Báo động tình trạng trẻ tự “hành xác”

,
Chia sẻ

Không biết chia sẻ cùng ai, dần dần, T. rơi vào trạng thái trầm cảm và tìm cách lấy dao lam tự rạch tay mình, có khi thì cấu véo chân tay đến chảy máu để giải tỏa.

Sống trong cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh lộn với nhau khiến B.N.T từ chỗ là một cậu bé hồn nhiên trở nên buồn chán, ít nói. T. cho biết, mỗi lần làm vậy em thấy trong người dễ chịu hơn, nếu không em phát điên…

TS. Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám về rối nhiễu tâm trí Tuna cho biết, hành động này của T. được gọi là tự gây thương tích (TGTT), hủy hoại bản thân. Mục đích khi làm việc này nhằm thoát khỏi cảm xúc đau đớn và tâm lý căng thẳng mà đối tượng không thể kiểm soát hoặc không thể ứng phó được-nhưng lại không nhằm kết thúc cuộc đời như hành động tự tử. Một số hành động TGTT phổ biến gồm cắt; làm bỏng; bẻ gãy xương; kéo tóc; làm xước hay làm bầm tím cơ thể; ăn uống những thứ độc hại…

Một hình ảnh “rạch tay tự sướng” được khoe trên mạng

Theo kết quả điều tra về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY2) được công bố mới đây, tỉ lệ vị thành niên và thanh niên TGTT chiếm 7,5%-tỉ lệ này cao gấp hai lần so với SAVY 1 (năm 2005). Nhóm tuổi tập trung cao nhất là từ 14 đến 17 tuổi, chủ yếu là nam giới.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến hành động tự TGTT của thanh, thiếu niên do hoàn cảnh sống. Ở nông thôn cao hơn thành thị; những trẻ sống cùng bố mẹ thấp hơn trẻ sống trong gia đình thiếu bố/mẹ; bị chấn thương do bạo lực gia đình. Cuộc sống với nhiều áp lực khiến trẻ buồn chán sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ TGTT; hoặc những trẻ đã từng bị tai nạn, lòng tự trọng thấp… cũng có nguy cơ TGTT cao hơn những trẻ khác.
Những người rơi vào hoàn cảnh TGTT để giải tỏa có thể kéo dài hành vi này trong nhiều năm trời mà gia đình không phát hiện ra. Như trường hợp một bạn nữ 21 tuổi ở Hà Nội đến phòng khám Tuna để khám vì thấy buồn, lo lắng, căng thẳng, không ngủ được. H. cho biết, em đã tự rạch tay từ năm 17 tuổi đến nay mỗi khi trong người bức xúc. Em che giấu bằng cách luôn mặc áo dài tay để mọi người không phát hiện ra nhưng có một lần mẹ em đã nhìn thấy và từ đó ngăn cản, cho người canh. “Nhưng không hiểu sao mỗi khi thấy khó chịu trong người em lại không thể cầm lòng được, lại tìm cách rạch tay để giải tỏa. Mỗi lần rạch dù có chảy máu tay nhưng lúc đó không hề thấy đau”-H. chia sẻ.

Ngoài việc tự rạch tay, gây thương tích cho cơ thể thì một trong những cách giải tỏa của thanh thiếu niên là sống… hành xác. Họ tìm đến những nơi xa, có điều kiện vật chất thiếu thốn, đi rừng, ra biển, sống kiểu “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” nhưng lại thấy thỏa mái vì không phải suy nghĩ gì.

Lí giải thêm về nguyên nhân dẫn đến hành vi TGTT, hủy hoại bản thân, sống hành xác, TS.Bưởi cho rằng nguyên nhân thường gặp kết hợp trầm cảm nội sinh, di truyền, cộng thêm sự tác động của tâm lý xã hội. Đó có thể là sự mất mát người thân, bố mẹ hay xung đột, không hòa thuận, bố quá nghiêm khắc, bố mẹ không có thời gian trò chuyện với con, không chăm sóc con.

Điều quan trọng phải nhận ra rằng TGTT chỉ là một biểu hiện cho những vấn đề về tâm lý và cảm xúc sâu xa hơn. Thanh niên TGTT chủ yếu vì họ không tìm ra cách giải quyết những vấn đề trong đời sống. Các bằng chứng chỉ ra rằng lý do của TGTT là rất nhiều và mắc nối với nhau. Thường là những căng thẳng hàng ngày hơn là một sự kiện quan trọng… TS.Bưởi cho biết.

Ngược lại với trạng thái này thì hiện nay có nhiều bạn trẻ đã cố tình rạch tay như một thứ mốt kỳ quái và đưa lên các diễn đàn nhằm khẳng định bản thân. Đây là hành vi cần được loại bỏ. 

  
Theo PL&XH
Chia sẻ