Bà cụ 83 tuổi nhiều lần xin "được chết"

Theo VNE,
Chia sẻ

Già cả, không người thân thích, nhiều lần bà Thanh bị chủ nhà trọ từ chối cho thuê phòng vì chỉ "sợ bà cụ chết".

Hơn 25 năm qua, cụ Đinh Thị Thanh ngồi cân nhờ ở vỉa hè Bách hóa Thanh Xuân. Dáng người nhỏ thó, mái tóc bạc phơ nhưng da dẻ bà vẫn căng, giọng nói sang sảng, đặc biệt là đôi mắt và tai vẫn tinh tường. Ngày nào bà cũng mua báo đọc, tối về lại nghe đài dự báo thời tiết để đối phó với bệnh khớp hành hạ hơn chục năm qua. 10h trưa, cụ bà lại tập tễnh đẩy xe hàng nhỏ từ nhà trọ sang đường đi làm. 

"Cửa hàng" của bà chỉ vỏn vẹn vài cuốn lịch vạn niên, một hộp kẹo, hai bao thuốc lá. Thứ đắt tiền nhất là cái cân bà mới mua cuối năm ngoái, giá hơn một triệu đồng. Chiếc cân ấy bà gửi nhờ cửa hàng ở bách hóa, 10h sáng lấy ra và 21h lại cất vào.

Bà cụ 83 tuổi nhiều lần xin "được chết"

 10h sáng hàng ngày, bà Cân lại đẩy xe hàng sang Bách hóa. Ảnh: Bình Minh. 

Để tránh trùng tên người hàng xóm, bà Thanh đổi tên mình thành Hạnh. Còn nhiều người ở khu Bách hóa Thanh Xuân lại gọi là "bà Cân". Hỏi thăm bà Cân, những chủ hiệu quen biết đều lắc đầu thương cảm: "Bà ấy bất hạnh lắm". 

Năm 1957, khi chồng qua đời, bà Cân (27 tuổi) để lại con trai cho nhà nội nuôi rồi rời Thái Bình lên Hà Nội kiếm việc. Khi vào làm ở trạm điện cao thế, bà quen và trở thành vợ ông Vinh (quê Bình Định) là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết. Ông Vinh đã có một con riêng với vợ trước. 

Sau khi "rổ rá cạp lại", hai người có với nhau một người con tên Hùng và gia đình sống trong căn nhà nhỏ ở phường Ô Chợ Dừa. Sau khi ông Vinh qua đời, mẹ con bà Cân chuyển xuống khu Thanh Xuân. Chục năm trước, anh Hùng cũng bỏ bà ra đi mãi mãi, còn căn nhà lại bị chiếm, khiến bà Cân đau đớn và hay cáu giận. 

Nhắc tới người con chết trẻ, bà lão 83 tuổi lặng người một lúc mới mở lời được. Bà trìu mến gọi con trai là "thằng bé" dù lúc mất, anh đã gần 40 tuổi. Khi còn sống, Hùng được bà yêu thương và chiều chuộng nên dù con đã trở về với cát bụi, con dâu đã đi lấy chồng, bà vẫn thương và vun vén cho hai đứa cháu nội. 

Người con riêng của chồng giờ sống ở Gia Lâm thi thoảng vẫn ghé sang thăm bà Cân. Đã vài lần ông muốn đón mẹ về nhưng bà không đi vì muốn sống một mình. 

Hiện, cụ già cô đơn đi về căn phòng trọ tồi tàn rộng 6m2 chất đầy chai lọ, đồ đạc người khác gửi. Chỗ nằm của bà chỉ vừa đủ thân già nhỏ thó. Buổi sáng, mỗi khi ra khỏi nhà, bà phải đậy bìa cứng lên chăn, chiếu để chuột không "hành quân qua". Chiếc bếp ga du lịch hiếm khi nấu nên còn mới nguyên vì "giờ già rồi, bà không ăn được và chỉ sợ nghẹn". Thỉnh thoảng bà mới dám mua một quả trứng và ít rau luộc nhừ ăn. Ngồi cả ngày ngoài vỉa hè, bà gặp gì ăn nấy. Có hôm, cả ngày bà cụ nhấm nháp bánh mỳ và nhấp thêm ngụm nước cho no.

Bà cụ 83 tuổi nhiều lần xin "được chết"

 Bà gắn bó cuộc đời với chiếc cân và vỉa hè Bách hóa Thanh Xuân đã 25 năm qua. Ảnh: Bình Minh. 

Có đợt, bà Cân phải vạ vật ngoài vỉa hè Bách hóa suốt 3 tháng vì không nhà trọ nào gần đó cho thuê. Nhớ lại quãng thời gian ấy, bà kể: "Sợ tôi chết nên họ không dám cho tôi ở. Có người nói thẳng lý do nhưng cũng nhiều nhà cố tình hét giá thật cao để tôi không thuê được". 

Không có chỗ tá túc, bà Cân ngủ luôn ở chỗ hay đặt chiếc cân. Hai ngày tắm một lần với giá 10.000 đồng và mua nước rửa mặt, mỗi tháng bà Cân "mất toi" vài chục nghìn đồng. Vậy mà không ít lần đang đêm bà còn bị dân nghiện "hỏi thăm" xin tiền. 

Ngày lễ, Tết, dù nắng hay mưa, bà vẫn đi cân ở vỉa hè Bách hóa. Mùng 1 Tết năm nào bà cũng có mặt ở đây để trốn nỗi buồn tủi. Bà Cân tâm sự, nhiều đêm nằm một mình tủi thân, bà chỉ biết khóc. Chỉ trừ khi ốm đau, mệt mỏi bà mới nghỉ ở nhà, còn thì lúc nào bà cũng đi cân, người lớn 3.000 đồng, trẻ em chỉ 2.000 đồng. 

"Không đi làm lấy gì trả tiền nhà mỗi tháng. Ăn thì không lo, chỉ ngặt mỗi tiền nhà. Tôi chỉ cần có chỗ ngủ chui vào cho yên thân", vừa nói, cụ Cân vừa lấy tay bóp chân cho đỡ nhức. Bệnh khớp hành hạ thân già khiến cụ thấy mệt mỏi nhưng "đau cũng kệ" vì "tiền đâu mà mua thuốc". 

Bao năm đi cân, bà cụ cũng có những khách hàng quen thuộc. Có một gia đình từ mẹ tới con gái và các cháu thường xuyên tới chỗ bà. Thi thoảng, những vị khách qua đường vào cân lại biếu bà vài chục ăn quà. Mỗi ngày, bà kiếm được chừng 30.000 đồng, họa hoằn lắm mới được 50.000 đồng. Ngoài ra, bà cũng có thêm chút tiền từ việc quét dọn thuê, trông đồ. Nhưng cũng không ít người cân nhờ hoặc nhảy lên cân trộm rồi chạy mất. Nhắc lại câu chuyện về những vị khách, bà Cân cười vui vẻ.

Bà cụ 83 tuổi nhiều lần xin "được chết"

 Căn phòng trọ chật chội chứa đầy đồ của bà Cân. Ảnh: Bình Minh. 

Thương tình cảnh cụ già neo đơn, một người khách tốt bụng đã trả tiền để gửi cụ vào viện dưỡng lão. Nhưng ở được 3 tháng, phần vì tiếc tiền, phần "không chịu được", cụ Cân xin ra để thảnh thơi với chiếc cân và lại đi ở trọ. Đổi không biết bao nhiêu nhà trọ, cuối cùng cụ Cân vẫn về nhà của gia đình bà Sừ ở khu dân cư số 1, phường Thanh Xuân Nam thuê. Hơn chục năm tá túc tại đó, hai bà trở thành người bạn tâm giao. 

Chủ nhà tự nhận mình là "gàn dở" khi hết lần này tới lần khác đón, mời cụ Cân đến ở trong khi các nhà khác từ chối. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Ngôn, tổ trưởng dân cư số 3 (khu dân cư số 1), cho biết, thấy bà Cân có tuổi, vài lần ông tới nhắc nhở gia đình bà Sừ về việc cho cụ thuê trọ bởi "chẳng may cụ đột tử, công an sẽ tới điều tra nguyên nhân". 

"Cụ Cân cũng không có người thân, không nơi cư trú, ai sẽ là người lo mai táng? Tôi đã yêu cầu bà Sừ cam kết nếu cho bà Cân thuê, sau này có chuyện gì thì gia đình tự chịu trách nhiệm. Hy vọng sẽ có tổ chức nào giúp đưa cụ vào trại dưỡng lão", ông Ngôn nói. Tuy nhiên, bà Sừ cho hay, gia đình bà xác định sẽ lo liệu cho bà Cân nếu chẳng may cụ qua đời. 

Hiện, nguyện vọng lớn nhất của bà cụ có "thâm niên" 25 năm đi cân là... "được chết" và "hiến xác cho y học". Cụ Cân chia sẻ, nhiều lần viết đơn xin hiến xác gửi Bệnh viện Bạch Mai nhưng chưa được chấp thuận. 

"Tôi thích thế. Đọc báo nên tôi biết nhiều người khổ lắm, có người hỏng mắt, hỏng thận. Tôi muốn cho họ để người ta đỡ tiền tí nào hay tí đó. Tôi không sợ chết, chỉ sợ ốm dài ngày", bà lão 83 tuổi tâm sự khi màn đêm đang buông xuống trên con đường tấp nập xe cộ lúc tan tầm.


Chia sẻ