Đàn ông cũng khó tránh bệnh... phụ nữ

HN,
Chia sẻ

Ung thư vú, loãng xương tưởng chừng chỉ xuất hiện ở phụ nữ, thế nhưng không ít quý ông lại ngậm ngùi đau khổ vì... mình cũng bị bệnh này.

Thực tế không thể khẳng định rằng có những bệnh chỉ riêng phụ nữ mới bị, đàn ông thì không. Nếu có chăng thì chỉ là tỷ lệ đàn ông mắc bệnh thấp hơn rất nhiều so với phụ nữ mà thôi. Ngay cả những bệnh tưởng chừng rất phụ nữ như ung thư vú, loãng xương vẫn có thể gặp phải ở nam giới.
 
Ung thư vú
 
Kể về chuyện một năm trước theo vợ vào khám... ngực ở khoa nam học, bệnh viện Việt Đức, anh Hoàng (37 tuổi, Lĩnh Nam, Hà Nội) không giấu nổi sự vui mừng: "Ngày ấy, khi phát hiện ngực có một cục u lạ tôi băn khoăn lắm. Thực ra là vợ tôi phát hiện ra. Cô ấy khuyên tôi đi khám vì sợ ung thư vú nhưng tôi gạt đi vì nghĩ rằng bệnh đó chỉ có phụ nữ bị thôi, chứ đàn ông làm gì có ngực mà bị ung thư, chắc tôi chỉ bị sưng thôi.
 
Nhưng cả tuần rồi mà chỗ 'sưng' không khỏi, tôi cũng lo. Được vợ động viên, hai vợ chồng khăn gói vào đây khám thì mới té ngửa. Hóa ra tôi có biểu hiện ung thư vú thật. Cũng may mà phát hiện sớm nên giờ gần như đã điều trị khỏi rồi".
 
Ung thư vú ở nam giới là bệnh hiếm gặp và có tỷ lệ thấp hơn nữ giới rất nhiều (1 nam/108 nữ). Ung thư vú ở nam giới thường được phát hiện chậm hơn ở nữ giới bởi chẳng có quý ông nào tự nguyện đi chụp nhũ tuyến (mammograms) hoặc tự... khám ngực mình xem có khối u bất thường nào không. Chính vì vậy, khi phát hiện ra mình bị ung thư vú thì đã muộn.
 
Theo các chuyên gia sức khỏe sinh sản của tổng đài tư vấn Ánh Dương thì: Tình trạng bệnh ở nam giới thường xấu hơn ở nữ giới vì khi phát hiện ra thì bệnh đã có di căn ung thư theo đường máu. Những di căn này âm thầm trong nhiều năm, khi biết đến thì đã muộn.
 
Ung thư vú ở nam giới thường có những triệu chứng sau đây: Sờ thấy một cục không đau ở dưới núm vú hoặc quầng vú, mật độ rắn chắc, khó xác định ranh giới; thấy tiết dịch ở núm vú (tuy đây không phải là biểu hiện thường gặp nhưng nếu có là dấu hiệu đáng ngại vì liên quan đến bệnh ung thư biểu mô tuyến); tụt núm vú hay loét núm vú...
 
 
Loãng xương
 
Tỷ lệ mắc bệnh loãng xương giữa đàn ông và phụ nữ tương đương 1 nam/4 nữ.
 
Anh Mạnh Hùng (40 tuổi, Giám đốc kinh doanh của một tập đoàn Điện tử ở Hà Nội) liên tục ngã gãy tay 2 lần trong một năm. Đến lần thứ 2 bị gãy tay, bác sĩ cho làm một số xét nghiệm và kết luận anh bị loãng xương ở mức độ cảnh báo. Lý giải nguyên nhân bệnh loãng xương của mình, anh Hùng cho rằng: do công việc quá bận rộn nên anh thường xuyên về nhà muộn, chuyện ăn uống cũng không đảm bảo, anh không có thời gian tập thể dục nên anh cảm thấy sức khỏe của mình giảm đi rất nhiều. Hai lần anh gãy tay đều là do ngã xe rất nhẹ và anh đưa tay chống xuống đường.
 
Nếu ở phụ nữ, bệnh loãng xương là do lượng hormone estrogen giảm thì ở nam giới, nguyên nhân lại là do sự suy giảm của hormone testosterone - hormone cần thiết cho sự cứng cáp và mật độ xương. Cùng với tuổi tác hoặc bất kì lý do gì khiến testosterone giảm thì cũng kéo theo chứng loãng xương ở nam giới.
 
Điều nguy hiểm nhất là bệnh loãng xương có thể làm gãy cột sống và xương hông. Đàn ông dễ bị gãy xương hông hơn đàn bà. Khoảng một phần ba đàn ông bị gãy xương hông sẽ qua đời trong vòng một năm sau. Ở nam giới, loãng xương có thể xảy ra ngay ở độ tuổi thiếu niên.
 
Theo các chuyên gia sức khỏe nam giới thì những nguyên nhân khác có thể dẫn đến loãng xương ở nam giới là: Dược phẩm trị ung thư tiền liệt tuyến sẽ làm giảm lượng testosterone hoặc rượu bia và khói thuốc.
 
Để phòng ngừa loãng xương, các quý ông cần bổ sung đủ canxi và vitamin D - 2 chất thiết yếu để tạo khối lượng xương khi còn trẻ và ngăn ngừa mất xương khi đã có tuổi. Vận động cơ thể cũng giúp dự trữ canxi, tăng sự khéo léo, sức mạnh, sự cân bằng nên ít bị ngã và gẫy xương. Mỗi tuần nên tập nâng tạ ít nhất 3 lần. Chạy, đi bộ, khiêu vũ hay chơi quần vợt đều tốt cho sức khỏe của các quý ông.
Chia sẻ