Mẹ già một đời còng lưng nuôi con, chăm cháu

Theo dantri.com.vn,
Chia sẻ

Nếu ai hay đi đến chợ La Chữ (thôn La Chữ, p.Hương Chữ, TX Hương Trà) chú ý sẽ thấy 1 bà lão già lưng khòm mưu sinh cùng 1 con gái, 1 cháu trai bên các gian hàng vào ban ngày, ban đêm cả 3 người ngủ vạ vật trong nhà kho của chợ.

Cụ bà đó tên Lê Thị Đằm, năm nay đã 85 tuổi với khuôn mặt đẹp phúc hậu. Là người ở vùng quê La Chữ (TT-Huế), lớn lên lấy chồng rồi ra nhà chồng ở Quảng Trị và sinh được 4 người con. Số phận của bà không may từ lúc chồng mất, nhà nội hắt hủi bà dắt díu 4 đứa con về lại quê ngoại sinh sống. Nhưng nhà chật mà anh em trai lại đông nên bà đành phải lên độn (phần đất gò đồi gần các núi) cất chòi sống. Thời kháng chiến chống thực dân Mỹ, bà Đằm làm việc cho cách mạng, bị địch tra khảo nên lưng bà bị cong từ hồi trẻ đến giờ. 


Với chiếc lưng còng - dấu tích của 1 thời chống thực dân, 
mệ Đằm chịu khổ cực suốt nhiều năm nay.

Trong chương trình giúp người nghèo sau thiên tai của xã hơn 10 năm trước, bà Đằm được cấp cho 1 căn nhà làm bằng khung sắt. Nhưng do bà không có đất nên không thể dựng nhà được. Thấy thương tình, ông Phan Thành (người dân thôn Phụ Ổ - ở gần độn nơi mấy mẹ con bà Đằm sống tạm) gọi bà về ở trong đất của mình, đồng thời cho cất khung nhà sắt của nhà nước cho để có nơi tá túc.

Một thời gian sau, vì hoàn cảnh gia đình, ông Thành không cho mấy mẹ con bà Đằm ở nhờ trên đất mình nữa. Thế là cả mấy mẹ con dắt nhau ra góc chợ kiếm kế sinh nhai và ở lay lắt dưới gốc cây đa sau lưng mấy kiot trước khu chợ La Chữ. 3 người con gồm 2 gái, 1 trai đã vào Nam tìm việc làm và đã có chỗ làm việc, lập gia đình nhưng vẫn không ổn định khi phải ở trọ. Còn lại 1 người con gái là chị Hoàng Thị Bê ở lại với mệ Đằm.

Kết hôn với 1 người chồng, chị Bê sinh được 1 cháu trai. Nhưng do người chồng nhiễm thói trăng hoa quan hệ, chị Bê đành gạt nước mắt ly thân với chồng nuôi con. Dựa vào nhau mà sống nên phải tìm nhiều cách để mưu sinh như bán dạo, bán thuê cho người trong chợ thì cả 3 bà cháu mới có cơm đủ ăn. Ngày làm quần quật, tối về ngủ lại dưới gốc đa - nơi có che vài tấm phibro ximăng vắt qua cành cây. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn buồn tẻ từ ngày này qua ngày khác. Cháu Lê Hữu Lộc (con chị Bê) học được vài năm thì cũng nghỉ học rồi phụ mẹ, bà làm việc tại khu chợ này.

Tai ương xảy ra khi một ngày năm ngoái chị Bê đang bán rổ rau trong chợ bỗng choáng váng đầu óc và lăn ra ngất xỉu. Sau khi lên bệnh viện cấp cứu, xét nghiệm mẫu máu thấy có những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ đã cho kết quả chị bị ung thư máu. Thiếu tiền chữa trị, chị bèn phải vay mượn hội phụ nữ xã 15 triệu để lo thuốc men nhưng chưa có khả năng chi trả. Mất chị Bê, người lao động chính trong gia đình, mệ Đằm và cháu càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong suốt thời gian con điều trị trên bệnh viện, bà Đằm cố gắng bán thêm hương, trầu cho các hàng dù cái lưng còng cữ trĩu xuống làm bà đi đứng không được.

Người chủ hàng thương tình trích lại cho bà từ vài trăm đến vài ngàn đồng nếu bán được. Như bán được 5.000 đồng trầu cau, bà được 500 đồng; bán được vài ốp hương từ 10.000-20.000 đồng thì có thêm 1.000-2.000đ... Số tiền ít ỏi đó bà dành dụm cho con chữa bệnh. Còn ngày 3 bữa, bà đi xin ăn nhờ quanh các hàng ăn ở chợ. 


Mệ ngồi phụ bán thêm cho hàng đồ mã, cau trầu và 
xem hàng giúp cho chị bán cháo lòng ở chợ La Chữ.

Các nhà ở xung quanh chợ La Chữ thấy cám cảnh phận già mà con mang nợ nuôi con bị bạo bệnh nên buổi tối thường hay mời bà về nhà ăn cơm và nghỉ qua đêm. Bù lại, bà Đằm cũng giúp nhà nấu cơm, đồ ăn hay coi giúp cháu nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Lỵ, người bán cháo lòng ở chợ La Chữ nói: “Gia đình mệ Đằm ở vất vưởng quanh chợ này từ 10 đến 20 năm nay kể từ ngày tôi bán cháo lòng. Thấy mệ mà thương, buổi sáng tôi hay mời mệ ăn tô cháo cho ấm lòng. Mệ cũng thương tui, cứ hay ngồi canh hàng đuổi ruồi nhặng quanh nồi cháo”.

Hiện tại, mệ Đằm cũng có 1 chỗ tá túc nữa là nhà kho của chợ - nơi có nhiều bức tường xi măng đã đến thời kỳ “quá độ” có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. “Mệ ở chợ hơn chục năm nay. Lúc trước nhà mệ dưới gốc đa, sau mệ xin thuê nhà kho này để ở với 2 con, cháu. Tuy nhiên vì hư hỏng nặng, tường dễ sập nên tụi tui không cho mệ ở nữa. Dù vậy mấy bữa ni mệ chỉ thỉnh thoảng ngả lưng ở trong đó chứ hay ở bên hàng xóm hơn” - anh Phan Huy, cán bộ quản lý chợ La Chữ cho hay.

Mệ Đằm tâm sự với chúng tôi: “Mệ già rồi sống như răng cũng được, chỉ mong cho con được chữa lành bệnh và có 1 miếng đất nhỏ gần chợ rồi che lều tạm bợ để con cháu tiện mưu sinh chứ không mong gì hơn. Xin các anh giúp mệ để mệ đỡ khổ”.

Chúng tôi đã vào thăm chị Bê đang nằm điều trị tại Khoa huyết học lâm sàng, BV Trung ương Huế. Hiện sức khỏe chị rất yếu, người gầy rọp vì ăn uống không được chỉ húp cháo hồ xay nhuyễn như nước lạnh cầm hơi. Thêm vào đó, mỗi ngày chị điều trị lọc máu với nhiều thuốc men chi phí tốn kém. “Xin anh giúp em được chữa trị lành, bệnh ung thư máu của em tuy phát hiện sớm nhưng các bác sĩ nói em bị khá nặng. Em chỉ mong lành bệnh để về với mẹ” - chị Bê con mệ Đằm thều thào nói.


Chị Bê - lao động chính trong nhà mệ Đằm bị gầy rọp người vì bạo bệnh
đang được con trai (chưa có nghề nghiệp) chăm sóc ở
khoa Huyết học lâm sàng, BV Trung ương Huế

Theo chị Hà Thị Hà, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hương Chữ, hộ mệ Đằm thuộc dạng hộ nghèo tại địa phương. Hoàn cảnh của mệ có con bị ung thư máu càng khiến gia đình thêm khốn khó. Phường đã một số đợt vận động giúp gần 5 triệu đồng cho nhà mệ. Vì hoàn cảnh, do phải sống gần chợ để làm việc nên dù có thể cấp đất cho mệ như 1 số trường hợp trước đây - đến sống những nơi xa như ở độn, núi. Nhưng vì làm như thế mệ không chịu và chỉ muốn về chợ để còn đường làm ăn. Nên chỉ có cách là các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp sức để mệ có được một miếng đất nhỏ gần chợ là hợp lý nhất.

Trên đường về, lòng chúng tôi miên man khôn kể khi những phận người trong gia đình mệ Đằm sao quá đỗi đáng thương. Không có nhà, sống vất vưởng bên góc chợ, con còn bị ung thư. Mong sao nhiều tấm lòng thơm thảo hãy chung tay và giúp cho gia đình mệ qua cơn nguy khó.
Chia sẻ