Đọc "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời", tôi không thể rời mắt...

Phương Lâm,
Chia sẻ

Đôi lúc tôi nghĩ Shimamoto chỉ là cái gì đó phi vật thể. Giống như vì cái gì đó, vì sự quá chán chường trong cuộc sống tới hoàn hảo của mình mà Hajime tạo ra cô ấy...

4 năm trước, tôi là người không thích tác phẩm của Murakami. Lúc đó tôi đã đọc một tập truyện ngắn của ông và cả “Rừng Na Uy”. Nhưng nó không cuốn hút tôi chút nào. Tôi chỉ thấy bế tắc, sex và những thứ ngoài tầm hiểu biết của tôi. 18 tuổi. Tôi hăng hái, tràn đầy nhiệt huyết sống và còn muốn tiến xa trên con đường học hành. Tôi gạt bỏ mọi thứ làm tôi cảm thấy chán chường.

4 năm đại học, tôi vỡ mộng vô số mục tiêu tôi đặt ra. Tôi rơi vào nhiều trạng thái. Nhiều sự khủng hoảng. Khi trượt dốc, tôi cứ nghĩ mình rồi sẽ phanh kịp. Nhưng khi trườn lên đồi, tôi bò một cách vô cùng khó khăn để trở lại ngang chừng, bằng với những người đồng hành cùng mình. Một vài thứ vỡ ra cho cuộc gặp gỡ thứ hai với Murakami trong cuốn Phía Nam biên giới, phía tây mặt trời.
 
Nội dung của nó đơn giản thôi. Đó là câu chuyện của người đàn ông gần 40 tuổi tên là Hajime. Anh ta thuộc thế hệ con một hiếm hoi của Nhật vào thời kì những năm 50 – 60 của thế kỉ trước. Một cuốn tự truyện bắt đầu từ khi Hajime còn là học sinh cấp một gắn bó với cô bạn tên Shimamoto cho tới năm 16 tuổi có mối tình đầu với cô bạn Izumi và những vỡ vạc giới tính đầu tiên.
 
Rồi anh phản bội cô bạn của mình. Rồi anh vào đại học. Rơi vào cuộc sống chơi vơi, chán chường của những thanh niên không biết mình muốn gì giữa cuộc sống này. Anh lấy vợ khi ngoài ba mươi. Có hai cô con gái xinh xắn. Có sự nghiệp kinh doanh phát đạt sau khi lấy vợ. Cuộc sống hoàn hảo không một tì vết cho tới khi Shimamoto xuất hiện làm thức dậy sâu trong tiềm thức của anh sự ham muốn tình yêu say đắm.

Lần đầu tiên tôi đọc nó vào hai năm trước khi ở trọ cùng ba người chị. Đó là cuộc sống thật đầu tiên của tôi khi rời khỏi D. và Y, hai người bạn từ hồi phổ thông.
 
Nhưng tôi chỉ đọc tới đoạn Hajime rời bỏ Izumi. Tôi không đọc tiếp nữa. Lúc đó tôi tưởng tượng ra phần sau của câu chuyện là chuyến đi của nhân vật tới Mexico hay tới vùng phía Tây mặt trời mà không biết đó chỉ là tên một bài hát, là kí ức sâu thẳm nằm bên trong Hajime, là tình yêu trong tiềm thức của người đàn ông trong anh.
 
Cảm xúc truyện cứ trôi đi, không có chút cao trào cho tới khi Shimamoto đột nhiên xuất hiện giữa phố đông người khiến anh phải đi theo nàng như một kẻ đáng ngờ. Họ xa nhau từ khi Hajime lên cấp hai. Cuộc theo gót đó mang tới cho anh một phong bì tiền khá nặng và lời cảnh báo về việc theo chân người phụ nữ bí ẩn kia. Nhưng chỉ là con sóng nhỏ rồi lại nhanh chóng trôi theo dòng chảy ra phía xa chìm dần.
 
Rồi họ cũng gặp lại nhau, ngồi hàn thuyên với nhau như hai người bạn thanh mai trúc mã. khi Hajime đã có công việc kinh doanh thành công và gia đình hạnh phúc với hai cô con gái xinh xắn. Sau những lần trò chuyện, cô biến mất một cách bí ẩn chẳng hẹn lần gặp lại.
 
Những ly cocktail sóng sánh màu sắc, những âm điệu nhạc jazz đầy ngẫu hứng lôi ta theo câu chuyện của họ, đưa đẩy cảm xúc với họ và dần lên cao trào khi Hajime yêu. Vâng, anh yêu Shimamoto và thậm chí sẵn sàng từ bỏ tất cả vì cô. Đó không còn là người đàn ông gần 40 tuổi nữa. Đó chỉ là chàng trai mới vừa 20.
 
Tôi không thể rời khỏi câu chuyện cho tới khi nó kết thúc và không phủ nhận rằng có phần hơi hẫng hụt bởi nhân vật Shimamoto quá bí ẩn. Tôi bị hút vào cô ấy, tò mò cô ấy là ai, cô ấy ra sao mà quên mất rằng mạch truyện được dẫn dắt bởi nhân vật chính là Hajime. Quá nhiều triết lý tôi chẳng thể hiểu. Quá nhiều ý tứ tôi chưa đọc hết.
 
Nhưng tôi bị ám ảnh. Đôi lúc tôi nghĩ cô ấy chỉ là cái gì đó phi vật thể. Giống như vì cái gì đó, vì sự quá chán chường trong cuộc sống tới hoàn hảo của mình mà Hajime tạo ra cô ấy.
 
Người con gái hiểu anh nhất, gắn bó với anh nhất và chung những sở thích rất nhỏ với anh. Bám vào điều gì đó siêu tưởng để sống có lẽ dễ dàng hơn là cứ để cho cái cuộc sống nhàm chán bóp nghẹt lấy mình. Như đôi khi tôi vẫn tưởng tượng ra mình không phải là mình nữa vậy.
Chia sẻ