Một mẹ có nikname Melaquehuong trên đã may mắn hơn nhiều so với các mẹ Việt Nam khác ở nước ngoài. Khi chị mới sang Quảng Đông (Trung Quốc) sống gần 4 tháng nhưng đã được về thăm nhà đến 2 lần. Để “giảm bớt” nỗi nhớ nhà, chị “make -up” cuộc sống của mình đầy ắp hương vị Việt Nam với “slogan” của chính mình: “Em ở đâu thì biến nơi ấy thành Việt Nam”.

Ngày ngày nấu món ăn Việt Nam, vừa làm việc vừa buôn dưa lê qua mạng với những đồng nghiệp ở Việt Nam, bắt đầu ngày mới với những trang báo điện tử tiếng Việt, nghe những đĩa nhạc Việt… Một lần đi chơi chợ Quảng Châu, gặp rất nhiều người Việt ở đó, chị quyết định đi buôn với lý do cực kỳ “lãng xẹt”: “Được nghe tiếng Việt ở xứ người là cảm thấy ấm lòng”.
 

Khoe món bún riêu xứ Bắc trong điều kiện chợ Nhật

Nhớ vị quê hương

Nỗi nhớ Việt Nam của các mẹ ở nước ngoài cùng là nỗi nhớ thiếu vắng một mùi vị quê hương. Mẹ Chicky Grass đã từng bộc bạch: “Ở đất nước này, hầu như món gì cũng có. Nước phở ở đây ngon hơn, ngọt hơn ở Việt Nam vì xương thịt không đắt đỏ. Thịt bò cũng mềm hơn và an toàn hơn. Nhưng sao tôi vẫn thấy thiêu thiếu một thứ mùi vị nào đó. Phải rồi, đó là những "mùi quê hương"”.

Đúng là có những loại gia vị mà chỉ Việt Nam mới có. Làm sao có thể mua được một bó bông giờ để kho tiêu với cá đồng bây giờ? Nồi canh chua của mẹ ở quê nhà trở nên đặc biệt cũng vì cái mùi của bông giờ.

Mẹ Calantha có lần đang gọi điện thoại về gia đình, chợt nghe thấy tiếng rao bánh chưng bánh giò là bật khóc không ra tiếng. Nhớ Việt Nam cũng đồng nghĩa nhớ những món ăn Việt Nam. “Thèm ăn phở có bỏ tương đen, tuơng ớt cay cay, vắt miếng chanh vô trộn lên, nước lèo ngọ và béo… Bây giờ được ăn sẽ húp hết tô luôn. Thèm ăn bánh mì kẹp thịt, ruột bánh đặc, cắn cọng đồ chua ngon vô cùng. Nhớ mì Quảng nè, nhớ bún riêu, canh bún, bún bò, bánh canh, cháo lòng, bánh bột lọc, bánh bèo, cơm tấm, bún mắm... ghê cơ”.

Các mẹ chỉ ước mong sáng, trưa thức dậy được nghe tiếng rao quà mà thấy nao lòng, thấy sung sướng khi mình vẫn còn đâu đó chút chân quê. Về miền Tây, cánh đồng lộng gió, cây trái trĩu quả, món cá lóc nướng trui được thưởng thức dưới bóng cây mận, đâu đó nghe làn điệu cải lương cất lên từ máy phát thanh mà thấy lòng hạnh phúc. Sao có được những điều đó khi các mẹ sống ở những đất nước xa xôi ấy.

Mỗi khi Tết đến, cả tết Tây lẫn tết ta, các mẹ lại nhớ nhà da diết. Tết đến nhớ bánh chưng lột lớp lá nóng hổi ra ăn cái nếp mịn mềm lẫn với thịt béo ngậy bên trong. Thêm 1 miếng củ kiệu hay là dưa món, thơm nồng mùi năm mới.

Tết đến phải chạy xe Honda một vòng ngoài đường phố cỡ tầm 5-6 giờ chiều 30 tết. Phố xá vắng ngắt, sạch boong, chỉ có mùi nhang thơm phảng phất và lòng vui mừng vì một nỗi thanh bình khó tả…
 

Một phụ nữ tần ngần trước hàng hoa ở chợ Tết xứ người. Chợ có tầm xuân, mai vàng, hoa đào, có bánh chưng... nhưng tất cả càng làm nỗi nhớ nhà thêm quay quắt. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thèm những điều bình dị nhất

Mẹ Bikinibi đã sang và sống ở Úc được 9 năm rồi nhưng vẫn quyết định trở về Việt Nam chỉ bởi “sao mà mình thích cái không khí gay gắt ở Việt Nam đến thế!”. Với mẹ Bikinibi, dù sao đi nữa nước Úc vẫn là nơi đất khách quê người. Là nơi khi thèm món bắp luộc phải lái xe 20 phút đến chợ Việt Footscray để mua. Là nơi cuộc sống quá ngăn nắp, sạch sẽ khiến đôi khi nhớ về Việt Nam với đôi quay gánh chân đất mỗi buổi trưa hè.

Tình yêu vẫn là điều khó lý giải, ngay cả tình yêu với quê hương Việt Nam. Dù Việt Nam còn đó những khó khăn, những khoảng cách xa vời với Úc, nhưng vẫn yêu, vẫn nhớ Việt Nam vì đó là nguồn cội. Dòng máu chảy trong người đã hừng hực qua nhiêu thế hệ cùng là dòng máu Việt.

Các mẹ ở nước ngoài thèm nghe một tiếng rao lẻ loi giữa đêm lạnh, thèm nghe tiếng còi xe máy mỗi giờ cao điểm, thèm đến cả tiếng cãi cọ um xùm trong một góc chợ hay một cuộc đụng xe trên đường. Thèm những điều bình dị nhất mà khi còn ở nhà chẳng bao giờ... thèm.

Xin mượn lời của mẹ Mebesach, đón ngày cuối cùng của năm 2009 dần trôi qua trong những giọt mưa mùa hạ để tạm khép lại những nỗi nhớ Việt Nam: “Ngày cuối cùng của năm 2009, con ở xa. Con nhớ nhà, nỗi nhớ con mang trong lòng, khắc khoải. Dẫu biết rằng, sự thành công của tụi con nơi xứ người là niềm tự hào cho Ba Mẹ và gia đình, nhưng con vẫn không khỏi chạnh lòng khi không được gần gũi mà chăm lo cho Ba Mẹ. Con nhớ và yêu thương Ba Mẹ lắm!

Kỳ 2: Trải nghiệm cuộc sống ở xứ người

Thu Hằng

Chia sẻ