Chi phí cho đám cưới: 40 - 50 triệu hay bao nhiêu?

,
Chia sẻ

Hỏi về một đám cưới, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi hầu hết sự chú ý sẽ tập trung vào nội dung: Chi phí cho đám cưới hết bao nhiêu?

Vì đám cưới kiểu gì thì cũng phải nghĩ đến chuyện "cân đo đong đếm" từng khoản cho vừa với túi tiền hay tài khoản của bạn.

Kết hôn là một sự kiện trọng đại nhưng nó sẽ "ngốn" không ít vào nguồn ngân sách của hai bạn và gia đình. Tuy vậy, nếu biết tính toán hợp lý trong nhiều việc, chắc chắn bạn sẽ không lo thiếu hụt và nhất là tiết giảm được đáng kể chi phí cho đám cưới.

 

Dự tính mọi thứ từ rất sớm

"Đám cưới của mình vào tháng 12 năm trước, hai vợ chồng mình dự định trong khoảng 30-40 triệu đổ lại thôi. Trong đó các khoản chính như nhẫn cưới 4 triệu, quần áo cưới thì thuê, xe hoa cùng hoa cưới khoảng 2 triệu, khoản nặng tiền chính là khoảng 15 chục bàn tiệc (khoảng 150 khách), thức ăn cũng tàm tạm thôi, đặt cọc tiệc 30%, sau đó sẽ dùng tiền mừng cưới để trả hết phần còn lại…", chị Bảo Ngọc, 27 tuổi, làm việc tại một công ty tư nhân, kể khá chi tiết về chi phí cho đám cưới của mình.

Có cùng ý kiến này, chị Hải Minh đã tham khảo hầu hết giá cả của các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, từ đó chọn ra cho mình một nơi phù hợp nhất về giá cả và địa điểm thuận lợi. Hình cưới cũng chỉ chụp trong studio; khách mời thì chỉ mời những bạn bè, đồng nghiệp thật thân thiết, không mời tràn lan vì sẽ rất tốn kém… Chị Hải Minh cho biết: "Chúng tôi đã dự tính rất sớm hầu hết các chi phí của đám cưới, nhất là theo chủ trương khoản nào cắt giảm được thì cắt giảm hoặc chọn những khoản mục rẻ hơn cho tiết kiệm. Đặc biệt chúng tôi cũng đặt vé máy bay cho chuyến trăng mật từ trước hơn nửa năm, vì thế giá vé cũng giảm được đáng kể...".

Theo kinh nghiệm của nhiều đôi đã tổ chức đám cưới, thì có nhiều khoản bạn có thể tiết kiệm như thiệp cưới, bạn không cần quá cầu kỳ trong khâu này; Chuyện đặt may hay thuê váy cưới, bạn nên tham khảo từ nhiều nguồn như tạp chí, báo mạng hay những người có kinh nghiệm. Bạn lưu ý chọn những chiếc váy áo phù hợp với điều kiện kinh tế và dành tiền cho những việc khác cần thiết hơn.
 
Ngoài ra, những khoản như hoa tươi, phụ trang… nếu chặt chẽ bạn cũng có thể tiết giảm được phần nào chi phí. Đặc biệt, danh sách khách mời cũng cần hết sức cân nhắc. Việc bạn mời tràn lan có thể sẽ làm cho chi phí tăng và gây lãng phí vì sẽ có một số khách không thể tham dự tiệc cưới của bạn.

Việc lựa chọn nhà hàng cũng là một vấn đề quyết định tới hầu bao của cô dâu chú rể. Vì thế, nên đặt nhà hàng sớm để tiết kiệm chi phí. Bạn có thể chọn một địa chỉ uy tín - nơi bạn từng đi dự tiệc cưới của bạn bè với giá cả hợp lý, thức ăn ngon. Việc chọn thực đơn với những món ăn không quá cầu kỳ và tránh những loại thực phẩm đắt tiền có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản đáng kể; Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc lựa chọn loại bia/rượu hợp túi tiền…

Để ngày vui được trọn vẹn

Chị Hạnh Thy, nhân viên chuyên nhận đặt tiệc cưới của một nhà hàng trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, phân tích: "Năm nào cũng vậy cứ vào cuối năm là mùa cưới rộn ràng nhưng có một điều là năm nay chi phí luôn cao hơn năm trước, ít thì mười mấy phần trăm, cao thì hai mươi, ba mươi phần trăm. Các cô dâu chú rể cũng cần phải tính toán chi li để ngày vui được trọn vẹn. Tuy nhiên, việc tham khảo giá cả dịch vụ và việc tính toán các khoản phải chi cho đám cưới hiện nay được các dịch vụ cưới hay các tạp chí, chuyên đề về cưới cung cấp và tư vấn khá đầy đủ, chỉ cần bạn lưu tâm một chút là có thể có đáp án cho mình".

Một điều cần nhấn mạnh, đám cưới thế nào là tùy thuộc vào ngân sách mà bạn đang có hay dành ra bao nhiêu ngân sách cho đám cưới của mình. Khi đã xác định được con số chính xác trong tài khoản, bạn cần lên danh sách chi tiết những việc cần chi tiêu, sau đó tùy vào số tiền mình có để "phân chia" và tự điều chỉnh các khoản chi cho hợp lý. Mỗi khoản chi nên ghi lại vào từng mục nhỏ để kiểm soát, tránh phát sinh nhiều. Tuy nhiên, mỗi cặp vợ chồng lại có những ưu tiên khác nhau cho mỗi khoản chi phí và bạn có thể phân bổ nhiều hay ít cho một danh mục cưới nhất định. Vì vậy, hãy tính toán cẩn thận và lập kế hoạch thật rõ ràng.

Danh mục các khoản chi dự kiến cho một đám cưới

Stt

Danh mục cần chi

Số tiền dự kiến

1

Ảnh cưới

3-5 triệu đồng

2

Đồ phụ trang

500.000 đồng

3

Nhẫn cưới

3 - 4 triệu/cặp nhẫn

4

Trang điểm

500.000 - 1.000.000 đồng

5

Thiệp mời

2.500 - 5.000 đồng/thiệp

6

Đặt cọc nhà hàng

10 triệu đồng

7

Hoa tươi, hoa cưới

1 triệu đồng

8

Tiệc cưới

2-6 triệu đồng/bàn

9

Xe hoa, xe đưa khách

600.000 + 1,5 triệu đồng

10

Áo chú rể, cô dâu

5 triệu đồng

11

Quay phim, chụp ảnh

2 triệu đồng

12

6 quả + đèn cầy

3 triệu đồng

 

Tổng cộng chi phí

Khoảng 36 triệu đồng (tính tổng theo số tiền tối thiểu các khoản)

 
 
Để giải quyết những chi phí phát sinh hay do sự "nổi hứng" của hai bạn cho một khoản nào đó, chẳng hạn như đi tuần trăng mật "hoành tráng" ở xa, hãy nhớ trích ra một khoản tiền dành cho quỹ dự phòng nhé.
 
 
Theo SSM
Chia sẻ