Đi cấp cứu vì thuốc nhuộm tóc

,
Chia sẻ

Bệnh nhân nam Nguyễn Minh T., 47 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Da liễu Hà Nội cấp cứu trong tình trạng tổn thương nặng vùng mang tai, đầy các mụn nước... nguyên nhân là do nhuộm tóc.

Các tiệm làm đầu luôn quảng cáo thuốc nhuộm tóc không ảnh hưởng cho tóc và cơ thể, song đã có những người phải nhập viện, thậm chí suýt mất mạng vì nhuộm tóc.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, cho biết tóc là một dạng protein hóa sừng, do vậy không thể nói chất nhuộm màu không gây hại cho tóc hay độc hại cho cơ thể. Thuốc nhuộm có thể gây dị ứng, rụng tóc, viêm da, nấm, thậm chí ngộ độc và ung thư…

Rụng tóc, mẩn ngứa, ung thư da

Bệnh nhân nam Nguyễn Minh T., 47 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Da liễu Hà Nội cấp cứu trong tình trạng tổn thương nặng vùng mang tai, mặt và khắp người đầy các mụn nước. Bệnh nhân thở yếu, phù nề, có triệu chứng suy gan, thận... Người nhà cho biết, sau khi đi nhuộm tóc, anh bị mẩn ngứa, khó chịu vùng đầu. Sau khi tắm xong, tất cả phần cơ thể dính nước có thuốc nhuộm tóc đều mẩn ngứa rồi phát triển thành các bọng nước. Không nghĩ “thủ phạm” là thuốc nhuộm tóc nên anh mua thuốc bôi dị ứng ngoài da và kết quả là phải nhập viện cấp cứu.

Một trường hợp khác là chị Bùi Thị Thanh (35 tuổi, ở Hải Phòng), người thường xuyên thích đổi màu tóc theo thời trang. Một năm gần đây, chị thấy tóc rụng nhiều rồi xuất hiện một vài nốt loét trên đầu, tưởng chỉ bị viêm nhiễm bình thường nhưng điều trị mãi vẫn không khỏi. Đi khám tại bệnh viện, chị Thanh bàng hoàng khi bác sĩ kết luận ung thư da đầu.

Thuốc nhuộm tóc có thể gây nhiều loại bệnh. Ảnh minh họa: Đức Long.

Không nên nhuộm tóc

Dược sĩ Phan Đức  Bình, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, cho biết các hóa chất chứa trong thuốc nhuộm tóc đều có hại. Hiện có hai kiểu nhuộm tóc là nhuộm tạm thời và vĩnh viễn.

Thuốc nhuộm tạm thời (bán sẵn, cho màu như ý muốn nhưng sẽ bay màu dần sau nhiều lần gội) chứa chất tẩy và chất màu azoic kết hợp với axit citric, tartric, hàn the, glycol, cồn, amin... Theo nhiều nghiên cứu, các chất này thường gây nhức đầu, ù tai, dị ứng da đầu và làm rụng tóc.

Thuốc nhuộm màu vĩnh viễn hầu hết chứa hoạt chất Paraphenylenediamin. Thực nghiệm cho thấy, nếu dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc, nó có thể gây kích ứng da, dị ứng và thậm chí ung thư da, ung thư vú. Hiện một số nước châu Âu đã cấm dùng paraphenylenediamin. Tại Mỹ, các chuyên gia y tế cũng đã chứng minh chất này gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng.

Các chuyên gia đều khuyên không nên nhuộm tóc. Nếu bắt buộc phải nhuộm thì nên chải tỉ mỉ sao cho thuốc dính lên sợi tóc cách da đầu 1 -2 mm, tránh chạm vào da đầu. Tuy nhiên sau khi chải thuốc nhuộm, tóc được tẩm chất giữ màu là H2O2 nên khó tránh chất màu chảy xuống da đầu, nhất là lúc gội đầu để xả thuốc nhuộm. Do đó, sau khi nhuộm, nếu thấy da đầu bị viêm, nổi mụn, ngứa lở lâu lành, nên tới bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị.

Theo Tường Linh
Baodatviet
Chia sẻ