Điều quan trọng cha mẹ cần làm để phòng phản ứng quá mẫn sau tiêm vaccine

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Để đảm bảo an toàn, cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm vaccine để tránh những biến chứng có thể.

Tiêm phòng là một trong những điều cần thiết giúp trẻ phát triển và phòng tránh nhiều căn bệnh nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm để tránh những biến chứng có thể. 

Sau khi tiêm cần ở lại 30 phút theo quy định

Theo Bs Minh Tân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: Lợi ích của tiêm chủng cho sức khỏe cộng đồng ai cũng rõ và là điều không thể phủ nhận. Song, cũng như thuốc, vacxin dùng trong tiêm chủng luôn đạt yêu cầu về tính an toàn và hiệu lực bảo vệ mới được lưu hành. Nhưng không thể có một lọai vacxin nào hoàn toàn an toàn vì vẫn còn những tỷ lệ nhất định hi hữu dẫn đến sự cố xảy ra sau tiêm chủng.

Trong quá trình tiêm, cơ thể mỗi người phản ứng với vaccin khác nhau nên có trẻ sau tiêm bị sốt nhẹ, sốt cao, có trẻ bị sốc phản vệ. Sau khi tiêm, các bà mẹ nên ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe của trẻ.

Thường trong thời gian này, nếu cơ thể trẻ phản ứng sốc sẽ bộc lộ ngay. Vì vậy, các y, bác sĩ tại nơi tiêm vắc xin sẽ có biện pháp kịp thời tiêm chống sốc.

Sự cố này xảy ra do cơ thể trẻ nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà trẻ được tiếp xúc hay được tiêm. Khi có triệu chứng sốc phản vệ, trẻ sẽ vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù nề; mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; đau quặn bụng, tiểu/đại tiện không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật… Hiện tượng này xảy ra do kháng nguyên trong vaccine khi vào cơ thể gây phản ứng. 

Trên thực tế nhiều bà mẹ sau khi tiêm vì sốt ruột nên đưa con về ngay, và sau đó, trẻ bị sốc phản vệ đã không có thuốc tiêm kịp thời có thể dẫn đến hậu quả khó lường, BS Tân cho biết thêm.

đề phòng phản ứng sai khi tiêm vaccin
Để đảm bảo an toàn, cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm vaccine để tránh những biến chứng có thể. (Ảnh minh họa: Nguồn: ANTĐ) 

Chú ý đến các phản ứng tại chỗ thường gặp sau tiên

Theo GS- TS Thu Vân, chuyên gia về vắc xin tại Việt Nam thực tế, có trường hợp cùng một lô thuốc, thậm chí cùng tiêm 1 lọ thuốc nhưng có trẻ tử vong, có trẻ bình thường. GS Vân giải thích, đó là do cơ địa mỗi trẻ khác nhau, có phản ứng với vắc xin khác nhau.

Có những trẻ có cơ địa quá nhạy cảm, hoặc bản thân khi tiêm đã bị nhiễm trùng mà cha mẹ không biết. Khi đó, cơ thể đang mệt mỏi, lại phải tiêm thêm kháng nguyên khác. Như vậy, cơ thể đã ốm lại chống chọi với kháng nguyên từ vắc xin nên có trường hợp tử vong.

Sau tiêm phòng cho trẻ, các bà mẹ nên chú ý đến các phản ứng tại chỗ thường gặp sau tiêm như: Đau nơi tiêm, lúc này cảm giác đau thường kéo dài từ một vài giờ đến hơn 1 ngày, thường làm cho trẻ quấy khóc, Mẩn ngứa xung quanh vết tiêm, có thể kéo dài từ 3 ngày tới cả tuần. 

Hoặc trẻ sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, cũng có khi sốt cao, kèm theo vật vã, quấy khóc, bỏ ăn. Còn có những biểu hiện dị ứng, biểu hiện bằng các nốt ban, mề đay, mẩn ngứa toàn thân, nhất là ở những trẻ có cơ địa nhạy cảm và tiền sử dị ứng. Các phản ứng này có thể kéo dài 3-6 ngày. 

Hay nổi hạch ở nách thường gặp sau khi tiêm phòng lao 3-5 tuần, có 2 loại là viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ. Loại hạch hóa mủ tương đối nguy hiểm vì gây sưng tấy, có mủ, dễ nhiễm trùng… Khi sau khi tiêm chủng cho trẻ có những dấu hiệu bất thường bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

Một số lưu ý khi đưa trẻ tiêm vaccine


Tuyệt đối không cho trẻ tiêm khi đang trong tình trạng sốt, cảm cúm, đặc biệt là khi bị nhiễm trùng cấp tính. 

Bậc phụ huynh cho bác sĩ biết nếu trẻ có tiền sử bị sốc phản vệ ở những lần tiêm trước để có hướng điều trị thích hợp. Sau khi tiên cha mẹ ở lại theo dõi trẻ trong 30 phút.

Về nhà, bậc phụ huynh nên tiếp tục theo dõi con, và đến ngay bệnh viện, sở y tế nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường như: Sốt cao, nổi ban, co giật, tím tái, các triệu chứng quấy khóc  kéo dài hơn 24 giờ.

Trước đấy ngày 5/8 dư luận đang đặc biệt quan tâm vụ việc, cháu Trịnh Thanh Bình (13 ngày tuổi), con chị Lê Thị Thủy (SN 1982, trú tại xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) tử vong sau khoảng 4 giờ đồng hồ được tiêm vắc xin phòng bệnh lao tại trạm y tế xã.

Ngày 4.8/2015 Cơ quan Công an huyện Thọ Xuân vừa gửi tới gia đình nạn nhân thông báo kết quả điều tra nguyên nhân nhân cháu bé tử vong sau khi tiêm vắc-xin phòng lao BCG. Theo thông báo của Cơ quan CSĐT - Công an huyện Thọ Xuân: Kết luận giám định số 4472/C54 (TT1) ngày 22-7-2015 của Viện Khoa học hình sự - Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an thì “Nguyên nhân chết của cháu Trịnh Thanh Bình là phản ứng quá mẫn sau tiêm vắc-xin BCG (phòng Lao)”.

Chia sẻ