Sáng xài hàng hiệu, tối về… mỳ tôm

Nguyễn Nguyệt - TTVN,
Chia sẻ

Nhìn cô gái có dáng vẻ tiểu thư đài các, hàng hiệu “phủ” từ đầu đến chân, ít ai ngờ Hà My sống trong một nhà trọ dột nát, ngày nào cũng phải ăn uống tằn tiện, kham khổ.

Công sở sành điệu là phải hàng hiệu

Từ lúc Hà My (25 tuổi) bước qua cửa chính, đi dọc hành lang cho đến khi ngồi vào bàn làm việc, mọi ánh mắt đều hướng về cô gái xinh đẹp và quyến rũ. Tất nhiên, không đẹp, không quyến rũ sao được khi mà từ đầu đến chân của My đều là các loại hàng hiệu nổi tiếng thế giới. Một trong những thương hiệu ưa thích của cô là BCBG Max Azria. Ngoại trừ chiếc đồng hồ Gucci ra thì tất cả những thứ đang mặc trên người cô chủ yếu là của BCBG Max Azria. Chiếc váy màu nude có giá hơn 3 triệu rưỡi, đôi giày màu kem giá cũng hơn 2 triệu, nhưng đắt nhất là chiếc túi xách có giá gần chục triệu.

Nếu Hà My đi ngoài đường, người ta sẽ không nghĩ cô chỉ là nhân viên kinh doanh của một công ty tư nhân. Từng có người nhầm cô với những người mẫu, diễn viên nổi tiếng. Họ nhầm vì mặt My giống diễn viên thì ít, mà vì chiếc váy, chiếc túi xách cô đang dùng là nhiều. Mà ngẫm ra cũng chẳng có gì là lạ, My thích xem các chương trình, tạp chí thời trang rồi chỉ lựa chọn những mẫu mã nào mà giới nhà giàu và những nữ nghệ sĩ nổi tiếng đã từng dùng.


Nhiều chị em phụ nữ sẵn sàng nhịn ăn nhịn chơi để mua những món hàng hiệu đắt tiền (Ảnh minh họa)

Mỗi khi có ai đùa đùa gặng hỏi sao giờ “đua đòi” thế, Hà My chỉ cười: “Công việc của mình phải gặp gỡ khách hàng thường xuyên, trong số đó có nhiều người là trưởng phòng, giám đốc. Họ toàn dùng hàng đắt tiền. Ngày trước mình ăn mặc bình dân đi gặp những đối tượng như vậy toàn bị họ không xem thường. Nếu mình không đầu tư vào vẻ ngoài thì rất khó nói chuyện với họ.”

Cứ vào giờ nghỉ trưa hoặc cuối tuần, Hà My lại dạo một vòng quanh mấy khu phố hàng hiệu ở Hà Nội để “rình” hàng mới. Ban đầu mục đích mua đồ đắt tiền chỉ là để phục vụ công việc, nhưng mua nhiều quá hóa quen, My trở thành người nghiệm shopping lúc nào không biết.

Giống với Hà My, Thu Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là một tín đồ của hàng hiệu dù chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường. Nhưng điều khác là Hằng xoay đủ mọi cách để sở hữu những sản phẩm cao cấp là vì… sĩ diện. Cô tự hào khoe: “Mình chả bao giờ dùng hàng fake cả. Dùng fake chị em khinh cho. Đã có tiền thì phải dùng hàng xịn, vừa sướng, vừa oai.”

Để có tiền, Thu Hằng không ngại cặp với những người đàn ông giàu sụ, có người đáng tuổi cha cô. Nếu không vậy thì khoản tiền lương công chức bèo bọt làm sao “gánh” nổi chiếc túi da cá sấu mấy chục triệu cùng đủ loại quần áo, giày dép, mỹ phẩm cao cấp.

Mỹ Quyên, một nhân viên ngân hàng làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh thì có thâm niên lâu năm dùng hàng hiệu. Chị bắt đầu mua sắm những món đồ có giá hàng chục triệu từ những năm đầu tiên đi làm cho đến khi lấy chồng, có con. Giờ đây, số hàng hiệu mà chị vẫn còn đang sử dụng có tổng giá trị khoảng 200 triệu. Nhưng quả thật, từ ngày kinh tế khủng hoảng, lạm phát không phanh, chị cũng phải xem xét cẩn thận trước khi quẳng cả cục tiền ra mua một chiếc váy hay một chiếc túi xách.


Dùng hàng hiệu khiến nhiều người thấy tự tin và "đẳng cấp" hơn.

Cứ mỗi khi nhớ về một thời “vàng son”, chị lại thở dài: “Nhiều khi thèm mua váy áo, trang sức đắt tiền, mình toàn phải giấu chồng mua. Anh nhà mình không thích thói hoang phí.”

Chị Minh Nguyệt, chủ một cửa hiệu chuyên cung cấp giày da cao cấp của Pháp cho biết: “Khách hàng tới cửa hàng của mình chủ yếu thuộc hàng ‘đại gia’, muốn mua hàng hiệu để khẳng định đẳng cấp. Nhờ những đối tượng như vậy nên dù tình hình kinh tế chung có khó khăn, doanh số bán hàng của mình vẫn khá ổn định. Bên cạnh những khách hàng đi ô tô cũng có một số người tuy điều kiện kinh tế không mấy dư dả vẫn ghé cửa hàng mình đều đặn. Một số người do nghiện hàng hiệu, một số người vì thể diện mà phải cố chắt bóp để mua đồ sang cho bằng chị bằng em". Theo chị Nguyệt thì dường như bão giá không ảnh hưởng gì đến thói quen mua sắm đồ hiệu của chị em, "căng" lắm thì mua ít hơn năm ngoái tí chút mà thôi.

Sáng xài hàng hiệu, tối về… mỳ tôm

Nhìn Hà My với dáng hình không khác gì một tiểu thư con nhà giàu, ít ai ngờ rằng cô phải sống trong một khu nhà trọ sinh viên dột nát với giá thuê chỉ 700 ngàn đồng một tháng. Buổi sáng đi làm, cô chỉ gặm một chiếc bánh mỳ lót dạ. Hôm nào sang lắm mới dám ăn một bát phở. Tối về chỉ có cơm canh đạm bạc chẳng khác gì các em sinh viên. Thậm chí, có tháng trót vung tiền mua cái này cái kia thì cuối tháng cô chỉ ăn mỳ tôm sống qua ngày.

Nếu có người nào vô tình biết cuộc sống hai mặt của Hà My, cô chỉ cười: “Giờ mình chưa có gia đình, ăn tiêu thế nào là do mình thôi. Bao giờ có gia đình thì đâu khắc vào đó.”

Hay như P.Phương, một nhân viên công ty thời trang thì từ đầu đến chân toàn hàng hiệu. Túi LV, áo Burberry, giày Salvatore... Nhưng trong túi Phương chẳng bao giờ có đủ 1 triệu. Cứ đến giữa tháng là Phương vá víu khắp nơi, mượn bạn bè, vay bố mẹ rồi đầu tháng lĩnh lương mới trả. Cũng giống Hà My, cô mua một thùng mì về ăn sáng "thường niên", thi thoảng lắm mới dám đi ăn hiệu với bạn. Thế mà tháng nào cũng thấy Phương "phát rồ" lên vì đồ hiệu. Chị em trong phòng không hiểu Phương đua đòi đồ hiệu làm gì khi cuộc sống của cô chưa đến mức "chuẩn" để thoải mái sử dụng hàng hiệu. Nhưng vì "đam mê", cô gái này vẫn quyết "sống khổ" để được xài những brand name tên tuổi.


Không phải ai cũng cũng dám bước chân vào những gian hàng chỉ bán đồ hiệu.

Còn Thu Hằng, quý cô chuyên cặp với đại gia thì không phải lúc nào cũng dễ dàng "một bước hàng hiệu, hai bước xe hơi". Nhất là khi các đại gia no xôi chán chè, hoặc đòi hỏi quá đáng và muốn cô phải phục tùng lẫn phục vụ "nhu cầu". Kiểu như Hằng, nhiều chị em công sở thường "nói mát" là "hàng công sở", vì cô sẵn sàng cặp kè với những người đáng tuổi bố mình chỉ để đổi lấy những món đồ hiệu đắt giá.

Hằng không bao giờ cố định người yêu, phải thay đổi liên tục để còn "moi" thêm vật chất. Nhưng việc cắt đứt quan hệ với những đại gia này không phải lúc nào cũng êm thấm. Hằng kể, có lần sau khi chia tay nhân tình việt kiều, gã này đã tìm đến tận nơi cô làm việc để gây rối. Hắn làm ầm cả công ty, rồi kể tội cô trước mặt tất cả mọi người. Tối hôm ấy, hắn còn lái ô tô đến tận nhà Hằng, đòi lại hết những món đồ đắt tiền đã từng mua tặng. Vụ ầm ỹ đó khiến Hằng xấu hổ muốn "độn thổ", và cô đã phải xin nghỉ phép 1 tháng để đỡ phải chịu cảnh bị liếc xéo và cười đểu của các chị đồng nghiệp.

Chia sẻ