Cuối tuần "shopping" lụa Vạn Phúc

Bài: Lam Linh-Ảnh: Ngụy Hà,
Chia sẻ

Dành một buổi chiều cuối tuần, các chị em có thể tranh thủ ghé làng lụa Vạn Phúc tìm mua cho mình và người thân những chiếc khăn lụa vừa đẹp lại vừa ấm.

Làng lụa nhỏ nằm kín đáo bên dòng sông Nhuệ mơ màng, trên con phố nhỏ của thành phố Hà Đông. Từ Hà Nội về với làng lụa này khoảng 10km và rất dễ tìm. Nghề dệt lụa của đất này từ lâu đã nổi tiếng bởi những mặt hàng tinh tế.
 
 
Sản phẩm chính là lụa tơ tằm. Từ những sản phẩm lụa, người ta đã dùng may lên những bộ trang phục nhẹ nhàng, những chiếc túi thêu, các kiểu ví, những chiếc váy xinh xinh và nhất là rất nhiều khăn lụa phù hợp với thời tiết nhẹ nhàng của những ngày đông.
 

Lụa bây giờ được làm bằng máy chứ không phơi thủ công như trước kia nên có muốn tìm những áng lụa mỏng manh ánh lên trong nắng không thể thấy được.
 
Phía ngoài của làng là những cửa hàng bán lụa khang trang, bày bán các sản phẩm được làm từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân trong làng, đi sâu vào bên trong là các xưởng dệt và các xưởng sản xuất sản phẩm.
 
 
Từ những dải lụa mềm mại, người ta thêm nhiều phụ kiện đính thêm lên các sản phẩm khiến những chiếc túi hay chiếc ví thêm đẹp và có thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng.

 
 
 
Giá cả của những sản phẩm bán tại làng lụa Vạn Phúc phải chăng và dễ chọn lựa. Mặt hàng được bày bán trong các cửa hàng nhiều màu sắc đa dạng và phong phú về chủng loại. Vào những ngày đầu đông, sản phẩm khăn lụa, caravat, áo khoác bông trần, lụa may áo dài được bày bán nhiều hơn hẳn.
 
Các bà các chị thế nào cũng sắm được cho mình một vài thứ, nếu không là chiếc caravat cho chàng thì cũng là chiếc khăn điệu đàng cho mình. Ai cần may áo dài thì đây quả là một thế giới của những mảnh áo tuyệt đẹp với nhiều mức giá cả khác nhau.
 
 

 
Suốt dọc chiều dài vài trăm mét với gần 50 cửa hàng, bạn đi mỏi chân trong một buổi chiều mới hết được và chắc chắn sẽ tay xách nách mang khi ra về.
 
Còn nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về nghề dệt lụa cổ truyền của làng nghề này, hãy đi vào sâu bên trong làng để được tận mắt chứng kiến những thước lụa được làm ra như thế nào.
 
Một cuộn tơ trước khi bắt đầu
 
Tơ rất dễ bị đứt nên phải nối ngay
 
Tơ đã nuột là chuyển sang công đoạn dệt
 
Những sợi tơ thành hình và được nhuộm
Lụa đã khô, dưới bàn tay tài hoa, thành những sản phẩm
 
Tíu tít chị em đi mua hàng
 
Tương truyền rằng, Tổ nghề dệt của làng Vạn Phúc là một người con gái họ Lã - người có công đem những bí quyết dệt lụa của Trung Quốc về truyền dạy nghề cho những người dân ở quê.
 
 
Chính vì vậy, lụa Vạn Phúc không giống bất kỳ một loại lụa nào được dệt ở các làng khác, bởi chất liệu mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, từng họa tiết trang trí.
 
Mách bạn:
 
- Lụa Vạn Phúc giờ khá nhiều hàng bị "trộn lẫn". Nếu muốn mua hàng chính hiệu, bạn nên chọn những loại khăn, áo họa tiết đơn giản, hơi cổ 1 chút. Đừng chọn các loại khăn len vì chắc chắn nó không phải là lụa Vạn Phúc.
 
- Bạn nên mặc cả, giá có thể giảm từ 20%-30% tùy tài của bạn. Tuy nhiên, một số cửa hiệu lớn trong làng đã niêm yết giá nên bạn khó lòng được giảm. Hãy chịu khó đi vào các cửa hàng trong ngõ, ngách phía sâu làng, ở đó hàng vừa rẻ và chất lượng cũng tốt.
 
-Hiện tại, bạn có thể đi đường Lê Văn Lương kéo dài, rất sạch sẽ và nhanh để tới làng Vạn Phúc. Từ đường Khuất Duy Tiến  mới hay mọi người gọi quen là đường Vành Đai 3, chiều từ Nguyễn Trãi ra, bạn  rẻ trái theo biển chỉ dẫn sẽ vào đường Lê Văn Lương kéo dài. Đi khoảng 10 phút tới ngã tư giao với đường 70 và khu đô thị mới Vạn Phúc, rẽ trái tiếp khoảng 1 km là sẽ tới làng.
Chia sẻ