Cộng đồng mạng "giật mình" vì trào lưu đi xe lăn điện ở Trung Quốc: Bất ngờ khi biết nguyên nhân

Tất Đạt,
Chia sẻ

Theo Time, trào lưu đi xe lăn điện đang trở thành đề tài được bàn luận trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.

Trào lưu đi xe lăn điện

Theo Time, một phương tiện đi lại đặc biệt đang thu hút sự chú ý tại thành phố Quảng Châu ở phía nam Trung Quốc. Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hàng chục thanh niên khỏe mạnh đang điều khiển xe lăn điện trên đường phố.

Hiện tại chưa rõ tần suất mà người dân sử dụng xe lăn trong thành phố, nhưng những video này đã trở nên phổ biến khi chính quyền ở Quảng Châu đang xem xét các hạn chế mới đối với xe đạp điện và xe máy điện - những phương tiện đã trở nên phổ biến trong những thập kỷ qua trên các đường phố đô thị của Trung Quốc do tính tiện lợi và giá cả phải chăng. Ước tính có khoảng 300 triệu xe máy điện ở Trung Quốc vào năm 2021, và hàng chục triệu xe nữa dự kiến đã được bán ra kể từ đó, đặc biệt doanh số bán hàng tăng mạnh sau khi nước này giảm các biện pháp kiểm soát đại dịch vào năm ngoái.

Cộng đồng mạng "giật mình" vì trào lưu đi xe lăn điện ở Trung Quốc: Bất ngờ khi biết nguyên nhân - Ảnh 1.

Sự phát triển của xe đạp điện và xe máy điện, một thời được Bắc Kinh khuyến khích nay đang làm gia tăng nỗi lo về tình trạng quá tải ở các khu vực công cộng, gây vấn đề an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy - khiến cho các chính quyền địa phương trên toàn quốc thực hiện một loạt các biện pháp để kiểm soát trong nhiều năm qua.

Các nhà chức trách Quảng Châu cho biết họ đã nhận được hơn 5.000 lá thư phản hồi từ người dân, hầu hết trong đó đều cho rằng cần có biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát hơn 3,6 triệu chiếc xe đạp điện trong thành phố. Trong tháng qua, chính quyền Quảng Châu đã thu thập ý kiến phản hồi từ công chúng về các quy định đề xuất về xe đạp điện, chẳng hạn như hạn chế thời gian xe đạp điện được hoạt động trên đường hoặc cấm xe đạp điện trong một số quận được chọn.

Tuy nhiên, chắc chắn không phải ai cũng hoan nghênh các biện pháp kiểm soát này. Những người đi xe đạp điện và xe máy điện - với số lượng khá lớn - đã phản ứng với quy định mới. Một số người đã miêu tả những video về người sử dụng xe lăn điện như một "cuộc phản đối trào phúng" trước việc siết chặt quy định đối với phương tiện di chuyển chủ yếu của họ.

Các cuộc thảo luận về quy định xe điện tại Quảng Châu trùng với một sự kiện liên quan khác trên mạng xã hội Trung Quốc: một bức ảnh cho thấy những quy định nghiêm ngặt về xe tay ga, bao gồm cấm người đi xe tay ga đi bằng một tay và yêu cầu người lái phải xuống xe và đẩy xe qua vạch dành cho người đi bộ. Danh sách quy định này, được cho là áp dụng trên toàn quốc, sau đó đã được xác nhận là giả mạo, nhưng nó đã gây ra một làn sóng phản đối trên mạng.

Vấn đề còn tồn tại

Việc siết chặt xe đạp điện và xe tay ga tại Trung Quốc diễn ra giữa lúc nước này chung tay trong nỗ lực toàn cầu để chuyển sang các phương tiện giao thông xanh hơn.

Từ New York đến Berlin, chính quyền đang phải xử lí khối lượng công việc khổng lồ để điều chỉnh cơ sở hạ tầng thành phố cho phù hợp với số người đi xe đạp điện và xe tay ga ngày càng tăng. Ở châu Âu, xe máy điện được cho là đã làm tăng tai nạn giao thông, gây bức xúc cho người đi xe đạp, người lái xe ô tô và người đi bộ, và vào tháng 4, người dân Paris bỏ phiếu để cấm toàn bộ xe máy điện cho thuê.

Các quốc gia khác - trong nỗ lực loại bỏ xe đạp điện và xe máy điện - cũng đã gặp nhiều phản đối. Đặc biệt, đối với những người giao hàng (shipper), sinh kế của họ phụ thuộc vào phương tiện này. Một đại diện cảnh sát giao thông tại Trung Quốc cho biết, tác động của việc hạn chế xe đạp điện đối với những người giao hàng là một mối quan tâm lớn đối với cư dân tại Quảng Châu. Ông cho biết thêm rằng các cơ quan chức năng sẽ làm hết sức để giảm ảnh hưởng đối với người bán và người giao hàng.

Alfred Wu, một giáo sư phụ trách nghiên cứu về quản trị chính sách công của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho biết cần đánh giá những tác động xã hội đằng sau đoạn video người trẻ tuổi đi xe lăn điện.

"Đó là vấn đề của quá trình đưa ra chính sách công ở Trung Quốc", ông nói. "Thực tế luôn rất phức tạp và khó có một giải pháp áp dụng cho tất cả".

Chia sẻ