Cha mẹ chạy đua sắm đồ đẳng cấp cho con

,
Chia sẻ

"Cha mẹ chi hàng chục triệu sắm đôi giày đánh golf... còn được, huống gì sắm đồ cho con đi học."

Nhà thiết kế thời trang Võ Việt Chung cho biết, năm nay, lần đầu tiên anh nhận được đơn đặt hàng từ cả trăm bậc phụ huynh để thiết kế đồng phục áo dài nữ sinh. Và bộ này sẽ có mức giá khoảng sáu triệu đồng.

Bộ áo dài này may bằng các loại vải tơ lụa cao cấp nhập từ Ấn Độ, Hàn Quốc với dáng áo may suôn theo kiểu truyền thống, nhưng tạo phong cách riêng. Võ Việt Chung nhìn nhận: “Ngày càng có nhiều phụ huynh muốn con mình mặc theo gu thẩm mỹ riêng”.
 
Ảnh minh họa

Cha mẹ có đẳng thì con cũng phải có cấp (?)

Tương tự, theo thông tin từ công ty chuyên kinh doanh văn phòng phẩm và dụng cụ học sinh ngoại nhập, lượng cặp và balô cho học sinh tiểu học có mức giá khoảng một triệu đồng/cái đang tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Trong đó khoảng 20% là loại cao cấp giá 2,5 – 3 triệu đồng/cái. Quản lý kinh doanh công ty cho biết, những bậc phụ huynh mua hàng nhập châu Âu dường như “không quan tâm đến giá cả, mà họ chú trọng đến tính năng mới, và kiểu dáng nhiều hơn”.

Bà Nguyễn Hoàng Ngọc Châu, ở khu Hưng Vượng, quận 7 vừa chi hơn 20 triệu cho con chuẩn bị vào năm học mới. Quan sát, thấy toàn hàng hiệu, đôi giày vải Converse, giày da Bata, hộp đựng viết Nhật, bút máy của Đức… Bà Châu nói: tôi sắm đồ mắc tiền cho con không phải vì mình có khả năng, mà muốn con có các tiện nghi tốt nhất để học”.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Thu, vợ của giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm công nghệ, nhà ở khu Panorama, quận 7 cũng vừa chi gần sáu triệu để mua mấy bộ quần áo, giày dép, balô hiệu Barbie… cho cô con gái năm tuổi. Bà Thu cho rằng: “Cha mẹ xài hàng chục triệu sắm đôi giày đánh golf... còn được, huống chi sắm đồ cho con đi học”.

Phải “sắm” cho con môi trường phát triển tốt

Trái lại, bà Ngọc Nhi, một phụ huynh ngụ tại khu biệt thự Sadeco cho rằng “sắm hàng đắt tiền cho con chỉ là để thể hiện cha mẹ, để người ta nhìn vào đó biết là con đại gia”. Làm vậy con mình càng dễ ỷ lại và khó hội nhập với đời sống xã hội. Bà Nhi dù chỉ có một đứa con, cha mẹ đi xe Lexus, “con đi học ăn mì gói buổi sáng là bình thường”.

Tiến sĩ Đinh Phương Duy, một nhà tâm lý học phân tích: “Những bậc phụ huynh càng thiếu thốn thời gian ở bên cạnh con thường có xu hướng bù trừ tình cảm bằng vật chất”. Đây là điều rất tự nhiên, cha mẹ cảm thấy có lỗi với con, mong làm mọi cách bù đắp. Nhưng cần phải chú ý cách nghĩ về lạm dụng vật chất, “thực ra trong mọi trường hợp cho con thì vật chất phải nằm trong ngưỡng cho phép”.
Ông Duy nhấn mạnh: bù đắp như thế nào mới là bản lĩnh của cha mẹ. “Vung tay hàng chục triệu sắm đồ hiệu cho con đi học chưa hẳn là thể hiện tình thương”, theo ông Duy, phụ huynh đừng nghĩ, có tiền, không cho con thì cho ai. Thương con là phải cho con môi trường phát triển tốt nhất để học hành trong sự hoà nhập với đời sống xã hội, bạn bè, người thân.
 
Theo SGTT
Chia sẻ