Dấu hiệu mắc ho gà thường gặp

Vân Huyền,
Chia sẻ

Triệu chứng của bệnh ho gà có thể thay đổi theo độ tuổi và khả năng miễn dịch của trẻ.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh ho gà có thể có biểu hiện ho hoặc không ho hay khụ khụ như trẻ lớn hơn.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em

Hà Nội vừa ghi nhận ca bệnh ho gà đầu tiên trong năm. Bệnh nhân là trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng. Trẻ khởi phát bệnh ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn. Ngày 11/11, gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ được chẩn đoán viêm phế quản phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Sau 3 ngày điều trị, bệnh trẻ không giảm. Ngày 14/11, gia đình đưa trẻ đi khám và được kê đơn thuốc về nhà điều trị tiếp. Đến ngày 16/11, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái mặt và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy marsk 5 lít/phút, SpO2 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhân được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính.

Trong bối cảnh này, Sở Y tế TP Hà Nội khuyến cáo, bên cạnh việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hàng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ nhiễm ho gà, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bệnh ho gà xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới và thường xảy ra ở trẻ em. Trước khi có vắc-xin, bệnh ho gà phát triển mạnh và bùng nổ thành dịch có tính chu kỳ khoảng 3 - 4 năm ở nhiều nước.

Sau hơn 40 năm sử dụng vắc-xin cùng với việc cải thiện đời sống và chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ mắc bệnh ho gà trên thế giới đã giảm xuống từ 100 - 150 lần vào năm 1970. Song, ở thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 20, tỷ lệ mắc ho gà lại tiếp tục tăng.

Từ năm 1992 - 1994, có 15.286 trường hợp bệnh được báo cáo với tỷ lệ chết là 0,2%. Trong số mắc này, có 50% bệnh nhân chưa được tiêm vắc-xin ho gà. Kết quả nghiên cứu dịch tễ học cho biết, số mắc thật còn cao hơn số được báo cáo và miễn dịch bảo vệ được tạo thành của vắc-xin toàn tế bào ho gà bị suy giảm nhanh nên vẫn bị mắc bệnh.

Ở Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở mọi nơi trong cả nước. Khi chưa thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), bệnh ho gà thường xảy ra và phát triển thành dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt nghiêm trọng ở miền núi là nơi có trình độ kinh tế - xã hội phát triển thấp.

Trong vụ dịch, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng. Dịch có tính chu kỳ khoảng 3 - 5 năm.

Các giai đoạn bệnh

Từ năm 1986, Chương trình tiêm chủng mở rộng được phát triển rộng khắp trong cả nước. Tất cả trẻ dưới 1 tuổi được phổ cập gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DTP). Sau nhiều năm tiêm vắc-xin DTP, tỷ lệ mắc và chết của bệnh ho gà đã giảm rất rõ rệt. Tỷ lệ mắc trung bình thời kỳ 1991 - 1995 của cả nước là 7,5/100.000 dân. Từ năm 1993, tỷ lệ tiêm DTP được duy trì ở mức trên 90%, có năm đạt trên 95% (1997, 2000) với chất lượng tiêm chủng được cải thiện. Do đó, tỷ lệ mắc trung bình của cả nước trong thời kỳ 1996 - 2000 đã giảm xuống 1,8/100.000 dân.

ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, vi khuẩn Bordetella Pertussis là tác nhân gây bệnh ho gà ở trẻ.

Triệu chứng của bệnh ho gà có thể thay đổi theo độ tuổi và khả năng miễn dịch của trẻ. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh ho gà có thể có biểu hiện ho hoặc không ho hay khụ khụ như trẻ lớn hơn. Trẻ có thể thở hổn hển, thậm chí là ngưng thở, mặt đỏ, tệ hơn là mặt chuyển sang màu tím hoặc xanh trong vài giây.

Ở trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên đã được tiêm vắc-xin ngừa bệnh, các triệu chứng của ho gà diễn ra ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, các triệu chứng của ho gà có thể xuất hiện với mức độ nghiêm trọng khác nhau theo từng giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn Catarrhal kéo dài từ 1 - 2 tuần, trẻ ho nhẹ và sổ mũi. Một số trường hợp trẻ có thể sốt nhẹ. Cơn ho của bệnh ho gà có diễn tiến ngày càng nặng hơn. Giai đoạn kịch phát kéo dài từ 2 - 8 tuần, với mức độ cơn ho đặc biệt trở nên nghiêm trọng trong 2 - 3 tuần đầu có thể giảm dần sau đó.

Cơn ho kéo dài, dữ dội và liên tục. Giữa cơn ho gần như không có nhịp thở. Điều này khiến trẻ khó thở, da tím tái và có thể nôn mửa sau cơn ho. Về đêm, cơn ho trở nên khó chịu hơn. Tình trạng nôn trớ sau ho gà có độ nhạy 60% và độ đặc hiệu 66%, phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Giai đoạn lui bệnh thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Nghiên cứu cho thấy, ở trẻ từ 5 - 16 tuổi, bệnh ho gà thường kéo dài trung bình khoảng 112 ngày. Tuy nhiên, cơn ho có thể tái phát hoặc trở nặng khi trẻ nhiễm trùng đường hô hấp trên.

“Bệnh ho gà có nguy cơ mắc và tỷ lệ tử vong cao hơn nếu trẻ thuộc nhóm: Sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi; Trẻ chưa tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin ngừa bệnh ho gà; Trẻ mắc bệnh béo phì, hen suyễn…”, ThS Tùng cho biết.

Theo chuyên gia này, nếu trẻ có các dấu hiệu của ho gà hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng và các thông tin về bệnh sử của trẻ, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác gồm: Xét nghiệm dịch hầu họng; Xét nghiệm máu; Chụp X-quang ngực.

Chia sẻ