Công sở: Khi kim đồng hồ ngấp nghé 3h chiều...

Đĩnh Đĩnh,
Chia sẻ

Đến tầm gần trưa và chiều thì người ta thường đâm ra nghi ngờ về khả năng hoạt động của cái đồng hồ treo tường khi thấy có vẻ nó chạy chậm hơn rùa: "Hay quả pin nó đểu?”

Vốn được quen là nhàn hạ, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, nhưng dân công sở ngày càng mắc bệnh nhiều hơn: như bệnh to bụng, bệnh đau đầu... và bệnh “ngắm”. “Bệnh” này đang trở thành nét đặc trưng nhất của dân công sở và đặc biệt khó trị. Nếu như chiếc đồng hồ biết suy nghĩ, hẳn nó sẽ phải sung sướng lắm khi được mua về treo ở các văn phòng làm việc. Và sau đó sẽ là cảm giác hãnh diện, tự hào bởi lẽ nó mới thực sự là “nhân vật VIP” nhất phòng chứ không phải ông sếp đang mặc vest đường hoàng ngồi kia.

Ngắm chiếc đồng hồ

Từ sáng sớm, bước vào phòng, người ta đã lấm lét nhìn chiếc đồng hồ và thắc mắc “Tại sao nó lại chạy nhanh đến thế?”. Rồi suốt cả một ngày, có những người nhìn ngắm sự hoạt động lặp đi lặp lại của nó một cách chăm chú như thể đó là một cái gì đó rất hấp dẫn và cần được khám phá.


Nhưng đến tầm gần trưa và chiều thì người ta đâm ra nghi ngờ về khả năng hoạt động của nó khi thấy có vẻ nó chạy chậm hơn rùa. Chị kế toán sau một hồi nhìn ngắm nó liền quay ra dặn dò cậu sinh viên thực tập: “Lâm, mai em nhớ mua pin đồng hồ để thay, cái đồng hồ này sắp chết rồi hay sao ấy”. Cậu sinh viên nhăn nhó: “Hôm qua chị Mai cũng bảo vậy, em mới thay sáng nay mà. Hay quả pin nó đểu?”

Đến ngắm người…

Nếu đã là đồng nghiệp của nhau, ngồi cùng phòng, thì có khi xa xa cách vài chục mét, chỉ nhìn dáng áo, dáng người, dáng tóc bay theo gió dân công sở cũng có thể nhận ra nhau. Bởi hàng ngày, họ đều dành rất nhiều để “ngắm” nhau. Có những anh chàng còn biết được cả cô kế toán cùng phòng có bao nhiêu chiếc áo sơ mi voan, mấy đôi sandal cao gót và cô ưa dùng loại kiểu dép gì.


Kinh điển hơn, có người còn có thể khẳng định rằng mặt anh phó phòng có tất cả bao nhiêu ruồi. Cả phòng xúm vào không tin, sau đó đè ngửa anh phó phòng vào giờ nghỉ trưa ra để đếm và “trúng phóc”. Ai cũng phải phục anh chàng kia tinh mắt vì mặt “sếp” có không ít nốt ruồi. Nhưng ai biết đâu, “bí quyết của thành công” chính là vấn đề vị trí. Trong phòng, anh chàng kia ngồi thẳng trực diện với sếp, nên tha hồ ngắm.

Chán ngắm người khác, họ quay trở lại ngắm mình. Thôi thì mặt kính của bàn, cửa sổ kính đen, hay màn hình điện thoại… đều được trưng dụng phục vụ cho mục đích ngắm. Thỉnh thoảng, trong văn phòng yên tĩnh bật lên một tiếng kêu hoảng hốt của một cô nàng hoặc thậm chí là cả anh chàng bởi trên gương mặt nhẵn nhụi bỗng xuất hiện cái mụn xinh xinh.
 
Ngắm trời…

Dường như thiên nhiên, bầu trời luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với dân công sở. Bởi đôi khi, ngoài khung cửa sổ chỉ là một thân cây xù xì, mốc meo bao năm vẫn thế hay là một bầu trời chả có lấy một gợn mây thì dân công sở vẫn ngắm một cách say sưa. Đôi khi lại lẩm nhẩm đọc thơ theo nữa. Thế nên mới có chuyện, sếp ra điều kiện cho nhân viên: “nếu em có thể làm thơ về báo cáo tài chính tháng này của công ty thì không bị trừ lương vì tội thích thơ mà bỏ bê công việc em nhé!”.

Dân công sở luôn biết tự tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ, như một ngày “ngắm” và phát hiện ra ở cái cành cây xù xì cũ kỹ kia có một mầm non muốn đâm chồi nảy lộc. Một cái mầm xinh ấy có thể trở thành sự kiện cho cả phòng, những người hàng ngày đều coi cái cây đó là người bạn…thân.

Rồi ngắm máy tính…

Ngắm loanh quanh nhiều cũng rất dễ bị sếp “soi”. Bởi thế dân công sở lại quay lại với “cứu tinh” của mình là chiếc máy tính – một chiếc máy nhỏ xinh nhưng chứa cả thế giới. Tuy nhiên, những người mắc bệnh thích ngắm máy tính này thường phải luyện cho mình khả năng “nhanh tay nhanh tai nhanh mắt”. Bởi đôi khi sếp chỉ nhẹ nhàng đúng cạnh hỏi: “Hôm qua tỉ số ‘man xanh’ – ‘man đỏ’ thế nào” là nhiều người sẽ theo phản xạ bật rất nhanh câu trả lời mà sau đó sẽ tha hồ “gánh chịu hậu quả”.


Ngắm cả phòng làm việc…

Nhiều “sếp” đã rút ra kinh nghiệm rằng treo tranh, treo lịch trong phòng làm việc là cả một sai lầm lớn. Bởi lẽ khi không còn gì để ngắm thì những “tác phẩm” đó sẽ được xem xét một cách say sưa và chăm chú hơn cả tranh của Van Gogh hay Léonard de Vinci. 

Họ có thể phát hiện ra được lỗi photoshop cẩu thả của những người làm lịch hay cô người mẫu này thực ra có rất nhiều khiếm khuyết. 

Với căn bệnh này, y bác sĩ đều công nhận họ đã bó tay. Còn những người thực sự lo lắng về căn bệnh này là các sếp thì vẫn đang tích cực tìm kiếm giải pháp, nhưng về cơ bản hầu như đều chưa có tác dụng.



Chia sẻ