Để thực phẩm tươi ngon mỗi ngày

,
Chia sẻ

Thực phẩm sau khi mua về cần được làm sạch và bảo quản đúng cách. Tủ lạnh là phương tiện phổ biến nhất tại hộ gia đình để bảo quản thực phẩm.

Đi chợ

Đối với thực phẩm tươi sống, chọn thịt heo tươi mới có màu hồng, mỡ trong, da trắng sạch, mùi còn tươi (không có mùi ôi chua hay mùi khó chịu khác), ấn vào thịt chắc và đàn hồi tốt. Nếu có xương thì thịt phải dính chặt vào xương.

Tôm, cá là những loại thực phẩm dinh dưỡng rất tốt nếu còn tươi, nhưng lại dễ bị ươn thối và khó lưu trữ. Cá tươi có mắt trong và đầy, vảy sáng, dính chặt vào thân, mang cá màu đỏ hồng, không có mùi ươn thủm, ấn vào thịt chắc và đàn hồi, bụng không bị bể, khi cắt ra thịt dính chắc vào xương. Tôm tươi có vỏ trong, đầu dính chặt vào thân, thịt chắc, dính chặt vào vỏ. Tốt nhất là nên mua tôm cá khi còn sống hay đang bơi.

Rau trái tươi khi cuống, lá còn tươi, trái căng, nặng, không dập hay trầy xước, màu sắc tươi tự nhiên. Nên chọn mua các loại rau trái tươi ngon nhưng khô ráo, không bị ẩm nước thì mới bảo quản lâu được.

Trứng gà, vịt tươi có màu trắng hồng, sạch không dính dơ, có một ít phấn trắng phủ ngoài, bọc khí ở đầu trứng càng nhỏ chứng tỏ trứng càng tươi, lưu ý ngày sản xuất càng mới thì càng để được lâu. Trong giai đoạn dịch cúm gia cầm như hiện nay, cần lưu ý không nên mua thịt hay trứng gia cầm không rõ nguồn gốc, chỉ mua thịt và trứng gia cầm đã qua kiểm dịch của các công ty có uy tín, bán ở những nơi tin cậy và nhớ chế biến chín kỹ trước khi ăn.

Đối với thực phẩm chế biến sẵn và đồ khô, nên chọn mua thực phẩm có các nhãn hiệu quen thuộc, uy tín, có tên nhà sản xuất, địa chỉ rõ ràng, được bảo quản nơi thoáng mát, không mua nếu thực phẩm bày bán dưới đất, ẩm ướt hay phơi nắng. Cần kiểm tra xem bao gói có còn nguyên vẹn không, không chọn loại có bao bì bị rách, móp méo, phồng rộp, mất nắp… Nên chọn hạn sử dụng càng mới càng tốt. Hạn chế mua các loại bánh mứt, khô bò, mực tẩm… có nhiều màu sắc sặc sỡ để tránh các phẩm màu độc hại.

Sử dụng đúng

Thực phẩm sau khi mua về cần được làm sạch và bảo quản đúng cách. Tủ lạnh là phương tiện phổ biến nhất tại hộ gia đình để bảo quản thực phẩm.

Đối với thịt cá tươi sống, cần được bảo quản ở ngăn đá (dưới -18 độ C) để có thể giữ được lâu ngày. Thịt, cá, tôm, mực… trước khi đưa vào bảo quản nên được làm kỹ, rửa sạch rồi cho vào hộp đậy kín hoặc bịch ni lông buộc kín và cho vào ngăn đá.

Thực phẩm khi mua về sơ chế, chế biến và dùng càng sớm càng ít bị mất chất dinh dưỡng. Không ngâm rau củ quá 20 phút. Rửa sạch rồi mới cắt gọt. Chỉ bóc vỏ, gọt vỏ, cắt nhỏ (rau, trái cây…) ngay trước khi ăn hoặc chế biến.Luộc rau vừa đủ nước. Dùng cả nước rau và rau luộc sẽ nhận được một số vi chất đã tan vào nước luộc. Ăn lúc còn nóng sẽ nhận được nhiều vi chất hơn nguội.

Hạn chế nấu nướng ở nhiệt độ cao, không đảo nhiều lần khi nấu, không mở nắp vung thường xuyên. Vo gạo nhẹ tay 2-3 lần.

Thịt cá rã đông là nấu ngay, nấu vừa chín tới.

Ăn chung thịt, cá với rau trái để có vitamin C giúp tăng hấp thụ chất sắt bổ máu.

Để thực phẩm an toàn và vệ sinh trong ngày Tết

Luôn rửa tay sạch trước, trong khi nấu ăn và khi dọn thức ăn. Trong bếp ăn gia đình phải luôn luôn có 2 thớt riêng biệt cho thức ăn chín và sống.

Thức ăn đã nấu chín còn lại sau khi ăn cần nấu sôi lại để diệt vi trùng, cần bảo quản đúng cách và hâm kỹ lại trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn thức ăn bị ôi thiu, mốc, có mùi vị lạ hay ra nhớt.

Khi dùng bánh mứt, đồ hộp, cần xem lại hạn sử dụng, nếu còn hạn sử dụng nhưng bị phồng, rỉ sét hay khui ra có màu, mùi bất thường cũng không nên ăn.

Các loại hạt có dầu như đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, hướng dương… khi bị mốc (nâu đen, đổi màu, ăn có vị lạ hay nhẫn) dễ tạo chất độc gây ung thư cần loại bỏ ngay.

Khi đi chơi xa cần ăn ngoài, nên chọn những hàng quán đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như bàn ăn cao trên mặt đất trên 60cm, không bán gần cống rãnh, không nhiều ruồi nhặng, sử dụng nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn…
 
Theo BS Đào Thị Yến Thủy
Thanh niên
Chia sẻ