Bức thư gửi Lan với thông điệp “đàn bà sao cứ phải hi sinh” gây tranh cãi

Thu Hương,
Chia sẻ

Tuy chỉ mang tính chất giải trí nhưng bức thư gửi Lan – nữ nhân vật chính trong vở cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp” đã khơi gợi được nhiều tâm sự khó nói của nhiều chị em phụ nữ.


Mới đây, một bức thư gửi tới nhân vật Lan trong vở cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp” đã khiến khá nhiều người quan tâm khi được chia sẻ trên trang cá nhân của một Facebooker có tên An Xinh Trương. Bức thư khá thu hút với giọng văn hài hước, giống như tâm sự giữa hai người bạn gái, với nội dung khá sốc khi liệt kê đủ các “tội trạng” của những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử văn học: Lan (Chuyện tình Lan và Điệp), chị Dậu (Tắt đèn), cô Lựu (Đời cô Lựu), Thị Nở (Chí Phèo)… Điều đáng nói là những tội trạng được nhắc đến ở đây, không gì khác lại chính là những nét tính cách vốn được mọi người ca tụng khi nói về phụ nữ: đức hi sinh, nhẫn nhịn, chịu đựng… Chính lý do này đã khiến bức thư gửi Lan trở thành một đề tài gây tranh cãi của không ít người, đặc biệt là các chị em.

Nữ tác giả của bức thư gửi Lan gây tranh cãi
Nữ tác giả của bức thư gửi Lan gây tranh cãi

Nội dung bức thư gửi Lan của tác giả An Xinh Trương như sau:

"Thư gửi Lan!

Cùng phận đàn bà với nhau, nhẽ không nên mang nhau ra đấu tố thị phi làm gì. Nhưng chuyện của Lan đằng nào cũng rùm beng hết cả rồi, mình cũng xin nói thật!

Lan ạ, mình cảm thấy rất phiền vì Lan, Lan và một số bạn thân của Lan như Ngọc Dậu, Tuyết Nở và Mộng Lựu đã khiến bao người lao đao, phí phạm tuổi xuân, mòn héo cả một đời người, Lan có biết? 

Nhẽ đâu đàn bà cứ phải hy sinh cho đàn ông, cứ phải thiệt thòi, cứ phải bán thân bán con bán chó, cứ phải chịu đựng sự ngu dốt nghèo hèn sĩ diện bất lực của mấy thằng đàn ông thì mới được coi là tấm gương đàn bà cao cả? Thật với Lan, tha không chửi cho thì thôi chứ ca ngợi cho lắm vào để thành gương xấu cho thế hệ sau, khổ vẫn hoàn khổ, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Còn Lan, bị đàn ông phụ tình thì Lan yêu thằng khác, việc gì phải đi tu? Bố mẹ Lan đâu, họ hàng Lan đâu mà Lan quên hết chỉ vì 1 thằng con trai?

Mà kể cả thế, giá như ngày ấy Lan lẳng lặng vô chùa, hay tốt hơn nữa là kiếm cái ao làng sâu sâu Lan nhảy xuống cho yên chuyện. Đằng này Lan xem, nhờ công nghệ PR lăng xê quá mức của một bài cải lương lãng nhách, sự dại trai của Lan đã trở thành 1 con virut ăn mòn đầu óc của những người đàn bà tội nghiệp. Bà già mình vác bụng bầu anh mình vừa lẩm bẩm ca "Đây chút tiền mọn từ lâu Lan dành dụm, trao cho anh làm lộ phí ớ ờ ờ đường xa...", vừa rút ruột rút gan dúi cho ông già cái sổ tiết kiệm để ổng đi buôn thì ít mà nhậu nhẹt thì nhiều. May mà bố mình không phải cậu bé đẹp trai có tài tán gái, chứ không mẹ nối gót đi tu thì lấy đâu ra mình ngồi đây phun châu nhả ngọc thế vầy?

Càng nghĩ càng cay đắng, căn bệnh Lan để lại đã biến thể ra sự sĩ diện nửa mùa, để rồi bây giờ vẫn còn rất nhiều mụ đàn bà mở mồm nói với đàn ông "Em không cần tiền", "Tiền không quan trọng, miễn chúng mình yêu nhau". Phụ huynh nói chuyện với nhau thì "Không quan trọng gia cảnh, miễn thằng đó hiền lành tử tế” khi chọn rể cho con gái.

Ôi cái gì thế không biết nữa, tử tế tức là chịu học hành, chịu bôn ba xã hội, kiếm tiền nhiều báo hiếu bố mẹ, nuôi vợ con thoải mái, chứ tử tế gì đứa lười tư duy phải đi bốc vác thợ xây phụ hồ? Cứ tung mì chính bột ngọt vào mặt nhau như thế, đàn ông bất tài thì tự ảo chắc mình có cái gì đó khiến em ấy mê, đàn ông có tài thì cũng hết động lực kiếm tiền. 

Giá như cải lương, văn học, cổ tích không có Lan, Lựu, Nở, Dậu, mà toàn những em thích tiền, không có tiền là không có em, thì có phải đàn ông thay vì nhậu nhẹt suốt đêm, trà đá chém gió suốt ngày, đã lao đi kiếm tiền cho xã hội được nhờ rồi không!

Thôi, đôi dòng tâm sự, mình nói ít Lan hiểu nhiều, chào Lan, chúc Lan tu tốt kiếp sau gặp được anh tử tế!"

bức thư gửi Lan
Bức thư gửi Lan với những lời "đấu tố" thẳng thắn

Liên hệ với tác giả An Xinh Trương, được biết chị từng là một đạo diễn, nhưng hiện tại đã chuyển hướng sang kinh doanh. Bức thư gửi Lan được viết hoàn toàn mang tính chất giải trí và chỉ là một status mang tính chất cá nhân được đăng trên Facebook. Tất cả những điều được viết trong bức thư “tầm phào” này, đúng như chủ nhân tự nhận: “chỉ chứa đựng suy nghĩ, quan điểm của riêng tôi, không có giá trị đại diện cho bất cứ ai, có thể đúng có thể sai”, nhưng điều quan trọng là nó được viết ra bằng trải nghiệm của bản thân, từ bạn bè và những người xung quanh tác giả.

Chính vì lý do đó nên thậm chí chính An Xinh Trương cũng cảm thấy bất ngờ khi biết rằng bài viết có nhiều lượt chia sẻ đến vậy, thú vị hơn nữa là tất cả những người ấn nút share đều là phụ nữ. “Tôi biết nhiều người trong số đó mượn lời tôi để nói với người đàn ông của họ - những lời mà họ không dám, không thể nói thẳng!”, cô gái 36 tuổi chia sẻ.

PV đã có cuộc trò chuyện ngắn với An Xinh Trương để trao đổi về nội dung bức thư gây sốc cũng như quan điểm của nữ tác giả.

Những vấn đề được chị mang ra mổ xẻ về Lan như: dại trai, nhẫn nhục, chịu đựng... , theo chị có quá đáng lắm không khi dùng để nói về một nhân vật từng được mọi người hết lòng ca ngợi?

- Mỗi nhân vật hư cấu trong văn học, nghệ thuật đều có giá trị của nó ở mỗi thời điểm lịch sử, nhưng không có nghĩa nó là "thánh địa bất khả xâm phạm" để những người thuộc thế hệ sau không được quyền mang ra mổ xẻ, phân tích. Đã là "hư cấu" thì nó cũng chỉ mang tính chủ quan của người tạo ra tác phẩm. 

Những vấn đề mà bạn hỏi: Dại trai, nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh quá đáng mà không được đền đáp, bỏ nhà đi tu vì thất tình... thì không phải hoàn toàn nói về Lan, mà tôi nói chung về những nhân vật được ca ngợi trong quá khứ đã không còn hợp lý ở thời điểm hiện tại. 

Đức hy sinh, nhẫn nhịn thực sự là sai lầm lớn của người phụ nữ sao chị?

- Bản thân mỗi người phụ nữ chứa đựng sẵn trong họ bản năng hi sinh, nhẫn nhịn. Điều đó là tốt. Vấn đề chỉ sai lầm khi họ không đủ kiến thức cũng như trải nghiệm để đặt đúng chỗ và vì vậy họ chịu đau khổ. Cái đau khổ lâu ngày biến thành chịu đựng, oán thán, bi ai khiến họ kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta tôn vinh những thứ như vậy chỉ khiến mặt trái của chúng phát huy.

Đàn ông có nhiều người lạ lắm, coi sự hy sinh và nhẫn nhục của phụ nữ là lẽ đương nhiên, họ có quyền tận hưởng và chà đạp. Phụ nữ nhiều người lạ lắm, cho đi tất cả nhưng không cần lại gì, họ đã làm hư những người đàn ông - vốn là những đứa trẻ lớn xác.

Tôi chơi với bạn, tôi tặng bạn bông hoa, bạn cho tôi cái kẹo, bạn không có kẹo thì bạn nhận hoa với nụ cười và cái nhìn ấm áp. Hai chúng ta cùng vui. Nếu tôi tặng hoa bạn, bạn đặt dưới chân dẫm nát và cười nhạo tôi, lần sau tôi có nên tặng bạn nữa không? Nếu tôi vẫn tặng thêm nhiều lần nữa, hẳn bạn sẽ coi thường tôi lắm. Tình yêu cũng vậy và hôn nhân cũng thế, đàn ông đánh phụ nữ được 1 lần mà cô ta vẫn chịu đựng thì sẽ có lần thứ 2. 

Buồn thay, nhiều xã hội với những kém cỏi của nó, nhiều đàn ông với sự tàn nhẫn của họ đã viết nên những chương lịch sử đau buồn cho kiếp đàn bà!

bức thư gửi Lan
Ngoài đời, tác giả An Xinh Trương khá trẻ trung so với tuổi 36

Được biết chị là một đạo diễn trẻ, chắc hẳn với suy nghĩ này thì việc xuất hiện 1 nhân vật phụ nữ cổ điển mang đủ tứ đức sẽ là chuyện xa vời trong phim của chị?

- Tôi được đào tạo để trở thành 1 đạo diễn phim điện ảnh, nhưng thật tiếc là tôi không đủ tài năng cũng như đam mê để theo nghề. Sau một thời gian dài làm truyền hình thì tôi chuyển qua kinh doanh về truyền thông và có một số cơ sở sản xuất thương mại. Tuy vậy nghề nghiệp cũ cũng cho tôi nhiều trải nghiệm, đi nhiều, học hỏi nhiều và có những cái nhìn thực tế. Tôi cũng già rồi, không còn trẻ nữa.

Về phim, đừng nhìn vào nhân vật để suy ra đạo diễn, đó chỉ là sáng tạo của họ tuỳ theo mục đích đoạt giải thưởng hay bán vé, họ cũng chỉ làm công việc bán chất xám của mình và chờ thị trường định giá nó mà thôi.

Quan niệm tứ đức của phụ nữ với tôi vẫn nguyên vẹn, thậm chí tôi tin rằng tôi hiểu về nó sâu và đầy đủ hơn nhiều người khác!

Chị cổ vũ cho lối sống nào của phụ nữ hiện đại ngày nay?

- Tôi cổ vũ cho những người đàn bà hiểu biết, có trí tuệ. Khi họ có trí tuệ, họ tự biết thu xếp cuộc sống của họ sao cho ổn thoả nhất, theo đúng nhu cầu và mong muốn của họ. Có trí tuệ, họ sẽ là những người đàn bà đẹp về mọi nghĩa và là món quà dành cho người đàn ông. Để có trí tuệ, họ đã phải trả giá rất nhiều, thời gian học hành, đọc, đi, nghe, hiểu, biết... Nên họ xứng đáng có được những điều tốt đẹp.

Từ trước đến nay, các chị em đã sống như "Lan, Nở, Dậu". Theo những gì chị viết thì có lẽ đã đến lúc phụ nữ vùng lên để sống khác, nghĩ khác?

- Vấn đề này vĩ mô quá, tôi không dám "lộng ngôn", tôi chỉ cho rằng đã là phụ nữ thì không nên "vùng lên" làm gì cho mệt. Việc đó hãy để cho đàn ông làm! Việc của phụ nữ là chọn đúng người phù hợp và sát cánh với họ. Đàn ông tốt nhiều lắm! Tự người phụ nữ hãy biết yêu chính bản thân mình, khiến bản thân mình giá trị, mọi thứ sẽ tự trở nên dễ dàng. 

Hãy nhớ, những người đàn ông giá trị chỉ muốn sở hữu những người đàn bà giá trị mà thôi! Và khi có được người đàn bà như thế ở bên cạnh, người đàn ông sẽ tốt hơn nữa, sẽ cố gắng hơn nữa.

Hãy yêu, hãy thương, hãy tạo điều kiện để người đàn ông phát huy khả năng của mình, thỉnh thoảng hãy nên tạo chút "áp lực" để họ thêm phấn đấu, hãy nghiêm khắc với những thói hư tật xấu nếu nó mới manh nha. Còn nếu nó đã có từ đầu thì chúng ta hãy đọc lại nguyên tắc về sự lựa chọn.

Có một câu nói mà tôi nhớ mãi, đại ý: "Nếu bạn ra chợ mà chọn phải con cá ươn thì đó chính là lỗi của bạn, vì ở chợ không thiếu gì cá tươi". Đúng vậy - khi bạn vào siêu thị, xác xuất cá ươn sẽ giảm đi so với chợ cóc. Nếu bạn vào cửa hàng thực phẩm cao cấp thì xác xuất còn giảm nữa. Nhưng ngay cả khi đi chợ cóc, nếu trước đó bạn đã được dạy, được đọc, được biết về cá tươi thì việc bạn chọn sẽ dễ dàng hơn. 

Và khi đã lỡ mua phải cá ươn, việc cần làm là ném cho mèo ăn, (lưu ý: mèo chỉ cần cá, bất kể nó ươn cỡ nào), chứ đừng cố chiên kho xào nấu, tốn công, tốn gia vị mà cũng vẫn chẳng thể nuốt nổi. Cố nuốt, bạn sẽ bị đau bụng đấy!

Một số phụ nữ khác, nếu tôn thờ chủ nghĩa độc thân hay muốn ly dị, hãy cứ làm, đừng để ý đến xung quanh, nếu điều đó làm bạn cảm thấy cuộc sống tốt hơn!

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Chia sẻ