Cuối năm đi "trả nợ" ở đền bà chúa Kho

Theo báo Gia đình& xã hội,
Chia sẻ

“Đầu năm đi vay, cuối năm đi trả”, mỗi ngày có hàng nghìn khách thập phương đổ về Đền Bà Chúa Kho hành lễ.

1.001 mánh móc hầu bao “thượng đế”

Dịch vụ cúng thuê vẫn hoạt động

 
Mặc cho cái rét quất từng cơn vào mặt, mỗi khi có khách dừng xe hỏi đường vào Đền Bà Chúa Kho, ngay lập tức có một “hướng dẫn viên” lao ra chỉ trỏ rồi hăng hái: “Nếu anh chị không nhớ đường, cứ theo em”. Đám khách đang ngơ ngác, anh thanh niên liền nói: “Lúc này đang rảnh, đoàn anh chị sớm thì còn có cơ hội “gặp Bà” chứ chờ lát nữa thì chỉ còn nước đứng ở sân mà vái, không chen nổi đâu”. Đoàn khách không ai bảo ai, lục tục theo xe anh thanh niên nọ. Vào cổng đền, anh ta nhiệt tình hướng dẫn đường đi nước bước.
 
Đường vào Đền san sát cửa hàng hoa, sớ, lễ. Khách thập phương đã đông nhưng đôi lúc cũng chẳng ăn nhằm so với “cò” bán hoa, sớ, lễ. “Em ơi! Vào đây uống nước, sắp lễ, viết sớ đi”, mỗi chủ hàng lao ra tiếp cận khách, thậm chí còn theo khách vào Đền để mời chào. Thấy đám “lâu nhâu” lao ra định nẫng tay trên, anh thanh niên nọ xẵng giọng: “Khách nhà tôi đấy, vất vả mời từ đường cái mời vào, đừng có “hóng” mà “hớt”.
 

Cuối năm "vàng" lại "nạp đầy kho bà chúa
 
Cảnh tượng này tiếp diễn giống hệt nhau mỗi khi có đoàn khách xuất hiện. Chỉ cần cái gật đầu, “thượng đế” sẽ có ngay mâm lễ vào dâng cửa Bà Chúa kèm sớ cúng với mức giá rất khác nhau, từ 100.000 đồng đến tiền triệu.
 
Sau khi thoát cảnh chen lấn mời chào, du khách những tưởng được bình an, nào ngờ trong đám khách lại “lách” ra một đám “cò” mới. Không rì rầm xin xỏ, chèo kéo, đám này liền lôi trong túi của mình ra một nắm danh thiếp rồi nói: “Đây là cửa hàng, số điện thoại nhà em, các bác cứ vào đền, alo cho em một tiếng, dăm phút sau em cho người sắm đủ lễ mang vào”.
 

Hối hả dâng tiền, vàng trả lễ Bà Chúa.

 
“Cò” có cả 1.001 cách để thuyết phục các “thượng đế” phải móc hầu bao. Dịch vụ đổi tiền lẻ cũng rôm rả mời chào khi được “ưu ái” địa điểm đắc địa. Mỗi hàng đổi tiền ngự trước cửa chính điện. Cửa vào điện có 3 lối ra vào thì đã có sẵn 4 hàng đổi tiền lẻ “ngự” hai bên.
 
Giá đổi cũng lên “giời” tùy loại. Đổi 100.000 đồng lấy tiền mệnh giá 200 đồng thì chỉ được 60.000 đồng, lấy loại 500 đồng chỉ được 70.000 đồng, loại 1.000 đồng được 80.000 đồng, với mệnh giá 5.000 và 10.000 đồng được 90.000 đồng... Đội quân này còn đảm nhận cả khâu bưng lễ vào điện thờ, chờ cho tín chủ khấn xong, hạ lễ giúp và đưa ra tận chỗ hoá vàng. Tất nhiên, “thượng đế” cũng sẽ phải móc hầu bao cho từng công đoạn.
 
Cấm cúng thuê  thì… khấn hộ
 

Những mâm vàng mã, đô la âm phủ cao ngất ngưởng.

 
Để ngăn chặn tình trạng chèo kéo khách cúng thuê, nhà Đền dựng một tấm bảng to với nội dung: “Quý khách lưu ý: Không nhờ cúng thuê, lễ mướn”. Tuy nhiên, sau “biển cấm” này, hàng chục phụ nữ tay cầm đĩa, “đính kèm” vài đồng xu mắt đảo liên hồi, tiếp cận khách mời chào “khấn hộ”. Đám “thầy” khấn hộ này “bâu” quanh hòm công đức trước cửa nội điện, thấy khách vào, cả đám nhao ra mời chào, lôi kéo. Nhiều du khách bực mình lên tiếng: “Đền cấm cúng thuê, các chị không sợ bị “tóm” à?”. Một “thầy” cười nhếch rồi nói: “Đền cấm cúng thuê nhưng bọn tôi khấn hộ kia mà”.
 
Thấy đoàn khách có vẻ căng thẳng, một “thầy” liền “chém gió”: “Ai thì không biết chứ tôi khấn thiêng lắm, đấy, cái nhà khệ nệ đội mâm vàng, bạc kia năm ngoái nhờ tôi khấn, năm nay làm ăn trúng lắm, vừa lên trả lễ xong. Trước khi lên còn phải gọi điện cho tôi mấy ngày để trả lễ “thầy”. Lời “thầy” không biết thực hư thế nào nhưng đi dăm bước lại nghe một “thầy” “cóp” nguyên lời thầy nọ phán với khách kia.
 
Hoá ra, các “thầy” đều “uyên thâm” và “thiêng” như nhau, mỗi khi được thuê khấn đều ra rả “phán” giống nhau không sót một chữ. Nói về “đám” khấn thuê này, ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng Ban an ninh Đền Bà Chúa Kho khẳng định, “đám” cúng thuê toàn là dân thất nghiệp. Không nghề ngỗng gì nên lợi dụng trà trộn vào khách để hành nghề (!?).
 

 
Nội điện, nơi đặt bàn thờ Bà Chúa được “phong toả” bằng hệ thống cửa đóng, then cài để tránh tình trạng lộn xộn chốn linh thiêng. Để vào trong, chỉ được từng tốp vài ba người, vào xong có người của Ban tổ chức khoá cửa đứng canh. Ngoài cửa, từng tốp người đứng chờ tới lượt. Xen lẫn trong nhóm du khách là các “thầy” cúng thuê, tay cầm sổ bút ghi tên tuổi, địa chỉ của gia chủ. Mỗi tốp khách vào nội điện thì ngay lập tức có một “thầy” đứng ngoài “chỉ huy”. Khách hành lễ gõ chuông như thế nào? Khấn vái ra làm sao đều theo sự chỉ dẫn của “thầy”.
 
Khấn, vái xong, “thầy” chuyển sang màn “đọc sớ”. Đang lầm rầm cúng cho gia chủ nọ, thi thoảng lại có khách tới nhét vào túi áo “thầy” tờ tiền mệnh giá “cực kim” 500.000 đồng. Thầy vừa đọc vừa sờ túi, ngoái đầu cảm ơn. Chỉ trong vòng 15 phút, có đến 5 “thầy” đứng hành lễ thuê cho khách. Khấn xong, khách vừa khuất sau cánh cửa, các thầy kháo nhau, sáng nay cũng làm được năm đoàn. Mỗi đoàn “dúi” 500.000 đồng, tính sơ sơ, buổi sáng “thầy” thu bằng cả tháng lương công chức.
 
360 độ... khấn
 
Càng về trưa, khách đổ về đền Bà Chúa Kho càng nhiều với những mâm vàng mã, đô la âm phủ cao ngất ngưởng. Ai cũng cố tìm cho mình một chỗ đứng gần Cung Bà Chúa như thể muốn “bà” nghe thấu lòng mình. Du khách vào đây phần lớn đều thuê người khấn hộ. Đỉnh điểm có lúc, trước điện Chúa Bà có đến 5 “thầy” thi nhau “phán”. Người cầu bố mẹ bình an, bách niên giai lão, nội ngoại hai bên hòa thuận, nói có người nghe, đe có người sợ... trẻ nhỏ ăn như cũ ngủ như xưa, học hành giỏi giang, tiến tới...
 
Một gia chủ giới thiệu mình là phu nhân của chủ tịch huyện ở tỉnh Nam Định vừa tái đắc cử. Gia chủ đọc, “thầy” phán theo: “Mong Bà phù hộ cho huyện X, tỉnh Nam Định năm nay ấm no hạnh phúc, ký kết được nhiều hợp đồng, khởi công nhiều dự án, phát triển bằng năm bằng ba năm ngoái”. Cầu chung xong, gia chủ cầu riêng cho nhà mình, cho ông chủ tịch vững ghế, sớm phát đường quan lộ.
 
 
Cạnh đó, gia chủ quê ở Bắc Ninh ngoài việc cầu tài, cầu lộc, còn ghi hẳn cả biển số 2 con xế hộp cho “thầy” nhờ bà Chúa che chở: “...Cầu cho Bà phù hộ, che chở cho 2 xe nhà con biển số 99 H..., 99 P... ra đường được thượng lộ bình an, đi tới chốn, về tới nơi”.
 
Với dân kinh doanh xin buôn may bán đắt, nhập bao nhiêu hàng bán hết bấy nhiêu, khách hàng trả tiền “tươi”, con nợ nóng lòng sốt ruột trả không thiếu một xu. Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt... Cùng với du khách trong nước, lượng khách Việt kiều về trả lễ Bà Chúa cũng chiếm con số không nhỏ.
 
 
Mỗi nhà một cảnh, ai cũng có “tâm sự riêng” với Chúa Bà. Đứng cạnh một nữ trung niên tuổi ngoài 40, một “thầy” phán: “...Gia chủ của con là Việt kiều Liên bang Nga, hôm nay về đây trả lễ Bà. Cầu Bà ban cho lộc rơi, lộc vãi để năm sau đắt hàng, hàng nhập về bao nhiêu hết bấy nhiêu. Nhập năm bán năm, nhập mười bán mười, mua một bán hai ba...”. Một nhà có con đi xuất khẩu lao động Đài Loan bị vỡ nợ cũng khẩn thiết cầu cứu Bà Chúa, cầu Bà phù hộ cho năm sau xuất ngoại làm ăn khấm khá, không thất bát như thời gian qua...
 
Đền Bà Chúa Kho toạ lạc trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ, xã Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quân thể di tích của khu Cô Mễ (gồm: Đình - Chùa - Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.

Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076. Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.

Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).

Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hoá, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang.
 
Không ai biết tên bà, khi bà qua đời, nhân dân lập đền thờ để ghi lại công ơn bà là đã hết lòng chăm lo cho dân ấm no, trông coi các "lẫm thóc, lẫm tiền" của Nhà nước. Công lao của bà đã được triều đại phong kiến ghi nhận qua việc sắc phong đền thờ bà là "Chủ khổ linh từ" (Đền thiêng thờ bà Chúa Kho).
 
Ở thôn Cổ Mễ còn một ngôi đình và ngôi chùa cổ. Chùa Cổ Mễ có từ lâu đời. Ngày nay trong chùa còn ba pho tượng đá khá đẹp mang rõ phong cách điêu khắc thời Mạc. Chùa còn lại đến nay là kiến trúc thế kỷ XIX, làm theo kiểu chữ T chạm khắc công phu.
 
Đình Cổ Mễ kiểu chữ nhất với năm gian, hai vì. Các mảng chạm khắc gỗ thể hiện theo các đề tài long vân khánh hội, ngũ hổ tranh châu với nghệ thuật điêu luyện. Đình thờ Trương Hống, Trương Hát là những anh hùng có công giúp Triệu Quang Phục (549-570) chống giặc Lương.
 
Theo Wikipedia
Chia sẻ