Đi cấp cứu vì... cai sữa

,
Chia sẻ

Cho con dừng bú, lại không vắt bớt sữa, chị Nhung (Gia Lâm, Hà Nội) thấy ngực bị cương cứng, đau tức không chịu được.

Nghe bạn mách uống aspirin liều cao giúp tiêu sữa, chị cũng thử nhưng không ngờ phải đi cấp cứu vì nôn ra máu.

Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vài ngày trước.

Hiện nay, tình trạng xuất huyết tiêu hóa của chị đã ổn định, nhưng sẽ phải tiếp tục theo dõi tại nhà. Nếu tiếp tục có biểu hiện nôn ra máu, đại tiện phân đen thì sẽ phải nhập viện điều trị tiếp.

Thực tế, tại nhiều diễn đàn trên mạng các bà mẹ thường khuyên nhau dùng thuốc aspirin khi muốn cai sữa cho con vừa đỡ đau nhanh vừa chống viêm. Tuy nhiên, từ lâu các bác sĩ đã khuyến cáo không nên áp dụng cách này vì vừa không hiệu quả lại có nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà (Hà Nội) cho biết.

Ngoài ra, cũng theo bà, một số chị em khi cai sữa cho con cứ thấy căng sữa là vắt bỏ cho kiệt là không đúng. Lý do là khi vắt đi như vậy cũng giống như khi trẻ còn bú nên sẽ tiếp tục kích thích các tuyến sữa tiết sữa, khó chấm dứt được sự tiết sữa tự nhiên của vú.

Ngược lại, một số người lại cố chịu đau, cứ để mặc cho ngực căng tức hy vọng sau một vài ngày con không bú nữa sẽ tự khỏi như trường hợp của chị Hoài (Trương Định, Hà Nội).

Nghe lời mẹ chồng khi cai sữa cho cô con gái được 16 tháng tuổi, chị cách ly con hoàn toàn bằng cách cho cháu về quê chơi. Dù ngực bị căng tức, chị cũng không dám vắt vì sợ vắt thì sữa sẽ tiếp tục ra. Thế nhưng, được mấy ngày thì chị bắt đầu thấy ngực căng cứng, đau buốt, sốt đùng đùng. Đến khi không chịu được nữa đi khám thì đã bị áp xe, phải đi chọc hút, tiêm thuốc.

Bác sĩ Dung cho biết, sau khi cai sữa cho con, phần lớn chị em đều cảm thấy hai bên vú bị căng lên. Khi đó, để giảm cảm giác đau, khó chịu chị em có thể dùng một chiếc khăn ấm nóng chườm nhẹ hai bên vú, rồi vắt bớt sữa đi tránh để sữa đông vón lại trong vú gây viêm, áp xe vú nhưng không nên vắt cạn kiệt.

"Ngoài ra, nếu thấy đau quá chị em có thể đến gặp bác sĩ để được kê thuốc nội tiết cho tiêu sữa. Tuy nhiên nhất quyết phải có sự tư vấn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ", bác sĩ Dung nói.

Ngoài ra, một điều các bà mẹ cần lưu ý khi cai sữa cho con là không nên để bé dừng bú một cách đột ngột, mà giảm dần số lần bú, thay vào đó là các bữa ăn dặm hoặc sữa ngoài. Như thế bé sẽ không quấy khóc quá nhiều, đồng thời cơ thể người mẹ cũng tự nhiên điều chỉnh dần lượng sữa tiết ra giảm bớt khi bé bú không liên tục như trước.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ