“Địa vị” của mẹ trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Một đứa trẻ khi lớn lên có tốt hay không đều có liên quan rất nhiều đến gia đình gốc, trong đó, điều quan trọng nhất không thể bỏ qua chính là ảnh hưởng của người mẹ.

Người mẹ chính là người dẫn dắt hành vi và tinh thần của đứa trẻ. Nếu "địa vị gia đình" của mẹ tương đối cao thì con cái cũng sẽ nhận được nhiều ảnh hưởng tích cực, con do mẹ nuôi dưỡng sẽ có triển vọng hơn trong tương lai và ngược lại.

“Gia thế” của mẹ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con, nhất là ở 3 khía cạnh này - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, tại sao có những bà mẹ chăm chỉ làm việc để nuôi dạy con nhưng vẫn không được con cái tôn trọng?

Từng có câu chuyện thế này: Một cô gái tốt nghiệp đại học, lấy chồng xa nhà. Sau khi con gái chào đời, vì bố mẹ chồng vẫn đi làm, ông bà ngoại lại ở xa nên chị phải nghỉ việc ở nhà chăm con, đồng thời hàng ngày bận rộn với rất nhiều công việc nhà.

Thực tế, khối lượng công việc của một "bà mẹ toàn thời gian" không hề nhỏ nhưng chẳng ai trong nhà hiểu cho chị. Mẹ chồng dường như lúc nào cũng bắt lỗi, hoặc là sàn nhà không sạch sẽ, thức ăn không ngon.

Ban đầu, người chồng còn nói vài câu dĩ hòa vi quý, nhưng lâu dần, ngay cả anh cũng không hiểu vợ nữa. Chị cho biết, bản thân đã làm việc chăm chỉ vì gia đình nhưng vẫn không nhận được bất kỳ sự tôn trọng nào.

Đứa trẻ cũng cảm thấy mẹ thật vô dụng. Có lần vì món sườn kho thích ăn không có trong bữa tối, cô con gái đã ném đũa xuống bàn và lẩm bẩm rằng mẹ mình không thể làm được gì.

Con cái đã thiết lập mối liên hệ mật thiết nhất với mẹ từ khi còn nhỏ, đương nhiên chúng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ mẹ. Địa vị của người mẹ trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến sự thành công sau này của đứa trẻ bởi những yếu tố như phong cách ứng xử của người mẹ, cách mẹ hòa thuận với bố...

Nếu người mẹ mang lại ảnh hưởng tích cực, đứa trẻ nhất định sẽ lấy mẹ làm gương, không chỉ tự tin, hào phóng mà còn biết cách hòa đồng với người khác.

Kiểu người mẹ nào có lợi hơn cho sự phát triển của trẻ?

01. Người mẹ có quyền nói chuyện trong nhà

Chúng ta sẽ thấy rằng nếu người mẹ có quyền quyết định nhất định ở nhà, đứa trẻ sẽ lớn lên thuận lợi hơn. Trẻ cảm thấy mình có chỗ dựa vững chắc nên sẽ hành động dứt khoát, không rụt rè trong mọi việc.

02. Người mẹ có trí tuệ cảm xúc cao, biết cân bằng mối quan hệ giữa gia đình và con cái

Trong cuốn sách "Nuôi dạy con thông minh bằng cảm xúc cao" có viết: "Giáo dục con cái bắt đầu từ việc nâng cao trí tuệ cảm xúc của cha mẹ. Hãy kiểm soát những cảm xúc tồi tệ của bản thân, lắng nghe và cảm nhận những cảm xúc của trẻ, đồng thời thể hiện tình yêu thương của bố mẹ thành lời nói và hành động mà trẻ có thể hiểu được".

Người mẹ có trí tuệ cảm xúc cao thường linh hoạt trong cuộc sống, hiểu được mối quan hệ hài hòa với chồng, hiểu cách hòa thuận với con cái, biết cư xử ôn hòa mỗi lần cãi vã.

Mẫu người mẹ biết cách kiểm soát "địa vị gia đình" của mình sẽ không trốn tránh khi đến lúc cần đấu tranh vì lợi ích của bản thân. Cô ấy cũng có thể buông bỏ vị thế làm cha mẹ khi đến lúc phải tỏ ra yếu đuối.

03. Người mẹ bình đẳng với bố

Quan hệ vợ chồng tốt nhất là quan hệ tôn trọng nhau như khách, khi gặp vấn đề thì sẵn sàng bàn bạc, sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý hợp lý của đối phương. Như vậy sẽ tạo nên bầu không khí gia đình ấm êm, con cái sẽ trưởng thành thoải mái.

Trên con đường giáo dục con cái, một nửa còn lại chính là đồng đội, là đối tác quan trọng. Để dành chút thể diện cho nửa kia, ngay cả khi không hài lòng, hãy nói chuyện sau khi cánh cửa phòng của hai vợ chồng đóng lại.

Hãy tôn trọng và đàng hoàng hơn trong cách sử dụng ngôn ngữ, ngay cả khi bạn có vẻ "thua cuộc" thì cuối cùng, người thắng chính là con bạn.

Chia sẻ