Con ruột sốt nặng, mẹ đứt ruột vào viện chăm con người ta vì “nhiệm vụ”

Bài, ảnh: Thiên Kim,
Chia sẻ

"Nghề này là vậy, mình tận tâm chăm sóc cho con người ta cũng chỉ mong con mình được người khác tận tâm chăm sóc. Cũng lo cho con lắm, nhưng ca trực thì không thể nào bỏ được".

Đó là lời chia sẻ tận đáy lòng của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Xuân Thi, nhân viên khoa Sản, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) về khó khăn của nghề đồng hành cùng bà mẹ vượt cạn.

Nữ hộ sinh, tên gọi không được biết đến nhiều như bác sĩ hoặc điều dưỡng nhưng lại đóng góp một phần rất quan trọng trong việc chào đón những sinh linh bé nhỏ chào đời và chăm sóc sức khỏe cho các sản phụ một cách tốt nhất.

Họ đồng hành cùng những người mẹ từ khi mang thai đến khi mong ngóng bé cưng chào đời, hiểu từng cơn đau quặn thắt, nở nụ cười hân hoan cùng gia đình sản phụ khi mẹ tròn con vuông hoặc rơi nước mắt khi một đứa trẻ chưa chào đời nhưng vì lý do nào đó mà vĩnh biệt cuộc sống.

Con ruột sốt nặng, mẹ đứt ruột vào viện chăm con người ta vì nhiệm vụ - Ảnh 1.

Nữ hộ sinh Thi đang hướng dẫn người mẹ cách cho con bú đúng cách.

Đã "đỡ đẻ" hết ca này đến ca khác nhưng mỗi cuộc vượt cạn thành công đều để lại trong lòng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Xuân Thi những cảm xúc khó tả.

"Là người đồng hành cùng sản phụ trong cuộc vượt cạn, mình theo sát họ từ lúc bước lên bàn đẻ, hướng dẫn sản phụ rặn đúng, động viên dỗ dành... Những gương mặt nhăn nhó, những tiếng rên rỉ, la hét đôi khi lẫn tiếng khóc vì đau đớn của sản phụ khi chuyển dạ đều luôn được mình để tâm, đồng cảm" - nữ hộ sinh Thi trải lòng.

Giây phút bé thơ lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời, "bà đỡ" vui mừng không kém vì phần khó khăn nhất của công việc đã hoàn thành. Cũng chính chị Thi cùng nhiều nữ hộ sinh khác là người tự tay vệ sinh, tắm rửa cho em bé trước cả người mẹ đang nằm co ro sau cơn đau đớn.

Con ruột sốt nặng, mẹ đứt ruột vào viện chăm con người ta vì nhiệm vụ - Ảnh 2.

Công việc quá áp lực, đôi khi họ không có thời gian chăm sóc con ruột của mình.

Nhiều người nghĩ nữ hộ sinh là người chăm sóc con mình rất tốt. Nhưng thực tế do công việc áp lực quá cao, nhiều người trong số họ phải hy sinh một phần vai trò làm vợ, làm mẹ của mình.

Có lần, một đồng nghiệp của chị Thi trong đêm trực nhận được cuộc gọi từ gia đình báo con sốt phải nhập viện nhưng không thể chạy về với con vì công việc không thể bỏ dở. Gạt nước mắt, người phụ nữ ấy phải tiếp tục ca trực. Nghĩ đến con thơ đang bệnh, họ chăm sóc cho những sản phụ và em bé trong khoa như chính đứa trẻ mình dứt ruột đẻ ra.

Con ruột sốt nặng, mẹ đứt ruột vào viện chăm con người ta vì nhiệm vụ - Ảnh 3.

Họ mong tận tâm chăm sóc cho con bệnh nhân và sản phụ thì con mình cũng sẽ được như vậy.

"Nghề này là vậy đó em, mình tận tâm chăm sóc cho con người ta, cũng chỉ mong con mình được người khác tận tâm chăm sóc như vậy. Cũng lo cho con lắm, nhưng ca trực thì không thể nào bỏ được" - chị Thi bộc bạch. Nói đoạn, chị lại tất bật đi thay nôi cho một bé bị vàng da phải chiếu đèn.

Anh mắt đượm buồn của chị Thi lúc ấy đã thể hiện rõ ràng sự vất vả của nghề nữ hộ sinh. Họ, là những người mang niềm hạnh phúc lớn lao cho những người xung quanh bằng tiếng khóc trẻ thơ.

Chia sẻ