Dấu ấn trăm năm ở Tam Đảo: Tìm lại làng của phu xây biệt thự Pháp

Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Hàng trăm biệt thự và những công trình “hoành tráng”, xa hoa trên Tam Đảo đã được xây dựng bởi bàn tay của những người thợ lao động Việt Nam.

Trong trí nhớ của ông Duệ, ông Kế - những người con của phu lao động xây khu biệt thự Tam Đảo xưa kia, thì ký ức về một làng An Nam bé nhỏ vẫn còn sống động tới tận bây giờ. “Tất cả những người đi làm thuê cho Pháp đều ở trong những gian nhà tranh, vài chục người ở trong một nhà. Ngày đi làm quần quật vất vả, tối về nằm chen chúc ôm nhau mà ngủ. Nhà tranh dễ bắt lửa nên từ những ngày đầu cư trú ở Tam Đảo cho đến bây giờ, làng của An Nam đã di chuyển 4 lần”.

Tam Đảo mờ ảo trong sương sớm.

Thị trấn du lịch nằm ở lưng chừng núi.

Năm 1907, người Pháp “mộ phu” làm cầu cống và cho xây khu nghỉ mát Tam Đảo. Họ huy động một lượng lớn dân đi làm trên lưng chừng núi. Đã có câu thơ nói về sự vất vả của người lao động xây khu nghỉ dưỡng Tam Đảo:  “Suốt năm làm ở đỉnh non/ Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ/ Thân tôi khổ đến bao giờ.
 
Theo đó, Tam Đảo dần hình thành một làng của An Nam mà nay phần lớn con cháu của những phu phen ngày ấy đang sinh sống ở thôn 2.

Đường đi lát đá giữa rừng rậm.

Lắng nghe tiếng suối chảy róc rách.

Những người Việt đi lao động cho Pháp đều là những nông dân phải rời bỏ quê cha đất tổ và đa số là người ở các tỉnh thuần nông nghèo khó như: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên… “Ở quê thì vừa nghèo, vừa đói. Trong khi đi làm công cho Pháp xây dựng Tam Đảo được trả công cao hơn. Những ông Tây ngồi ghế song loan từ chân núi lên phải cần đến 4 người khiêng, hai người đổi vai. Lên đến nơi mỗi người được trả một công 8 xu. Lao động cực nhọc nhưng phải làm để có bát cơm ăn”, ông Nguyễn Hữu Duệ nhớ lại.

Tháp truyền hình nằm trên đình Thiên Nhị.

Sau khi những ngôi biệt thự mọc lên giữa mây rừng gió núi, người dân làng An Nam lại trở thành người trông nom, gác nhà, làm bếp. Sáng sáng, người gác nhà cắp đôi guốc gỗ, ăn mặc lịch sự, đi bộ từ “làng An Nam” lên ngôi nhà mình được thuê gác.
 
Vào mùa đông, Tam Đảo thưa vắng chỉ đến mùa hè những ông chủ người Pháp mới đi ô tô “dậm dề” mất cả ngày trời từ Vĩnh Yên lên, rồi ở lại trốn cái nóng của xứ nhiệt đới.

Dấu xưa cũ giữa lòng Tam Đảo.

Người Pháp sống trong các biệt thự đầy đủ tiện nghi, có bồi bếp, phục dịch từ ăn uống, giặt giũ, quét tước lau chùi nhà cửa, trông con... Mùa hè, bà con ở chân núi làng Mấu, làng Mạ. mỗi ngày đến vài chục người gánh gồng đủ mọi thứ lên bán như gạo, gà vịt, cá tươi, rau dưa, hoa quả. Cách một ngày một phiên chợ, thực phẩm thịt lợn, thịt bò phải giữ nguyên tim, gan, óc để bác sĩ khám rồi mới bán.

Nhà người Nhật.

Nơi ghi dấu ngày Tam Đảo được giải phóng.

Ông Duệ tâm sự: “Công bằng mà nói, người Pháp đã có những quy hoạch Tam Đảo tốt hơn chúng ta làm bây giờ. Không chỉ đầy đủ nhưng công trình phục vụ cho vui chơi, nghỉ dưỡng. Từng luống hoa cũng được cắt tỉa gọn gàng. Dòng suối nhỏ róc rách chảy qua thị trấn trước đây được giữ sạch đến từng viên đá nhưng giờ đầy rác rưởi. Đặc biệt không bao giờ có cảnh tiểu tiện đường”.

Những con đường quanh co chạy khắp thị trấn.

Thưởng thức su su non xanh.

...và bình yên sau những thăng trầm, bon chen.

Khói bụi đã âm thầm phủ lên những chiếc màng mỏng tang mỗi ngày, những giàn su su, cỏ dại đã bao phủ gần hết dấu tích của một thời. Nhưng dẫu sao Tam Đảo vẫn đẹp và làn không khí mát lành mỗi sớm mai vẫn đủ để người ta đặt chân đến thị trấn nhỏ ở lưng chừng núi.

Chia sẻ