Đau bụng dữ dội và buồn nôn, người phụ nữ được chẩn đoán mắc căn bệnh có thể gây đột quỵ não dễ gây tử vong

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Đau đầu dữ dội, buồn nôn với tri giác lơ mơ, người phụ nữ nhập viện và phát hiện căn bệnh nguy hiểm này.

Ngày 1/7, thông tin từ BV ĐKTW Cần Thơ cho biết các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh vừa tiến hành cứu thành công một trường hợp túi phình mạch máu não kích thước lớn ở vị trí hiểm hóc (đỉnh động mạch nền).

Đây là trường hợp đầu tiên thực hiện tại BV và cả đồng bằng sông Cửu Long.

Bệnh nhân là bà V.T.H. (SN 1970, ngụ Năm Căn, Cà Mau) được tuyến trước chuyển đến nhập viện vì triệu chứng đau đầu dữ dội, buồn nôn với tri giác lơ mơ, tiền sử tăng huyết áp.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng được chụp cắt lớp vi tính mạch máu não để chẩn đoán xác định thương tổn.

Đau bụng dữ dội và buồn nôn, người phụ nữ mắc căn bệnh có thể gây đột quỵ não tử vong - Ảnh 1.

Nữ bệnh nhân V.T.H.

Kết quả cho thấy là xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình đỉnh động mạch nền có hình dạng phức tạp kèm theo một túi phình khác chưa vỡ ở động mạch não giữa bên phải.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chọn lựa phương pháp phẫu thuật vi phẫu kẹp cổ túi phình.

Ca mổ được thực hiện tỉ mỉ dưới kính vi phẫu, các cấu trúc mạch máu và thần kinh được bóc tách rõ ràng, dẫn đường đến vị trí của túi phình.

Sau 5 giờ căng thẳng, cả hai túi phình đã được kẹp hết cổ, loại bỏ hoàn toàn ra khỏi vòng tuần hoàn não mà vẫn bảo vệ được các cấu trúc mạch máu và thần kinh quan trọng.

Đau bụng dữ dội và buồn nôn, người phụ nữ mắc căn bệnh có thể gây đột quỵ não tử vong - Ảnh 2.

Hình ảnh trước và sau phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bệnh nhân được hồi sức sau mổ tích cực và kiểm tra CT mạch máu não để chắc chắn rằng kẹp clip nằm đúng vị trí, không sót cổ túi phình hoặc phạm phải các mạch máu lân cận.

Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn, bớt đau đầu nhiều.

Theo TS.BS Hà Tấn Đức, Trưởng đơn vị Can thiệp đột quỵ của BV, phình mạch máu não là tình trạng phồng lên của mạch máu trong não từ một điểm yếu của lớp nội mạc của thành mạch máu.

Vỡ phình mạch máu não là biến chứng nặng nề nhất của bệnh, gây đột quỵ não, chảy máu não, thường chảy máu trong ở màng não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp.

Triệu chứng là đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được.

Đau bụng dữ dội và buồn nôn, người phụ nữ mắc căn bệnh có thể gây đột quỵ não tử vong - Ảnh 3.

Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Bệnh phình động mạch não có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, riêng nguy cơ vỡ phình mạch thường gặp nhất ở người già từ 55 đến 65 tuổi trở lên, khoảng 20% ca phình mạch não xảy ra ở độ tuổi từ 15 đến 45.

Phình đỉnh động mạch nền là vị trí phổ biến nhất của phình động mạch phát sinh từ tuần hoàn não sau.

Phẫu thuật túi phình đỉnh động mạch nền là một trong những thách thức đối với phẫu thuật viên thần kinh, do túi phình ở vị trí này thường nằm sâu bao quanh các cấu trúc mạch máu và thần kinh quan trọng trong đó đặc biệt là thân não và các nhánh xiên cấp máu cho các vùng não sâu.

Việc tiếp cận thương tổn ở vị trí này cũng là một vấn đề, vì phẫu trường hẹp và sâu, ít quen thuộc so với túi phình tuần hoàn trước.

Lựa chọn điều trị tốt nhất tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào vị trí, kích thước và hình dáng của túi phình.

Mục tiêu tức thời của việc điều trị là ngăn chặn xuất huyết lần 2, chảy máu lại có tỷ lệ tử vong hoặc tàn tật nặng lên đến 60-80%.

Độ tuổi và tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn điều trị.

Ngoài ra, những người thường xuyên hút thuốc lá, cao huyết áp, uống nhiều rượu, bia, lạm dụng thuốc; phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh có mức estrogen thấp; tiền sử gia đình bị phình mạch não; người bị chấn thương, tổn thương mạch máu… là nhóm có nguy cơ bị phình mạch máu não, được khuyến cáo cần khám tầm soát bệnh lý nguy hiểm này.

Chia sẻ