Cuộc đời trầm bổng của Hoa hậu xứ Mường: Làm vợ lẽ của anh trai nuôi, sống đời xa hoa, chết trong hờn tủi

Thiên Yết,
Chia sẻ

Số phận chìm nổi của nhan sắc đẹp nhất xứ Mường thuở ấy cho đến giờ vẫn không thôi hấp dẫn. Không chỉ bởi Hà Thị Tẻo có nhan sắc hiếm có ở vùng sơn cước, làm chao đảo trái tim si tình của bao quan Pháp, lại đã từng là mỹ nhân được tiến vua, mà cô còn được nhắc nhớ bởi cuộc đời đầy truân chuyên...

Từ con gia nhân trở thành tiểu thư sống trong nhung lụa

Hà Thị Tẻo, Hoa hậu đầu tiên của xứ Mường sinh năm 1917. Là người đẹp gắn gần như cả cuộc đời mình với núi rừng, nhưng nàng thực chất lại là người gốc miền xuôi. Cha nàng là người Việt gốc Hoa, mẹ nàng là người Hà Nội chính gốc. Gia đình nàng sống ở xứ Mường, bởi cha nàng là đầu bếp trong nhà Chánh quan Lang xứ Mường - Quách Vị. Thấy cô bé Tẻo xinh xắn, dễ thương, Quách Vị đem lòng yêu mến và mua hẳn về làm con nuôi. Từ đó, Tẻo đổi theo họ của bố nuôi thành Quách Thị Tẻo.

Từ con một gia nhân, cô bé Tẻo trở thành tiểu thư trong nhà Quách Vị, là dòng dõi quan Lang lớn đã nhiều đời sống ở đất Mường, ăn lộc xứ Mường, sở hữu điền sản đất đai bạt ngàn trong vùng sơn cước. Tuy là con nuôi nhưng nàng được Quách Vị yêu thương, nuông chiều hết mực.

Cuộc đời trầm bổng của Hoa hậu xứ Mường: Làm vợ lẽ của anh trai nuôi, sống đời xa hoa, chết trong hờn tủi - Ảnh 1.

Nàng Quách Thị Tẻo (phía trên, bên phải) và gia đình cha nuôi. (Ảnh tư liệu)

Không chỉ được sống trong nhàn hạ, nhung lụa như công chúa của núi rừng, Quách Thị Tẻo còn được cho ăn học, được bố nuôi đón gia sư về để dạy tiếng Pháp, cho gặp gỡ, tiếp xúc với các quan chức và trí thức Tây học. Nàng tiểu thư đã được nuôi dạy trở thành một thiếu nữ Mường tài sắc sắc vẹn toàn.

Vào năm 1932, khi vừa bước sang tuổi 16, Tẻo đã rực rỡ, một vẻ đẹp vừa hoang dại như đóa hoa rừng, vừa ngọt ngào, duyên dáng của thiếu nữ được học hành, dạy dỗ cẩn thận. Nhân chuyến vào Huế yết kiến Vua Bảo Đại, Quan chánh lang Quách Vị đã xênh xang ngựa xe võng lọng, mang theo cả cô con gái nuôi xinh đẹp. Quách Vị định bụng mang tặng con gái nuôi cho vua Bảo Đại, như một món quà, và cũng như một động thái chính trị để được hưởng thêm nhiều bổng lộc triều đình.

Cuộc đời trầm bổng của Hoa hậu xứ Mường: Làm vợ lẽ của anh trai nuôi, sống đời xa hoa, chết trong hờn tủi - Ảnh 2.

Khi trở thành con nuôi Quách Vị (phải), nàng được nuôi dạy như một tiểu thư đài các. (Ảnh tư liệu)

Nhà vua và các quan lại trong triều lúc bấy giờ, nhìn thấy nhan sắc tuổi trăng tròn rực rỡ của Quách Thị Tẻo cũng ngây ngất chẳng khác gì những vị quan người Pháp hồi đó hay kinh lý lên xứ Mường Vang. Thế nhưng, vì nhiều lẽ, nhà vua không nhận Quách Thị Tèo vào làm phi tần.

Nàng theo cha về lại chốn núi rừng, và một năm sau đó, năm 1933, trong cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của xứ Mường, Quách Thị Tẻo đã được vinh danh nhờ tài sắc khó ai bì kịp của mình.

Là Hoa hậu đầu tiên của xứ Mường, bao quan Tây, công tử rào đón

Kể từ ngày đăng quang Hoa hậu, tên tuổi Quách Thị Tẻo ngày càng bay xa. Khắp xứ Mường rộng lớn, đâu đâu cũng ca tụng nhan sắc con gái nhà Chánh quan lang Quách Vị. Nhà văn Phượng Vũ - lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Hà Sơn Bình cũ đã viết trong cuốn "Hoa hậu xứ Mường", xuất bản năm 1984 rằng, không chỉ có chức sắc cao nhất tỉnh, không chỉ quan công sứ ngây ngất nhìn ngắm Hoa hậu xứ Mường mà ngay cả các bà đầm vợ quan công sứ, quan chánh đoan... cũng ngỡ ngàng trước nhan sắc lạ lùng của Quách Thị Tẻo.

Càng lớn, Hoa hậu xứ Mường càng nhuận sắc hơn nhờ biết điểm tô son phấn, trang sức và những bộ trang phục nửa Mường nửa Tây... Nàng đã khiến trái tim biết bao công tử, tao nhân mặc khách và giới chức Hòa Bình, Hà Nội, công sứ Pháp đầy quyền lực, vô số người đàn ông con nhà giàu có, danh giá, công tử con quan... loạn nhịp. Biết bao người mong muốn được cưới nàng về làm vợ. Tương truyền rằng có người còn âm thầm thương nhớ Hoa hậu đến mức cắt tờ báo cũ có đăng hình nàng lúc đăng quang và giữ như bảo vật đến cuối đời.

Cuộc đời trầm bổng của Hoa hậu xứ Mường: Làm vợ lẽ của anh trai nuôi, sống đời xa hoa, chết trong hờn tủi - Ảnh 3.

Nhan sắc của đóa hoa xứ Mường ngày ấy khiến bao công tử, quan Tây say đắm. (Ảnh tư liệu)

Nhiều người đàn ông danh giá mê mệt, thế nhưng, thật trái ngang, trái tim mới lớn của Hoa hậu xứ Mường lại chỉ rung động trước một người: Quách Hàm, con trai cả của Quách Vị. Quách Hàm cũng là một công tử Tây học, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ khi còn nhỏ, nói tiếng Pháp thành thạo.

Người ta kể lại, Quách Hàm cũng là bậc hào hoa, lại là người thừa kế chính thức dòng Lang, bổng lộc, gia tài của Quách Vị sau này. Ngoài 20 tuổi, Quách Hàm đã được bổ làm Tri châu Lạc Sơn, và hy vọng có ngày thay cha làm Chánh lang. Người này cũng có tình ái phức tạp, có 3 đời vợ, nhưng thấy nhan sắc mê hồn của em nuôi thì cũng chẳng thể kìm lòng, si mê nàng như điếu đổ.

Khi hay tin người thừa kế của mình và cô con gái nuôi bao năm cưng chiều, nuôi nấng, dạy dỗ thành một tiểu thư có tình ý với nhau, Quách Vị đã nổi giận lôi đình. Ông tìm đủ mọi cách để cấm cản mối tình ngang trái đó, bởi nó không chỉ phạm luật nhà Lang xứ Mường, con nuôi được coi y như con đẻ. Không chỉ thế, nếu hai người đến với nhau, tiếng tăm của Quan chánh Lang và cả dòng họ Quách bao đời lừng lẫy ở xứ Mường cũng có thể tiêu tan trong phút chốc.

Làm vợ lẽ của anh trai nuôi, sống đời xa hoa không ai bì kịp

Thế nhưng, ăn vụng thì càng ngon, tình yêu càng cấm càng mãnh liệt. Bất chấp mọi phản ứng quyết liệt của cha, Hoa hậu xứ Mường và người thừa kế gia sản, danh tiếng nhà họ Quách vẫn lao vào nhau trong cơn say tình. Quách Hàm thậm chí còn ngang nhiên rước Quách Thị Tẻo về sống như vợ chồng trong dinh thự ở Lạc Sơn.

Chẳng còn cách nào khác, Quách Vị đành phải ưng thuận, tác hợp cho mối tình ngược ngạo này. Hoa hậu xứ Mường may mắn được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc, trong nhung lụa và quyền lực bên người chồng - người anh nuôi. Tương truyền, cuộc sống của nàng những năm sau đó là cuộc sống vương giả bậc nhất với dinh thự, xe hơi, võng lọng... Trong khi cả Hà Nội còn lạ lẫm với ô tô, thì Hoa hậu xứ Mường đã một bước lên xe hơi. Người ta vẫn còn lưu giữ được tấm ảnh của nàng, kiêu sa trong bộ đồ trắng, chụp ảnh dựa vào chiếc xe sang trọng đen bóng.

Ở xứ Mường bây giờ, người ta còn nhắc về cuộc sống xa hoa khi ấy của vợ chồng người đẹp. Nửa đêm, nàng đói bụng, đòi ăn bít tết mà đầu bếp bảo hết thịt bò, Quách Hàm bèn ra lệnh khoét ngay một miếng mông con bò béo nhất đang ngủ ngoài vườn về nấu.

Cuộc đời trầm bổng của Hoa hậu xứ Mường: Làm vợ lẽ của anh trai nuôi, sống đời xa hoa, chết trong hờn tủi - Ảnh 4.

Cuộc sống xa hoa của nàng khi ấy chẳng kém cạnh các tiểu thư danh giá, giàu có người Pháp lúc bấy giờ. (Ảnh tư liệu)

Họ nhà Quách Vị còn nuôi riêng một người chuyên chụp ảnh gia đình trong những dịp lễ Tết. Những bức ảnh đó đã phản ánh rõ nhan sắc rực rỡ, lộng lẫy của đóa hoa vùng sơn cước, vừa sang trọng quý phái, vừa đài các kiêu sa. Khi thì nàng để tóc ngắn, mặc áo trắng, chít khăn trắng người Mường đứng bên chiếc ô tô cổ sang trọng, khi nàng mơ màng bên những căn nhà tre nứa xứ Mường trông thơ ngây và trang nhã...

Ngay cả khi đã là một đóa hoa thuộc về Quách Hàm, nhan sắc ấy vẫn khiến nhiều người mê mệt muốn chiếm hữu. Quách Lu, em chồng nàng là một trong số đó. Si mê chị dâu đến điên dại mà không thể cướp nổi, Quách Lu và anh trai mâu thuẫn cực kỳ gay gắt, hằm hè nhau như hai con hổ dữ. Tình trạng này căng thẳng đến mức, Chánh quan Lang Quách Vị phải cho hai con ở riêng cách xa nhau, mỗi người cai quản một vùng.

Có lần, chẳng rõ mâu thuẫn gì, Quách Lu vác súng rượt đuổi anh trai về tận tư dinh. Khi ấy, Quách Thị Tẻo đang mang thai, mặc váy Mường rộng thùng thình, gặp chồng đang chạy trốn họng súng của em. Hết lối trốn, Quách Hàm đành phải chui tọt vào váy vợ ngồi im để "lánh nạn". Nhìn thấy vẻ đẹp rạng ngời của người đẹp, Quách Lu xây xẩm mặt mày, ngây ngất trong lòng, lóa cả mắt chẳng còn nhìn thấy anh trai đâu nữa, đành lặng lẽ xách súng ra về.

Kết thúc cay đắng của đóa hoa thơm nhất xứ Mường

Vậy nhưng, đêm dài lắm mộng, cuộc sống giàu sang phú quý và hạnh phúc ấy chẳng theo gót đóa hoa xứ Mường cho đến cuối đời. Thời thế đổi thay, danh thế quan Lang dòng dõi nhà họ Quách lâm vào suy vi, từ cuộc sống xa hoa khét tiếng một vùng, bông hoa xứ Mường như bị bứt khỏi cành xanh, rơi xuống vực thẳm.

Cuộc đời trầm bổng của Hoa hậu xứ Mường: Làm vợ lẽ của anh trai nuôi, sống đời xa hoa, chết trong hờn tủi - Ảnh 5.

Bông hoa xứ Mường (phải) kết thúc cuộc đời mình trong nỗi đắng cay, trái ngược hoàn toàn với cuộc sống nhung lụa trước đó. (Ảnh tư liệu)

Người ta kể lại rằng, những ngày tháng cuối đời, nàng phải sống trong nghèo khó, đớn đau và nghiện ngập. Có lời đồn, nàng phải bán dần đồ nữ trang để trang trải cuộc sống. Khi trong nhà chẳng còn gì đáng giá, Quách Thị Tẻo còn phải dệt thổ cẩm rồi đi bộ ra các chợ để bán.

Nhan sắc đóa hoa ấy cũng nhạt phai dần, bởi sự tàn phá của thuốc phiện và thời gian. Năm 1984, đóa hoa phong sương từng rực rỡ cả núi rừng xứ Hòa Bình đã về với đất, chấm dứt cuộc đời hoàng hoa danh giá trong nỗi ê chề tủi phận và nghèo túng.

Nguồn: Sách "Hoa hậu xứ Mường" của Phượng Vũ, xuất bản năm 1984

Chia sẻ