Cuộc sống của cô gái hở hàm ếch sau 2 lần mổ tái tạo gương mặt

NHƯ LOAN/VTC News,
Chia sẻ

Sau 2 lần phẫu thuật tái tạo gương mặt, giờ đây Xuân Mai rất tự tin, không còn thu mình lại như trước.

Kết thúc ca mổ thứ 2 vào tháng 11/2023, Trần Thị Xuân Mai (SN 2005, quê Ninh Thuận) rời Hà Nội về lại quê hương. Mai nghỉ ngơi một thời gian chờ sức khoẻ ổn định hẳn mới quay lại công việc tư vấn bán hàng trực tuyến.

Mai không may mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Thương con có hình hài khác biệt với chúng bạn, bố mẹ Mai vay tiền đưa con đi khắp nơi phẫu thuật. Cô gái nhỏ lần lượt trải qua 7 cuộc mổ đau đớn nhưng khiếm khuyết vẫn còn nguyên trên khuôn mặt.

Lên cấp 1, Mai thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. “Mỗi ngày đến trường là một thử thách, tôi bị bạn bè miệt thị, săm soi, đôi lúc còn bị đánh đập ăn hiếp trầy xước chân tay”, Mai nhớ lại.

Mai mặc cảm, thu mình, ít giao tiếp với mọi người.

Cuộc sống của cô gái hở hàm ếch sau 2 lần mổ tái tạo gương mặt - Ảnh 1.

Xuân Mai trước khi phẫu thuật chỉnh sửa tật hở hàm ếch.

Sau khi học hết phổ thông, Mai đi làm nhân viên tư vấn bán hàng trực tuyến để chia sẻ gánh nặng kinh tế với bố mẹ nhưng ngoại hình khiếm khuyết khiến cô rụt rè trong công việc.

Mai bắt đầu tìm hiểu về thẩm mỹ và mong muốn được phẫu thuật để có khuôn mặt bình thường. Lúc này Mai biết đến chương trình phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí ở Hà Nội. Sau nhiều đêm suy nghĩ, cô gái gốc Ninh Thuận quyết định nộp hồ sơ tham dự và may mắn được ban tổ chức chọn.

Mai trải qua 2 lần phẫu thuật. Ca mổ ít nhiều gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi những lần phẫu thuật thất bại trước đó, nhưng cuối cùng thành quả vượt ngoài kỳ vọng.

Chuyến ra thủ đô này không chỉ làm thay đổi diện mạo của Mai tích cực, mà còn để lại cho cô nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ở lần phẫu thuật thứ 2, sau hôn mê, Mai tỉnh lại và thấy mọi người đứng xung quanh cùng chiếc bánh sinh nhật hát vang bài “Chúc mừng sinh nhật” bằng tiếng Anh.

Từ cô bé bị hắt hủi, kỳ thị, Mai bỗng chốc cảm nhận được tình thương của những người xung quanh - thứ tình cảm trước giờ với cô là rất xa xỉ. Sau lần đón tuổi mới với những người xa lạ nhưng rất ấm áp đó, Mai nhận ra, cuộc đời vẫn còn nhiều điều tươi đẹp phía trước.

Trở về nhà, Mai soi mình trong gương, thấy khẩu hình miệng tròn hơn, mũi, răng và hàm đều đặn, gia đình và cả những người xung quanh đều rất bất ngờ. “Bố mẹ mừng vì thấy tôi xinh đẹp hơn, nhưng cũng đau lòng vì biết để có được như ngày hôm nay, con gái phải chịu rất nhiều đau đớn”, Mai nói.

Từ khi còn rất nhỏ, Mai đã có ước mơ làm chuyên gia trang điểm nhưng vì ngoại hình khác biệt nên giấc mơ bị dang dở. Sắp tới, sau khi tích cóp được chút vốn liếng, Mai dự định sẽ đi học lớp trang điểm để vừa hiện thực hoá khát khao bấy lâu nay, vừa giúp được nhiều người trở nên xinh đẹp, tự tin hơn.

Nhìn lại hành chính mà mình đã đi qua, Mai muốn truyền tải tới mọi người thông điệp hãy mạnh mẽ đấu tranh, nói lên tiếng nói của chính mình, mạnh mẽ bước qua nỗi đau cuộc đời.

Cuộc sống của cô gái hở hàm ếch sau 2 lần mổ tái tạo gương mặt - Ảnh 3.

Xuân Mai lột xác vượt xa kỳ vọng.

Mỗi ngày, trên thế giới có trung bình 550 trẻ chào đời bị dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm khoảng 3.000 trẻ sinh ra bị dị tật. Trong đó, dị tật hở môi và hở hàm ếch là khiếm khuyết bẩm sinh phổ biến nhất xảy ra tại vùng mặt và miệng.

Nguyên nhân gây dị tật này có thể là mẹ bầu dùng thuốc không đúng chỉ định trong thời gian đầu của thai kỳ, nhiễm chất độc hóa học, do nhiễm tia X hoặc nhiễm siêu vi, bị cảm cúm. Người mẹ khi mang thai bị stress, điều kiện sống thấp, suy dinh dưỡng lúc mang thai có thể khiến con bị sứt môi - hở hàm ếch. Những yếu tố về di truyền hay cha mẹ sinh con lúc lớn tuổi cũng là nguyên nhân dị tật này.

Sứt môi - hở hàm ếch không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ mà còn tác động nhiều đến chức năng của răng hàm mặt, đặc biệt là ở những trẻ hở hàm ếch. Hàm ếch được xem là thành ngăn cách hốc miệng và hốc mũi, giúp bảo đảm cho việc phát âm được chuẩn.

Hở hàm ếch sẽ gây rối loạn phát âm (nói ngọng) và rối loạn chức năng nuốt, khi đó thức ăn hoặc sữa sẽ chạy ngược lên mũi gây sặc. Do khó nuốt nên trẻ sớm bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, từ đó ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ. Về tâm lý, trẻ sẽ có cảm giác bị cô lập, mặc cảm, tủi thân; cha mẹ trẻ và người thân cũng chịu tác động không kém.

Chia sẻ