Chuyện tân cử nhân “giăng bẫy” trai phố

,
Chia sẻ

Ra trường, nếu như nam sinh viên có thể chấp nhận cảnh nay đây mai đó để lập nghiệp thì nữ sinh viên lại khác.

Nhiều người sau khi tốt nghiệp đã bắt đầu lo về công việc, nhà cửa. Và cũng xuất phát từ mong muốn có một chỗ dựa, một mái ấm yên bình, không ít bạn trẻ sẵn sàng đánh đổi tất cả để mong được lọt vào mắt xanh của một công tử phố.

Lấy chồng hay lấy nhà?

Sinh ra và lớn lên ở một vùng miền núi Tây Bắc, bố mẹ Trà (ĐH Kinh tế Quốc dân) tuổi cũng đã khá cao, chỉ quanh năm sống bằng nghề thầy cúng nên kinh tế gia đình khá khó khăn.

Xuống Hà Nội học, Trà được bà chủ quán cơm thông cảm với hoàn cảnh mà thương tình cho thuê một phòng trọ với giá ưu đãi. Đồng thời Trà còn được nhận vào làm công việc phụ bán cơm sau mỗi buổi đi học về để kiếm thêm thu nhập.

Vốn là một cô gái ngoan hiền chăm chỉ, lại là người có trình độ học vấn cao nhất trong số những người giúp việc trong quán cơm nên Trà được bà chủ yêu quý và coi như con đẻ.

Gần kết thúc 4 năm học đại học, cũng là lúc cậu con trai độc nhất của ông bà chủ thất bại trở về từ trại cai nghiện. Lúc này Trà mới được bà chủ tiết lộ rằng cơ ngơi 5 tầng gần 100m2 đất của ông bà chủ chỉ còn thiếu một người thừa kế.
 
Ra trường, các sinh viên đều ngán ngẩm với cảnh thuê phòng trọ.

Cậu con trai độc nhất do được nuông chiều từ nhỏ đã bập vào nghiện ngập từ hơn 10 năm nay. Đến bây giờ, sau khi đã đi hết trại cai nghiện nam, bắc trở về thì phần lớn thời gian cậu chủ vẫn phải nằm trói chặt một chỗ. Thỉnh thoảng, cậu lại gầm thét đập giường đập chiếu mỗi khi lên cơn thèm thuốc.

Vì vậy, những lần đi qua phòng cậu chủ, Trà đều sợ hãi không dám nhìn vào. Sau này khi đã tiếp xúc nhiều hơn mỗi lúc cậu chủ đủ thuốc thì những toan tính đã bắt đầu xuất hiện trong Trà. Bởi lúc bình thường Trà thấy cậu chủ cũng là người “đáng yêu”. Hơn nữa bà chủ quán cơm cũng có ý muốn tác thành cho 2 đứa với hy vọng có đứa cháu “nối dõi tông đường”.

Gần 1 tháng suy nghĩ, Trà quyết định trở thành cô dâu và là "bà chủ thứ 2" trong một cơ ngơi mà nhìn vào ai cũng phải mơ ước, mặc cho những cái lắc đầu ngán ngẩm của những người hiểu rõ chuyện.

Tìm nhà bằng “vốn tự có”

M.T.H. tốt nghiệp đại học không có bất cứ tài sản nào trên tay ngoài tấm bằng vừa nhận được. Để lọt vào mắt xanh của "đại gia" có nhà mặt phố, H. luôn tâm niệm rằng sẽ dùng vốn tự có để làm thứ trao đổi.

 
Để kiếm lấy một xuất hộ khẩu Hà Nội, nhiều nữ sinh đã không ngại ngần "gài bẫy" công tử phố. Ảnh minh hoạ

Quen và biết Tuân là người Hà Nội gốc, vì thế H. luôn tìm cớ xuất hiện mỗi khi Tuân có mặt. Mặc dù biết anh chàng này đã có vợ chưa cưới, nhưng “30 chưa phải là Tết”, H. vẫn cố đấm ăn xôi. Trước miếng mồi giăng trước mặt, dần dần Tuân đã sa bẫy cô gái quê.

Sau mỗi lần vui vẻ bên nhau, Tuân đều cẩn thận tự tay mua thuốc an toàn cho H. H. vẫn giả vờ ngoan ngoãn uống thuốc khẩn cấp làm cho Tuân tin tưởng. Đến khi cái bụng H. lùm lùm sau áo bầu, Tuân mới ngã ngửa hóa ra từ trước tới nay cô này đều không có bất cứ biện pháp phòng tránh nào.

Ngày cưới Tuân, bạn bè đều bất ngờ khi tên cô dâu in trên thiếp mời không phải cô vợ sắp cưới ngày nào của Tuân mà lại là H. H điềm nhiên trở thành "gái phố", sống trong căn nhà rộng rãi trên phố Đội Cấn chỉ chờ ngày sinh nở.

Tuy nhiên không phải ai cố tình “gài bẫy” cũng có được may mắn như H.
 
Và vẫn biết rằng, việc lo lắng và phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp là điều mà bất cứ ai đều nên làm. Thế nhưng, nếu chỉ vì một cái mác thành người Thủ đô, một cái tên trong hộ khẩu Hà Nội… mà các tân cử nhân sẵn sàng đánh đổi mọi thứ, để rồi luyến tiếc vì: Ngay sau cái ngày chính thức là người Thủ đô ấy, không ít người đã phải mang về cho mình những chuỗi ngày dài đầy nước mắt.

Thậm chí như nhân vật Trà trong câu chuyện trên, sau khi cưới đã không ít lần tìm đến cái chết để mong giải thoát mình mà không được. Như vậy thì những sự đánh đổi ấy liệu có đáng?


Theo Vietnamnet
Chia sẻ