Gặp lại nữ diễn viên xinh đẹp bị tạt axít ở Hà Nội

Theo CAND,
Chia sẻ

Người ta bảo sau tai nạn, người đàn bà ấy luôn trùm khăn kín mít chỉ để hở ra đôi mắt và không bao giờ tiếp xúc với người lạ. Có người lại bảo bà chủ cửa hàng đã bỏ đi biệt tích để không ai nhìn thấy gương mặt xấu xí của mình...

Từng là diễn viên kịch nói, số phận đã đưa đẩy chị phải từ bỏ đam mê nghệ thuật vì cuộc sống cơm áo gạo tiền. Bất hạnh liên tiếp đổ xuống đầu chị. Những cuộc hôn nhân tan vỡ. Người chồng thứ hai trong một cơn cuồng ghen đã thuê người tạt axít hủy hoại dung nhan của chị. Vượt lên tận cùng của nỗi đau, người đàn bà ấy không chịu khuất phục số phận nghiệt ngã…

15 năm sau, tình cờ tôi gặp lại bà chủ bị tạt axít ngày nào. Trên gương mặt chị vẫn còn nhiều vết sẹo, song nụ cười đã trở lại. Bước ra từ bóng tối, người đàn bà đầy nghị lực ấy nay đã trở thành bà chủ của hệ thống cửa hàng kinh doanh mành rèm trang trí lớn nhất khu vực Cầu Giấy. 

Tình duyên lận đận

Tên chị là Lê Thị Kim Tiến, sinh năm 1963, tuổi Quý Mão. Chị bảo hồi trẻ chẳng tin tử vi tướng số, nhưng cái câu "Trai Đinh - Nhâm - Quý thì tài, gái Đinh - Nhâm - Quý đi hai lần đò" hình như vận đúng vào người chị. Tình duyên lận đận và đau đớn thay, người gây họa cho chị lại chính là người chồng chung lưng đấu cật một thời.

Chân dung chị Tiến khi chưa bị tạt axít.

Chị Tiến quê gốc ở Ninh Giang, Hải Dương. Gia đình chị có truyền thống nghệ thuật. Bố chị chuyên dạy hát chèo trong huyện, kiêm chủ một hiệu ảnh. Năm đó chị mới 19 tuổi. Chồng chị cũng là diễn viên kịch nói cùng đoàn và là Trưởng ban chuyên môn, thầy dạy của chị. Thời điểm đó theo quy định của đoàn kịch thì sau khi vào công tác từ 3-5 năm mới được xây dựng gia đình. Chị bảo hồi đó còn trẻ nên nghĩ đã yêu ai thì phải yêu bằng được nên hai người vẫn quyết định làm đám cưới rồi bỏ đoàn kịch. Rồi chị theo chồng về quê ở Ân Thi, Hưng Yên.

Sóng gió cuộc đời bắt đầu từ những ngày bước chân đi lấy chồng. Từ một diễn viên kịch nói chỉ biết đến sàn diễn, buổi sáng chị phải dậy sớm, đi bộ mấy cây số với gánh bánh rán trên vai rong ruổi ra chợ, chiều thì làm ruộng. Cô gái trẻ ứa nước mắt vì ở nhà chỉ đi học và làm ảnh cùng bố, chưa chân lấm tay bùn bao giờ. Nhưng tình yêu tuổi trẻ giúp chị vượt qua tất cả.

"Ngày đó bữa cơm đạm bạc chỉ có rau, nước mắm cũng không có phải đi xin muối hòa với nước thay mắm. Thế nhưng vợ chồng hạnh phúc, rau cháo có nhau.  Đến lúc cuộc sống bớt khổ hơn, có cái ăn cái mặc thì vợ chồng lại chẳng ở được với nhau" - chị ngậm ngùi chua xót kể lại chuyện cũ. Sau này, chị mới nhớ lại trước khi lấy chồng, nhiều người nói cuộc hôn nhân này sẽ tan vỡ nhưng chị không tin. Chị đã cố gắng gìn giữ nhưng cuối cùng vẫn không thắng nổi định mệnh.

Năm 1986, sau khi ly hôn, chị lên Hà Nội vào Đoàn kịch nói Bộ Nội vụ (nay là Đoàn kịch CAND). Lúc đó chỉ là nhân viên hợp đồng, lại ôm theo cậu con trai mới 3 tuổi, chị bảo đồng lương không thể nuôi sống hai mẹ con nên chị tranh thủ đi buôn phụ tùng xe đạp. Công việc làm thêm này đưa đẩy chị gặp Nguyễn Văn C. (54 tuổi), ở Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người chủ mưu vụ tạt axít chị sau này. Gia đình anh C. chuyên kinh doanh phụ tùng xe đạp. C. lúc đó cũng mới ly hôn vợ.

Vụ tạt axít kinh hoàng

Năm 1988, chị bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, bất chấp sự phản đối của gia đình nhà chồng. Mẹ chồng đến cơ quan chị làm ầm lên. Chị buộc phải nghỉ việc. Hai vợ chồng về Hải Dương thuê cửa hàng kinh doanh phụ tùng. Đến năm 1993, thấy công việc làm ăn của vợ chồng chị phát đạt nên nhà chồng nguôi giận, bảo hai người về. Không ngờ sau khi thâu tóm kinh tế, mẹ chồng tìm cớ gây chuyện, xúi giục con trai đối xử tệ bạc với chị.

Chị bảo lúc đó cũng đã nhiều lần làm đơn ly hôn gửi phường Lê Đại Hành nhưng không được giải quyết vì  người ta đòi hỏi hộ khẩu mà chị lại không có. Không chịu được cuộc sống gia đình nhà chồng quá hà khắc, chị ôm con bỏ đi với hai bàn tay trắng.

Không nhà cửa, chị mang con về ở nhà chị gái tại quận Thanh Xuân. Tình cờ năm 1996, hai chị em vào Sài Gòn chơi, thấy nghề làm mành rèm trang trí nhà lúc đó rất phát đạt, chị học lỏm cách làm rồi quyết định ra Hà Nội kinh doanh mặt hàng này. Hai chị em chung nhau mở một cửa hàng rèm nho nhỏ trên phố Tây Sơn mang tên Hải Yến. Sau này chị quyết định mở cửa hàng riêng, lấy tên cậu con trai thứ hai Công Anh.

Bà chủ cửa hàng rèm Công Anh xinh đẹp, kinh doanh giỏi giang lại độc thân  khiến  nhiều người đàn ông tơ tưởng là chuyện bình thường. Đúng lúc đó, người chồng thứ hai Nguyễn Văn C. đến tìm chị đề nghị nối lại tình cảm. Chị không chấp nhận thì C. dọa nếu không quay về sẽ tạt axít.

Chị vẫn nhớ như in ngày định mệnh hôm đó là 23/8 âm lịch năm 1997. C. ngồi lỳ ở cửa hàng ỉ ôi xin chị quay lại với anh ta. X ẩm tối, chị đóng cửa hàng về nhà em gái ở Yên Hòa, anh ta vẫn lẵng nhẵng đi xe theo sau. Lúc đó mải về nhà cơm nước vì công việc lúc đó rất đắt khách, hôm nào chị cũng thức đêm may rèm đến 1-2h sáng, nên chị cũng không chú ý đến cậu thanh niên kia đi theo mình.

Đến trước Trung tâm thương mại Cầu Giấy, bất ngờ chị thấy mặt bỏng rát, cảm giác như có cả khối bê tông đổ ập lên mặt. Chị biết ngay đã bị hắt axít, liền kêu cứu. Nguyễn Văn C. đi sau, giả vờ kêu lên: "Trời ơi, ai cứu vợ tôi với!".  Khi đưa chị vào Bệnh viện 103 cấp cứu, thái độ luống cuống, run rẩy của anh ta đã khiến Cơ quan công an nghi vấn. Bị triệu tập về trụ sở công an, Nguyễn Văn C. khai nhận ngay anh ta chính là kẻ chủ mưu thuê người tạt axít vợ. Đối tượng trực tiếp tạt axít chị bỏ trốn và bị bắt sau đó mấy năm, bị xử 15 năm tù giam.

Chị Tiến bảo khi bị hắt axít, chị cũng biết ngay C. là thủ phạm nhưng thực sự trong lòng, chị không muốn anh ta lại bị bắt. Sau này ra tòa chị vẫn đứng ra xin cho anh ta. Thậm chí khi anh ta  thụ án tại trại Tân Kỳ, Nghệ An, chị vẫn lặn lội vào thăm, mang cả con nhỏ vào. 

Một thời gian sau chị nghe bên nhà chồng cũ mỉa mai rằng, bây giờ xấu xí, không lấy được ai nữa nên muốn quay lại. Chị cảm thấy bị xúc phạm và cũng không muốn bị mang tiếng nên từ đó không đến thăm C. nữa. Nhưng chị vẫn làm những việc tình nghĩa với C., làm đơn xin giảm án cho anh ta. Cũng vì tác động của chị, C. được giảm án từ 15 năm xuống 13 năm. Do cải tạo tốt nên 7 năm sau, C. được ra trại. Dường như hối lỗi, C. đã đến nhà xin lỗi chị.

Trở lại những ngày chị điều trị bỏng axít tại Bệnh viện Quân y 103. Đó là những ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời chị. Những ngày ở trong bệnh viện, chị chỉ nhớ liên tục lên bàn mổ, lúc nào cũng mê man vì chưa kịp tỉnh đã lại gây mê cho cuộc phẫu thuật tiếp. 

Sau hơn 1 tháng điều trị, chị trốn viện về nhà. Chị bảo không chịu nổi khi liên tục phẫu thuật. Trong vòng 41 ngày, chị trải qua gần chục ca mổ. Trên người chị giờ đây chỗ nào cũng có sẹo vì những mảng da lành lặn lần lượt được bóc tách phục vụ cho việc phẫu thuật vá da trên vùng mặt và cổ đã bị axít hủy hoại. "Em có tưởng tượng người ta lột da con ếch thế nào không thì người chị cũng bị bóc da gần hết như vậy. Tan nát hết" - chị nói mà nước mắt cứ giàn giụa.

Chị nhớ rất rõ về nhà được vài hôm, một buổi tối chị vào nhà tắm và nhìn thấy mặt mình trong gương. Cảm giác lúc đó của chị ghê sợ như gặp phải quái vật.  Chị đã hét lên rất to khiến cả hàng xóm cũng phải chạy sang. Trong gương không phải là chị, người đàn bà xinh đẹp ngày nào mà là một bộ mặt gớm ghiếc, méo xệch, rúm ró sẹo. 

Tôi nghĩ chị là một người đàn bà quả cảm khi đến giờ, chị vẫn lưu giữ toàn bộ những tấm hình ghi lại chân dung của chị sau khi bị tai nạn, theo từng thời gian. Chị đưa cho tôi xem. Dù chỉ nhìn qua ảnh thôi nhưng tôi biết chị đã đau đớn như thế nào khi phải mang một gương mặt ác mộng bằng ấy năm trời…

Chia sẻ