Bỏ tiền triệu để lấy được tấm chồng

,
Chia sẻ

Phụ nữ chủ động chuyện cưới xin, đàn ông lập gia đình phải đến ở nhà vợ, con sinh ra mang họ mẹ...

Đến nay, truyền thống gia đình mẫu hệ như trên vẫn được nhiều dân tộc ở Tây Nguyên như Ê Đê, Gia Rai, M’nông, Ba Na… duy trì.

“Mua” con rể

 Lấy chồng được 20 năm, chị H’Hoa ở buôn Thung, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa trả được tiền… thách cưới cho gia đình nhà chồng. Khi bố mẹ chồng mất, khoản “nợ” này chị phải trả cho các chị, em của chồng. “Trả tiền thách cưới cho nhà chồng chưa xong, giờ vợ chồng tôi còn phải lo khoản tiền này cho con gái lớn”, chị nói.

Phụ nữ Ê Đê lên rẫy. Ảnh: Cao Hồng.
Sở dĩ chị H’Hoa lo lắng như vậy là vì theo phong tục, phụ nữ Ê Đê khi lấy chồng, ngoài việc phải trả tiền thách cưới và lễ gà, bánh kẹo… nhà gái phải “tặng” nhà trai ba con lợn. Trong đó, một con để đền ơn công sinh thành, dưỡng dục của mẹ chồng, một con biếu mẹ đỡ đầu và một con để  ăn mừng người con trai đi lấy vợ. Số tiền thách cưới tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai gia đình, hiện nay thường ở mức 15 triệu đến 30 triệu đồng.

Cũng tại xã Cư M’gar, ở buôn Knar B, bà M’Nhui vừa phải đôn đáo vay mượn 20 triệu đồng để con gái cưới chồng. Nhưng đến ngày cưới, gia đình bà mới trả được 10 triệu đồng cho nhà trai. Bà nói: “Mình phải vay nhiều nơi mới được một nửa số tiền thách cưới của nhà trai. Còn bây giờ, mình phải chuẩn bị tiền cho đứa con gái út cưới chồng nữa”.

Một số nhà dân tộc học nhận định, việc nhà gái trả tiền thách cưới cho nhà trai không phải hủ tục. Trong rất nhiều trường hợp, nhà gái tự nguyện làm việc này, coi đó là cách khẳng định vị thế. Điển hình như H’Hương ở buôn Thung, dù lấy chồng người Kinh, không bị thách cưới, nhưng chị vẫn dành tiền để trả cho nhà chồng. Cách đây không lâu, chồng chị -  anh Trương Minh Mười - về Quảng Nam thăm nhà, chị H’Hương đưa anh 15 triệu để báo đáp mẹ chồng. “Không bị thách cưới, nhưng theo phong tục Ê Đê, mình vẫn phải trả. Bao giờ báo đáp được nhà chồng, mới tính đến chuyện xây nhà, mua xe”, chị cho biết.

Không bạo lực gia đình

“Ở đây, phụ nữ được coi trọng lắm. Đàn ông lấy vợ thì phải về ở nhà vợ, lo việc nhà vợ. Con cái sinh ra mang họ mẹ. Vợ chồng nào cũng mong có con gái để nối dõi”, anh Ê Kem ở buôn Knar B, xã Cư M’gar, cho biết.

Phụ nữ Ê Đê khi lớn lên được bố mẹ chia phần đất rộng nhất, tốt nhất, ở gần nhà để sau này chăm sóc bố mẹ khi già. Nếu không may người vợ chết, chồng muốn lấy vợ khác thì trở về nhà tay trắng. Mọi tài sản đều thuộc về con cái. Khi để ý một người, cô gái Ê Đê sẽ nhờ cậu của mình gặp cậu của chàng trai để thỏa thuận. Người cậu về nói lại cho chàng trai. Nếu không thích cô gái đó, chàng trai Ê Đê không từ chối mà… thách cưới rất cao, có khi lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nhà gái đủ giàu và đủ quyết tâm, chàng trai vẫn sẽ thuộc về cô gái.

Trong gia đình người Ê Đê, người vợ, người mẹ quyết định mọi việc lớn nhỏ. Làm nhà, cưới hỏi… nếu không được họ “gật đầu” thì không thể tiến hành. “Thoạt tưởng phụ nữ Ê Đê sung sướng vì có “quyền lực”. Kỳ thực, chúng tôi rất vất vả vì phải lo cả việc lớn lẫn việc nhỏ”,  chị Hă Niê, cán bộ dân số ở xã Cư M’gar, nói.

Chị H’Hoa K’buôr, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Cư'Mgar, cho biết: “Vì truyền thống mẫu hệ mà người Ê Đê hầu như không biết đến bạo lực gia đình. Khi xảy ra chuyện giữa hai vợ chồng thì dòng họ, già làng đứng ra phân xử, hòa giải. Bên người chồng sai, hay bên vợ sai cũng phải nộp vạ rất nặng, do đó các gia đình sống với nhau rất hòa thuận, đầm ấm”.

“Đàn ông là người bị gả bán, họ được phụ nữ trả tiền để cưới về nên phải đến ở nhà vợ để làm việc. Nhưng nếu người chồng đi ngoại tình, thì nhà trai bị nhà gái phạt vạ với số tiền như ban đầu họ thách cưới”, chị H’Hoa K’buôr nói.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ