Đồ chơi bạo lực: Cấm nhưng vẫn bán

Huyền Trang - Chí Toàn,
Chia sẻ

Trung thu đến gần, thị trường đồ chơi cho trẻ em tại Hà Nội đang vào mùa “thu hoạch”. Không ít trong số đó là đồ chơi bạo lực và kinh dị như súng, dao, kiếm, mặt nạ tử thần…

Các cửa hàng trên những tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Lược, Chả Cá, Lương Văn Can… luôn tấp nập người bán kẻ mua. Hàng trăm chủng loại, mặt hàng đồ chơi cho thiếu nhi được bày bán la liệt.

Đồ chơi bạo lực: Cấm nhưng vẫn bán
Thoạt nhìn, các cửa hàng đồ chơi này buôn bán khá nghiêm túc và chỉ bày các mặt hàng 
"nhẹ nhàng" như thú bông, búp bê, bộ xếp hình, robot, xe ô tô… (Ảnh: Chí Toàn)

Những mặt hàng đồ chơi “ăn theo” kiểu dáng của vũ khí trong một số game online bạo lực, truyện tranh hoặc phim hoạt hình như súng bắn đạn nhựa, súng ngắn, súng trường, kiếm, đao phát sáng… không còn được bày tràn lan như mấy năm trước, vì theo một số chủ cửa hàng, những loại đồ chơi này là “hàng cấm”.

Đồ chơi bạo lực: Cấm nhưng vẫn bán
Để kín đáo, người ta không bày “hàng cấm” tràn lan ra sạp. (Ảnh: Chí Toàn)

Tuy nhiên, nếu khách nhiệt tình hỏi han, các chủ cửa hàng sẽ “nể” mà lấy “hàng tồn kho” giấu kỹ dưới gầm sạp ra bán. Có cửa hàng cẩn trọng hơn, khi chắc chắn khách có nhu cầu mua thật mới chạy về kho lấy cho khách xem.

Những loại đồ chơi bạo lực này được quảng cáo là hàng ngoại nhập (nhập ở đâu thì chủ hàng không tiết lộ!) có giá không hề rẻ, dao động từ vài chục đến vài trăm, thậm chí vài triệu đồng.

Loại bình dân như lưỡi hái tử thần bằng nhựa, in nổi hình đầu lâu, rìu nhựa sơn màu kim loại, đinh ba, chùy… có giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng, kiếm mô phỏng vũ khí của game Cửu long tranh bá, Võ lâm truyền kì… giá bán khoảng 80.000 đồng.

Đồ chơi bạo lực: Cấm nhưng vẫn bán
Một mẫu đồ chơi “lưỡi hái tử thần”. (Ảnh CAND)

Hút hàng hơn như súng bắn đạn nhựa, súng bắn đạn cao su, súng trường, súng hơi có giá từ 80.000 - 250.000 đồng, chưa kể “phụ kiện” như lưỡi lê phát sáng gắn vào đầu súng, pin, đạn nhựa, đạn bằng bi sắt.... Súng bắn laze chạy bằng pin, có nhạc và bộ phận phát sáng cũng hút khách.

Một số chủ cửa hàng bán đồ chơi cho biết, mỗi dịp Trung thu, cùng với những mặt hàng bạo lực, các kiểu mặt nạ, bờm đeo kinh dị có hình sừng quỷ, hồn ma… là mặt hàng bán chạy hơn cả.

Các bậc phụ huynh thường “dụ dỗ” con mua đèn lồng, bộ xếp hình, máy bay, ô tô mô hình… nhưng không mấy thành công. Trẻ em, nhất là các bé trai, rất mê những món đồ chơi ăn theo game, truyện tranh, phim hoạt hình, vì chúng vừa “hợp xu hướng” vừa hấp dẫn.

Không ít cửa hàng và cá nhân buôn bán đồ chơi bạo lực còn đẩy mạnh thêm mảng kinh doanh điện tử trên Internet để “phục vụ tận tình” khách hàng trong dịp Tết Trung thu này. Trên các cửa hàng online ấy, mặt hàng phong phú, giá cả đa dạng và tấp nập không kém gì ở phố đồ chơi. Thậm chí, nhiều cửa hàng “online” chào bán cả “hàng độc” là súng bắn đạn nhựa “y như thật” với giá 4 – 5 triệu đồng.

Đồ chơi bạo lực: Cấm nhưng vẫn bán
Súng nhựa mô phỏng súng thật từ hình dáng đến cách thức hoạt  động. (Ảnh: ANTĐ)

Trái ngược với cảnh tấp nập mua bán tại các sạp hàng đồ chơi ngoại nhập, nhiều loại đồ chơi dân gian truyền thống như trống cơm, trống bỏi, đèn ông sao, đầu lân… đang rơi vào tình trạng ế ẩm.

Nhiều làng nghề nổi tiếng xưa như làng làm tiến sĩ giấy ở Vân Canh, Hoài Đức, làng làm tàu thủy sắt tây ở Khương Hạ, Thanh Xuân, làng tò he ở Xuân La, Phú Xuyên… và một số nghệ nhân làm thiên nga bông, đầu lân ở phố cổ Hà Nội cũng vì thế mà có nguy cơ mai một.

Căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (QCVN 3 : 2009/BKHCN), đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước và nhập khẩu chỉ được phép lưu hành trên thị trường khi được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn (có độ pH hay hàm lượng độc tố formaldehyde không vượt quá tiêu chuẩn cho phép) và đều phải dán tem CR (chứng nhận hợp quy). Các loại đồ chơi nhập khẩu khi vào thị trường nội địa phải được kiểm tra chất lượng, có chứng nhận hợp quy và tem chứng nhận chất lượng.

Tuy nhiên, không phải đồ chơi nào bày bán ở phố đồ chơi Hà Nội cũng đáp ứng đủ các yêu cầu trên. Đây là một thực trạng đáng báo động tại các thành phố lớn.

Đồ chơi là một trong những yếu tố quan trọng giúp các bậc phụ huynh dạy dỗ con cái, truyền thụ kinh nghiệm sống, ảnh hưởng gián tiếp tới việc hình thành nhân cách, phản xạ của trẻ nhỏ. Vì thế, lựa chọn đồ chơi cho trẻ không đúng cách, không hợp chuẩn, cụ thể là những đồ chơi mang tính bạo lực, kinh dị, vô hình chung sẽ tác động đến hành vi, tính cách, thậm chí là sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.

Chia sẻ