Bức thư của một người đàn bà tâm thần

,
Chia sẻ

Tôi viết lá thư này khi một năm mới đang đến. Trong khi biết bao người đang vui vẻ chuẩn bị đón Tết thì tôi lại sống trong những ngày tháng buồn bã và đau khổ.

Tôi cũng có một gia đình và những đứa con ngoan ngoãn. Nhưng rồi đến một ngày tôi bỗng mất tất cả. Chồng tôi và gia đình anh ta đã dựng lên một câu chuyện độc ác về tôi và đuổi tôi ra khỏi ngôi nhà mà tôi cũng là một người góp sức dựng lên.

Mới đây, khi đọc báo tôi biết một người phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh cũng đi làm dâu nhà người như tôi bị cả gia đình chồng trói như trói một con lợn vứt ra đường. Câu chuyện đó làm cho tôi hiểu rằng có không ít những người phụ nữ bị đối xử độc ác trong gia đình nhà chồng. Một số ít người trong số họ được xã hội biết đến và lên tiếng bênh vực. Nhưng còn biết bao người phụ nữ như tôi đã phải chịu cảnh đối xử tàn nhẫn trong chính ngôi nhà của họ mà họ chỉ biết chịu đựng một cách âm thầm, đau đớn.

Tôi về làm dâu nhà người ta được gần 10 năm. Tôi sinh cho gia đình chồng tôi hai đứa con, một trai, một gái. Điều quan trọng nhất là tôi đã nuôi dạy hai đứa con khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Tôi luôn luôn ý thức về trách nhiệm của mình với gia đình nhà chồng.

Nhưng mọi công sức của tôi cuối cùng bị đổ ra sông ra bể. Sau gần tám năm chung sống với nhau, chồng tôi đã đi theo một người đàn bà khác. Tôi biết chuyện đó. Mặc dù choáng váng và đau khổ nhưng tôi đã kìm lòng mình lại. Tôi không muốn gia đình tôi tan vỡ. Vì thế, tôi đã tìm cách nói chuyện với chồng tôi để hàn gắn những rạn vỡ trong quan hệ của chúng tôi. Nhưng mọi cố gắng và sự chịu đựng của tôi cho một mục đích tốt đẹp đều thất bại.

Đến một ngày, chồng tôi đặt trước mặt tôi tờ đơn ly hôn. Trong đơn ly hôn đó chồng tôi nói toàn bộ tài sản của vợ chồng tôi là do chồng tôi và gia đình nhà chồng cho chứ tôi làm chỉ đủ nuôi miệng mình mà thôi. Chồng tôi cũng đòi nuôi cả hai đứa con tôi với lý do tôi không đủ khả năng tài chính và tư cách để nuôi dạy chúng. Dưới lá đơn đó là chữ ký xác nhận của nhiều người trong gia đình chồng tôi.

Lúc đó, tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi đã không thể còn kìm giữ được cơn uất ức của mình. Điều đau đớn hơn nữa là gia đình chồng tôi đã không hề nghe những lời tâm sự và giãi bày của tôi. Họ không hề an ủi, động viên hay bênh vực tôi. Trái lại, họ đứng về phía chồng tôi bằng cách dựng lên những điều không hay về tôi. Sự phản bội của chồng tôi và sự đối xử không công bằng và tàn nhẫn của gia đình chồng tôi đã bị dư luận xung quanh phản đối.

Vì những người biết tôi đều thừa nhận tôi đã sống hết trách nhiệm với chồng con và với gia đình chồng từ ngày tôi về làm dâu trong gia đình đó. Một hôm tôi đi làm về thì không thấy hai đứa con của tôi đâu. Tôi chạy đi tìm các con những không thấy. Tôi hỏi những người trong gia đình chồng tôi về các con tôi thì họ nói họ đã gửi các con tôi đến nhà một người bà con. Tôi nổi điên lên và hỏi họ vì sao lại mang con tôi đi mà không hỏi gì tôi.

Họ thản nhiên nói vì tôi có triệu chứng bệnh tâm thần nên họ phải cách lý tôi với các con tôi. Tôi thực sự bàng hoàng và kinh tởm về hành động của họ đối với tôi. Tôi quyết định báo với chính quyền địa phương về việc các con tôi.

Chính quyền địa phương mời gia đình chồng tôi đến và hỏi lý do. Gia đình chồng tôi đồng loạt nói rằng vì tôi có nhiều dấu hiệu mắc bệnh tâm thần nên họ phải gửi những đứa trẻ đến một nơi an toàn. Với lý do có vẻ hợp pháp đó mà chính quyền địa phương chỉ bắt họ viết giấy cam đoan đảm bảo sự an toàn cho hai đứa con tôi.

Hai ngày sau, gia đình chồng tôi đưa cho chính quyền địa phương một bản báo cáo về bệnh tâm thần của tôi. Họ nói tôi thường xuyên gào thét, đập phá đồ đạc, xé quần áo, hay thức dậy đi lang thang trong đêm và khóc cười vô cớ. Rồi những người trong gia đình họ gặp ai cũng kể về những chuyện “điên khùng” đó của tôi để mọi người tin rằng tôi bị bệnh tâm thần thật. Âm mưu của họ đã làm cho không ít người tin là tôi bị bệnh tâm thần.

Cơ quan tôi đã gặp tôi và nói đến chuyện nghỉ mất sức của tôi. Nhưng tôi càng nổi giận với họ và giải thích với họ thì họ càng nghĩ rằng tôi đang ở giai đoạn đầu của người mắc bệnh tâm thần.

Ở cơ quan tôi, nhiều người gặp tôi thì tìm cách lảng tránh hoặc gật gật đầu chào tôi như là chào một người bệnh. Khi tôi ra đường, những người biết tôi cũng nhìn tôi bằng con mắt thương hại và tò mò. Tôi quả thực không thể nào chịu đựng nổi tình trạng ấy và tôi nhớ con tôi nhiều lúc đến phát điên.

Tôi quyết định xin nghỉ không ăn lương mấy tháng để đi tìm các con tôi. Tôi có biết những người trong gia đình, họ hàng hoặc những người quen của gia đình chồng tôi ở thành phố và những địa phương khác. Thế là tôi gói ghém quần áo, tiền nong để đi tìm các con tôi. Người ta có thể cướp tất cả những của cải vật chất tôi đã làm ra cho gia đình họ nhưng không ai có thể cướp được hai con tôi. Tôi không thể mất hai đứa con bằng mọi cách.

Nhưng khi tôi đi tìm hai con tôi thì gia đình chồng tôi lấy cớ đó tung tin tôi bị bệnh nặng và bỏ nhà đi lang thang. Họ còn bịa đặt là nhìn thấy tôi bới đống rác ở thành phố để tìm thức ăn và cởi truồng nằm ngủ dưới gốc cây ven đường cao tốc. Sau hơn một tháng đi tìm con không thấy, tôi trở về thị trấn của mình và lại viết đơn gửi chính quyền địa phương đòi hỏi chính quyền bắt gia đình chồng tôi phải mang trả hai đứa con cho tôi.

Chính quyền địa phương cùng có ý kiến với gia đình chồng tôi. Nhưng gia đình chồng tôi lại chứng minh bệnh tình của tôi càng ngày càng trầm trọng. Họ còn kéo theo một số người quen đứng ra làm chứng bệnh tình của tôi như thế nào. Họ còn dọa chính quyền địa phương bằng cách bắt chính quyền địa phương ký vào giấy cam đoan nếu họ mang hai đứa trẻ về mà chúng bị làm sao do bệnh tâm thần của tôi thì chính quyền địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Thế là, chính quyền địa phương không biết giúp tôi bằng cách nào được nữa. Hơn nữa, với những lời thêu dệt đầy âm mưu của họ, hầu hết các cán bộ của chính quyền địa phương tin là tôi mắc bệnh tâm thần.

Tôi rơi vào vực thẳm của đau buồn suốt mấy năm trời. Sức khỏe tôi giảm sút rất nhiều. Tôi đã xin nghỉ việc ở cơ quan và về sống với ba má đẻ. Tôi mở một cửa hiệu bán tạp hóa nên cũng đủ sống.

Và rồi tôi cũng được gặp hai con tôi. Nhưng vì phải sống xa tôi lâu ngày và vì bố chúng và gia đình bên nội chúng đã tiêm vào đầu chúng tất cả những hình ảnh xấu xí và tồi tệ về mẹ chúng, nên khi mẹ con chúng tôi gặp nhau giống như những người xa lạ gặp nhau vậy. Chính điều đó đã giết chết trái tim tôi. Chính điều đó mới là những gì làm cho tôi trở thành một kẻ tâm thần thực sự. Đêm nào tôi cũng mơ thấy các con tôi vui vầy bên tôi như thuở trước.

Những đêm mất ngủ, tôi ngồi viết lại tất cả những gì mà ba chúng và gia đình bên nội của chúng đã đối xử với tôi. Tôi viết vậy để khi nào các con tôi đã trưởng thành tôi sẽ đưa cho chúng. Chúng phải được biết sự thật về những con người trong gia đình chúng cho dù sự thật ấy đau đớn đến nhường nào.

Đã nhiều năm nay, người dân ở địa phương tôi gọi tôi bằng cái tên “B khùng”. Nhưng cho đến bây giờ tôi cũng không nổi khùng lên vì cách gọi ấy nữa. Cũng cho đến bây giờ, nhiều người trước kia hiểu sai về tôi và tin tôi mắc bệnh tâm thần cũng đã hiểu ra câu chuyện thật của đời tôi và hiểu ra âm mưu thâm độc của những người trong gia đình chồng tôi đối với một người phụ nữ như tôi.

Các con tôi mỗi ngày mỗi lớn khôn. Mặc dù ba chúng và một số người trong gia đình của các cháu luôn luôn tìm cách ngăn cản các cháu đến với tôi và vẫn nói những điều xấu xa về tôi nhưng các cháu đã hiểu nhiều điều.Thi thoảng hai anh em cháu lén đến thăm tôi hoặc gọi điện cho tôi. Tất cả những điều đó đã làm tôi hạnh phúc.

Bây giờ, tôi không nói gì với các cháu về những hành động tồi tệ của bố đẻ các cháu và gia đình bên nội các cháu đối với tôi. Tôi muốn các cháu lớn lên trong một đời sống tinh thần tốt đẹp. Tôi chỉ nói lý do tôi và ba các cháu chia tay nhau là do không hợp nhau mà thôi. Chỉ đến khi các con tôi lớn khôn và hiểu biết, tôi mới cho chúng biết sự thật, mà chúng phải được biết sự thật ấy

Theo Lam (Ghi theo lời kể của chị B. ở Đà Nẵng)
CAND Online
Chia sẻ